Thứ Tư, 02/10/2024 13:34 CH
Anh Ba Lê Duẩn và những điều lạ của cách mạng miền Nam
Thứ Bảy, 07/04/2007 07:02 SA

Là người làm công tác bảo vệ và cần vụ, tôi được gần gũi đồng chí Lê Duẩn nhiều năm trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hình ảnh về đồng chí Lê Duẩn, mà chúng tôi quen gọi là anh Ba, lúc nào cũng đậm nét trong ký ức tôi. Những điều tâm đắc về phong cách tư duy, về đạo đức lối sống của anh Ba thì nhiều, song chỉ xin rút ra vài điều sau đây.

 

070406-leduan3.jpg

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và thế hệ trẻ – Ảnh: Tư liệu

 

1/ Phát triển tư tưởng của Bác Hồ về phát động cuộc kháng chiến “toàn dân toàn diện” anh Ba luôn coi trọng việc tập hợp, đoàn kết rộng rãi các lực lượng yêu nước trong nhân dân.

 

Ngay từ tháng 10/1945, khi từ Côn Đảo trở về, anh Ba đã cùng thường vụ Xứ ủy triệu  tập nhiều lớp học nhằm bồi dưỡng về đường lối, chủ trương, chính sách kháng chiến cho cán bộ tỉnh, các ban ngành của toàn miền Nam.

 

Anh Ba lúc đó là Bí thư Xứ ủy, trực tiếp phụ trách trưởng phòng dân quân, giảng về phong trào nhân dân du kích chiến tranh và vận động quần chúng. Cùng tham gia các lớp học này còn có những nhân vật tiếng tăm như: cụ Cao Triều Phát, Chủ tịch Cao đài hai phái hiệp nhất; tiến sĩ Hoàng Xuân Nhị; luật sư Phạm Văn Bạch; Phạm Ngọc Thuần, quốc tịch Pháp; Nguyễn Thành Vĩnh; Giáo sư Ca Văn Thỉnh; Đốc phủ xứ Phan Văn Chương; Diệp Ba, đảng Việt Nam quốc gia độc lập; kỹ sư Ngô Tấn Nhơn; Huỳnh Thiện Lộc, một đại địa chủ; bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng; kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt; Kha Vạn Cân; Giáo sư Phạm Thiều; Giáo sư Lê Văn Chì; Giáo sư Đặng Minh Trứ; Hồ Văn Huê...

 

Tất cả là một đội ngũ hùng hậu gồm trí thức, địa chủ, công chức do Pháp đào tạo, có người đang làm việc cho Pháp bỏ ra bưng kháng chiến, đại diện của những dòng họ nổi tiếng có ảnh hưởng rộng lớn trong nhân dân.

 

Riêng chúng tôi, những người theo anh Ba làm nhiệm vụ, thường xuyên được anh giáo dục về tinh thần đoàn kết dân tộc. Nhắc đến đội ngũ những người ấy, anh Ba gọi đó là điều lạ của cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo, tập hợp quần chúng của Đảng và Bác Hồ. Anh căn dặn chúng tôi và các cán bộ chiến sĩ: “Những trí thức, nhà tư sản lớn ấy, địa chủ ấy, đi theo kháng chiến có thể bị khuynh gia bại sản là những đồn điền trang trại, những nhà máy, những cánh đồng thẳng cánh cò bay, cả những địa vị béo bở. Nhưng họ sẵn sàng vứt bỏ tất thảy, kể cả tính mạng của mình. Đó là cái lạ của người Việt Nam cũng là cái lạ từ sức hút của Bác Hồ. Làm cách mạng mà không khơi gợi, không nhân rộng được cái lạ đó là thất bại”. Điều quyết định của sự thành công là khơi dậy được lòng yêu nước tự tôn dân tộc trong mọi tầng lớp nhân dân.

 

2/ Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ, trong hoàn cảnh chiến trường xa Trung ương, xa Bác Hồ, nhưng nhờ có phương châm hoạt động tư duy sáng tạo, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, anh Ba và Xứ ủy đã luôn có những chỉ đạo sát sao, gắn với thực tế tình hình, tạo những chuyển biến mạnh mẽ cho chiến lược cách mạng miền Nam.

 

Từ kinh nghiệm của phong trào quần chúng cách mạng, anh Ba đã sáng suốt đề xuất với Trung ương những biện pháp chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lần thứ hai: chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Ngay khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, anh Ba đang công tác ở miền Trung đã cấp tốc trở về Nam theo lệnh của Bộ Chính trị để chỉ đạo thực hiện một số biện pháp cấp bách trong tình hình mới. Khi ở khu 5 cũng như Nam bộ, anh Ba đã đề nghị bổ sung vào nghị quyết của những nơi này hai vấn đề:

 

Một là, nhân thời cơ chuyển quân tập kết, cần tập trung tổ chức cấp đất cho nông dân đang không có ruộng hoặc thiếu đất (kể cả những gia đình có người trong ngụy quân, ngụy quyền). Cấp đất tới đâu trao giấy chứng nhận, quyền sở hữu ruộng đất đến đó. Đặc biệt tập trung cấp đất ở vùng bị địch tạm chiếm. Miếng đất tạm cấp này sẽ tạo niềm tin, cảm tình của nhân dân đối với cách mạng, tạo thế áp sát, bao vây kẻ thù sau này.

 

Hai là, để cảnh giác, đối phó với âm mưu địch phá hoại Hiệp định Giơnevơ, bí mật lựa chọn một số cán bộ trung kiên, dũng cảm, có khả năng sáng tạo, bản lĩnh, độc lập chỉ huy để sẵn sàng cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt sau này, và chọn một số người đưa vào hàng ngũ của địch. Đồng thời với công tác này là việc chôn giấu một số súng đạn, các máy móc điện đài, công binh xưởng loại nhẹ, khi cần thì sử dụng được ngay.Không làm cải cách ruộng đất nhưng vẫn giải quyết vấn đề người cày có ruộng. Cùng với việc thực hiện Hiệp định Giơnevơ, chuẩn bị lực lượng cán bộ và phương tiện chiến đấu, sẵn sàng cho chủ trương bạo lực cách mạng.

 

Hai chủ trương này đã thực sự phát huy tác dụng cho đồng khởi và đấu tranh vũ trang, xây dựng lực lượng quân sự cách mạng ở miền Nam trong những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ.

 

3/ Từ trước khi Hiệp định Giơnevơ có hiệu lực, cùng với nhận định của Bác Hồ, Bộ Chính trị, anh Ba là một trong những người sớm nhận ra dã tâm của kẻ thù muốn chia cắt lâu dài đất nước. Ta sẽ không có cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước sau hai năm, anh Ba Lê Duẩn đã bí mật thực hiện cuộc “tập kết ngược”, ở lại miền Nam bám dân, bám cơ sở để tìm phương hướng chiến lược cho cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới.

 

Kết quả của hơn tám trăm ngày lặn lội khắp các miền Tây (Cà Mau, Bến Tre), Tây Nguyên (Đà Lạt), Sài Gòn, vượt qua mọi truy lùng gắt gao của kẻ thù là bản “Đề cương Cách mạng miền Nam” ra đời với nhận định sáng suốt: “Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó ra, không còn con đường nào khác”. Và một sách lược cho cuộc chiến tranh giải phóng: “Đường lối cách mạng miền Nam không thể tách rời những bài học lịch sử của cách mạng Việt Nam. Theo đó, nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là phải có một đảng cách mạng trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân và nhân dân lao động để lãnh đạo phong trào dân tộc…”.

 

Từ nội dung của “Đề cương cách mạng miền Nam” Nghị quyết 15 ra đời đã tạo bước ngoặt vĩ đại cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau Nghị quyết 15, anh Ba thường xuyên gửi thư vào Nam trao đổi ý kiến và chỉ đạo Trung ương Cục từng bước, đi đến giành thắng lợi.

 

Dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, cách mạng ngày càng tiến triển, đồng chí Lê Duẩn đã luôn đề ra các sách lược, chiến lược chỉ đạo phù hợp với từng thời kỳ: Từ chiến tranh du kích, kết hợp ba thứ quân; từ lấy ít đánh nhiều xây dựng vùng căn cứ cách mạng, giành thắng lợi từng phần, đến chiến tranh tổng lực, lấy mạnh đánh mạnh, tạo những quả đấm thép, mở những chiến dịch lớn, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

 

Được sống với anh Ba nhiều năm trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, được chứng kiến cung cách làm việc và tư duy của anh Ba, đến tận bây giờ năm tháng đã trôi qua nhưng tôi vẫn mãi chiêu nghiệm về tài năng, đức độ của anh Ba Lê Duẩn – một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trọn đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do hạnh phúc của nhân dân và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.

 

Theo NGUYỄN VĂN HOÀNH (SGGP)

Nguyên Phó Cục trưởng Cơ quan T78, thuộc Văn phòng TƯ Đảng

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek