Thứ Bảy, 12/10/2024 13:25 CH
Khởi nghĩa giành chính quyền ở Phú Yên trong Cách mạng Tháng Tám
Thứ Hai, 02/09/2013 00:00 SA

Từ ngày 15 đến 20/5/1945, gần 300 chiến sĩ cộng sản đã thoát khỏi nhà tù Buôn Ma Thuột được Đảng phân công trở về các tỉnh miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) tham gia phong trào cách mạng. Các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực thay mặt Đảng ủy nhà lao Buôn Ma Thuột phân công các đồng chí Trương Kiểm (An, còn có tên khác là Trương Chí Cương, Tư Thuận), Lê Cấp (Mẫn), Đoàn Sơ (Sửu), Hoàng Văn Phúc (Xuân) về Phú Yên hoạt động.

knt8130902.jpg

Đồng chí Trương Chí Cương (An) Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên tháng 6/1945

Đến Phú Yên, đồng chí Trương Kiểm bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Thái (được kết nạp ở Đảng bộ Đà Lạt năm 1938) vừa làm thợ mộc vừa tích cực hoạt động cách mạng ở làng Hòa Đa (nay là thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, Tuy An) và đồng chí Lê Duy Trinh là cơ sở cách mạng đang làm Chủ sự Liên nông thương đoàn ở Tuy Hòa.

Qua đồng chí Nguyễn Thái và Lê Duy Trinh, 4 đảng viên được Đảng phân công về Phú Yên hoạt động nhanh chóng bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Văn Nguyên (Sông Cầu), Phan Thanh Cưu, Huỳnh Liên (Đồng Xuân), Đỗ Tương, Nguyễn Chấn, Nguyễn Quốc Thoại, Huỳnh Nựu, Lê Tấn Thăng (phủ Tuy Hòa); Huỳnh Lưu, Nguyễn Hạnh, Nguyễn Hữu Nhọn (phủ Tuy An). Bên cạnh việc bắt liên lạc với các đảng viên cũ của Đảng bộ Phú Yên, đồng chí Trương Kiểm còn tiếp xúc với “Nhóm nghiên cứu Mác xít” ở phủ Tuy Hòa gồm 8 vị trí thức yêu nước: Đinh Nho Khôi, Đinh Nho Bát, Đinh Văn Ngộ, Nguyễn Ái, Trần Suyền, Nguyễn Tiếm, Nguyễn Thái, Nguyễn Chính. Lúc này, trên địa bàn Phú Yên còn có một số đồng chí vừa thoát khỏi các nhà tù như Lê Trọng Khoan, Lê Trọng Thuận, Trần Đình San, Nguyễn Hoằng (Vĩnh Mai), Trần Quỳnh...

Ngày 12/6/1945, 4 đồng chí Trương Kiểm, Lê Cấp, Đoàn Sơ, Hoàng Văn Phúc cùng đồng chí Nguyễn Thái họp tại nhà ông Cộng Tiếu (cơ sở cách mạng ở làng Hòa Đa) thành lập Tỉnh ủy lâm thời. Đồng chí Trương Kiểm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Tỉnh ủy lâm thời ra đời đã khôi phục được vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Phú Yên. Đây là nhân tố quyết định cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Phú Yên trong Cách mạng Tháng Tám thành công.

Tỉnh ủy lâm thời nhanh chóng bắt liên lạc với đồng chí Lê Tự Nhiên, phái viên Xứ ủy và nhận được bản chỉ thị của Trung ương Đảng ngày 12/3/1945 “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đây là kim chỉ nam hành động của Đảng bộ Phú Yên. Tỉnh ủy lâm thời tập hợp các đảng viên cũ ở Phú Yên khẩn trương củng cố lại các tổ chức đảng, nhanh chóng xây dựng các đoàn thể quần chúng cách mạng. Các đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời phân công xây dựng nhiều cơ sở Việt Minh ở cơ sở, thành lập Ủy ban Việt Minh các phủ, huyện và thành lập các hội Cứu quốc: Thanh niên, Nông dân, Công nhân, Phụ nữ.

Để chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa, Tỉnh ủy lâm thời chủ trương: Tuyên truyền rộng rãi trong Đảng bộ và quần chúng về cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh, động viên, hiệu triệu quần chúng cùng nhau đứng lên đánh đổ phát xít Nhật và bọn tay sai, quyết giành chính quyền về tay nhân dân; tiến hành vũ trang biểu tình thị uy nhằm nâng cao khí thế cách mạng của quần chúng; phát triển mạnh mẽ, đều khắp các đoàn thể cứu quốc; tổ chức các đội vũ trang tự vệ, tổ chức Đại hội Việt Minh để thành lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh.

Ngày 17/7/1945, Tỉnh ủy quyết định triệu tập Đại hội Mặt trận Việt Minh tỉnh tại làng Phước Hậu (nay là khu phố Phước Hậu, phường 9, TP Tuy Hòa). Đại hội được tổ chức tại nhà đồng chí Nguyễn Quốc Thoại (Tỉnh ủy viên Phú Yên 1936-1939). Bà Nguyễn Thị Ngâm (vợ đồng chí Nguyễn Quốc Thoại) ủng hộ, chăm lo ăn ở, điều kiện làm việc cho đại hội suốt 3 ngày, 2 đêm.

Đại hội Việt Minh tỉnh đánh giá thực trạng tình hình trong tỉnh, bàn thống nhất kế hoạch khởi nghĩa và bầu Ủy ban Việt Minh tỉnh gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Nguyên (thư ký), Trương Kiểm (phó thư ký), Đinh Văn Ngộ (ủy viên thường vụ) và các ủy viên Lê Cấp, Hoàng Văn Phúc, Đoàn Sơ, Nguyễn Thái, Trần Suyền, Lê Duy Trinh, Nguyễn Chấn, Phan Thanh Cưu.

Đại hội Việt Minh tỉnh thành công tốt đẹp đã đánh dấu bước chuyển biến quan trọng đối với phong trào cách mạng Phú Yên.

Sau đại hội, các đồng chí trong Ủy ban Việt Minh khẩn trương triển khai các công việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Chủ trương đoàn kết để cứu nước của Mặt trận Việt Minh được tuyên truyền rộng rãi, cán bộ Việt Minh tích cực vận động mọi người tham gia hoạt động ủng hộ Việt Minh, tuyên truyền rộng rãi cho quần chúng thấy rõ thân phận nô lệ, nỗi nhục mất nước và thời cơ giành độc lập, tự do đang đến gần.

Nhiều cuộc mít tinh biểu tình vũ trang được tổ chức rầm rộ khắp các địa phương trong tỉnh. Quần chúng được vũ trang gậy gộc, dao, kiếm, hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo phát xít Nhật”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Việt Nam độc lập muôn năm”.

Ngày 20/8/1945, Thư ký Ủy ban Việt Minh tỉnh Nguyễn Văn Nguyên biết tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Thư ký Nguyễn Văn Nguyên báo cáo Bí thư Tỉnh ủy Trương Kiểm và triệu tập khẩn cấp Ủy ban Việt Minh tỉnh tối 20/8/1945 tại Chí Thạnh thống nhất nhận định: “Nhật đầu hàng Đồng minh là thời cơ khách quan vô cùng thuận lợi để chúng ta tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, nếu chậm trễ sẽ không còn cơ hội. Khởi nghĩa là nhiệm vụ cực kỳ trọng đại, là đỉnh cao của bạo lực cách mạng, khởi nghĩa phải có lực lượng mạnh đông đảo, tiến hành đồng thời với cả nước. Lực lượng quần chúng của ta đông nhưng chưa được thử thách, lực lượng tự vệ mới tổ chức, trang bị quá thiếu thốn... Vấn đề cơ bản là chúng ta chưa biết được tình hình chung của cả nước. Vì thế cần phải củng cố quyết tâm, khẩn trương chuẩn bị thêm lực lượng, tiếp tục vũ trang cho các đội tự vệ, tập dượt quần chúng đấu tranh bằng những cuộc biểu tình võ trang thị uy, chuẩn bị tư tưởng cho tất cả các đoàn thể quần chúng sẵn sàng nhận lệnh Tổng khởi nghĩa. Tỉnh ủy sẽ tìm cách bắt liên lạc với Ban liên lạc của Xứ ủy ở Quảng Ngãi để biết thêm tình hình và nhận chủ trương” (*).

Ngay trong đêm 20/8/1945, các đồng chí trong Ủy ban Việt Minh tỉnh khẩn trương về các địa phương tổ chức lực lượng thực hiện các cuộc biểu tình võ trang thị uy, sẵn sàng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.

Sáng 21/8/1945, trên 200 người là hội viên các đoàn thể cứu quốc vũ trang vũ khí thô sơ kéo về tỉnh lỵ Sông Cầu biểu tình thị uy. Đồng chí Hoàng Văn Phúc đại diện Ủy ban Việt Minh tỉnh giải thích chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh, phân tích tính chất độc lập giả hiệu và bản chất tay sai của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, kêu gọi đồng bào tích cực tham gia Việt Minh khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 23/8/1945, 4.000 quần chúng yêu nước ở phủ Tuy Hòa và khu Tuy Hòa do các đồng chí Lê Duy Trinh, Nguyễn Chấn, Trần Đình San, Đinh Nho Khôi lãnh đạo đã tập trung ở sân bay Tuy Hòa tuần hành thị uy và kéo vào sân vận động trung tâm khu Tuy Hòa (phường 1, TP Tuy Hòa ngày nay).

Trước các cuộc biểu tình thị uy của quần chúng với khí thế long trời lở đất do Ủy ban Việt Minh tỉnh lãnh đạo, chính quyền bù nhìn từ tỉnh đến cơ sở bị tê liệt, nhiều chức sắc hoang mang dao động đi tìm đại diện Việt Minh để bàn giao chính quyền. Các cuộc biểu tình vũ trang toàn tỉnh đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần binh lính Nhật, làm cho chúng hoang mang co cụm lại, không dám bước ra khỏi doanh trại. Chiều ngày 23/8/1945, đồng chí Lê Tự Nhiên, phái viên Xứ ủy trên đường công tác vào Cực Nam Trung Bộ đã đến Phú Yên truyền đạt mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa cho Tỉnh ủy và Ủy ban Việt Minh tỉnh.

Đồng chí Trương Kiểm triệu tập cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng tại tỉnh lỵ Sông Cầu để nghe đồng chí Lê Tự Nhiên phổ biến chương trình chung và mệnh lệnh tổng khởi nghĩa toàn quốc của Ủy ban khởi nghĩa Trung ương.

Cuộc họp quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Phú Yên do đồng chí Trương Kiểm làm Trưởng ban. Tối 23/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa bàn bạc thống nhất kế hoạch khởi nghĩa từ tỉnh đến các phủ, huyện vào nửa đêm ngày 24/8/1945; nhanh chóng chiếm các đồn lính khố xanh và các công sở; huy động sức mạnh quần chúng kết hợp với đội tự vệ võ trang để giành chính quyền từ tỉnh đến cơ sở... huy động lực lượng để hỗ trợ cho việc giành chính quyền ở tỉnh lỵ Sông Cầu và khu Tuy Hòa; xóa bỏ chính quyền bù nhìn thì lập tức tuyên bố thành lập ngay chính quyền cách mạng; Ủy ban khởi nghĩa tỉnh trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa tại tỉnh lỵ Sông Cầu. Riêng khu Tuy Hòa, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh sẽ bắt Tỉnh trưởng Hồ Ngận đến Tuy Hòa giao đồn, lực lượng khởi nghĩa sẽ giành chính quyền dễ dàng.

Tối 24/8/1945, tại tỉnh lỵ Sông Cầu, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh huy động lực lượng quần chúng và các đội tự vệ ở La Hai, Đồng Xuân, Gò Duối... tiến hành khởi nghĩa.

Đúng 23 giờ, đồng chí Nguyễn Văn Thuận - cơ sở cách mạng làm nội ứng trong đồn khố xanh ở tỉnh lỵ Sông Cầu đã đưa toàn bộ binh lính tham gia vệ quốc đoàn đặt dưới sự chỉ huy của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh (sau này đồng chí Nguyễn Văn Thuận là Thiếu tướng quân đội Nhân dân Việt Nam).

Ủy ban khởi nghĩa tỉnh đã bố trí tự vệ và binh lính vừa theo cách mạng bao vây dinh tỉnh trưởng. Đúng 24 giờ ngày 24/8/1945, Tỉnh trưởng Hồ Ngận giao ấn tín, tài liệu cho đại diện Việt Minh, chính quyền nhân dân được tuyên bố thành lập để tiếp nhận sự bàn giao của chính quyền bù nhìn tay sai và trực tiếp điều hành công việc trong toàn tỉnh.

Rạng sáng 25/8/1945, hàng vạn quần chúng tập trung trước tỉnh đường với rừng cờ đỏ sao vàng ủng hộ chính quyền cách mạng. Ủy ban khởi nghĩa phân công lực lượng chiếm đồn lính khố xanh tại khu Tuy Hòa và Trà Kê. Thực hiện lệnh của chính quyền cách mạng, Tỉnh trưởng Hồ Ngận đã vào Tuy Hòa để lệnh cho đồn trưởng Tuy Hòa giao đồn cho Việt Minh. Cùng lúc, lực lượng khởi nghĩa khu Tuy Hòa do đồng chí Nguyễn Quốc Thoại chỉ huy cũng vừa kéo đến. Lực lượng tự vệ đã tiếp quản đồn khố xanh và tiến chiếm phủ Tuy Hòa. Trước khí thế của cuộc khởi nghĩa, tri phủ Tuy Hòa bỏ trốn, ta thu toàn bộ vũ khí tài liệu. Đồn Trà Kê cũng được cách mạng quản lý nhanh gọn trong ngày 25/8/1945.

Sáng ngày 26/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên do đồng chí Nguyễn Văn Nguyên làm Chủ tịch và đồng chí Trương Kiểm làm Phó chủ tịch cùng các ủy viên ra mắt quần chúng tại tỉnh lỵ Sông Cầu.

Ngày 27/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, Ban lãnh đạo khởi nghĩa khu Đồng Bò huy động lực lượng công nhân nhà máy và nhân dân trong vùng tổ chức mít tinh vũ trang tước vũ khí đồn khố xanh và chiếm nhà bang tá.

Quân Nhật đóng quân tại đây cố tình chiếm giữ nhà máy nên đã chống lại lực lượng khởi nghĩa làm một số chiến sĩ tự vệ bị thương. Lực lượng khởi nghĩa vừa tiến công, vừa vận động thuyết phục quân Nhật về ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa. Tại khu Đồng Bò, lực lượng khởi nghĩa thu được 8 súng trường, 1 trung liên và 3.000 tấn đường. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời khu Đồng Bò được thành lập do đồng chí Đoàn Sơ (Sửu) làm Chủ tịch.

Tại Sơn Hòa, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa, hơn 800 quần chúng là bà con các dân tộc vũ trang giáo mác, cung tên kéo đến Củng Sơn biểu tình thị uy chiếm huyện đường Sơn Hòa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập do đồng chí Đoàn Tư làm Chủ tịch.

Ngày 28/8/1945, Tỉnh ủy, Ủy ban Việt Minh tỉnh, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh quyết định thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời phủ Tuy Hòa do đồng chí Trần Suyền làm Chủ tịch và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời khu Tuy Hòa (các phường nội thị ngày nay) do đồng chí Lê Văn Phú làm Chủ tịch.

 

Tối 1/9/1945, tại sân vận động Hội Ích Trí ở khu Tuy Hòa, hàng nghìn quần chúng tập trung dự mít tinh mừng thắng lợi Cách mạng Tháng Tám thành công và ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Tuy Hòa và khu Tuy Hòa.

 

Sáng ngày 2/9/1945, Ủy ban Việt Minh tỉnh tổ chức mít tinh trọng thể tại tỉnh lỵ Sông Cầu với sự tham dự của hai vạn đồng bào ở Sông Cầu và Đồng Xuân trong rừng cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ mừng nước Việt Nam hoàn toàn độc lập sau 80 năm nô lệ. Đồng chí Trương Kiểm - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên và Nguyễn Văn Nguyên - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên phát biểu ý nghĩa vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công rực rỡ tại Phú Yên và cả nước, kêu gọi đồng bào quyết tâm đấu tranh bảo vệ, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.

 

Kết thúc mít tinh, quần chúng hô vang các khẩu hiệu:

“Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa muôn năm”

“Chính phủ cách mạng lâm thời muôn năm”

“Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”.

 

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Phú Yên là thắng lợi của đường lối giải phóng dân tộc của Đảng, thắng lợi của đại đoàn kết toàn dân, thắng lợi của ý chí kiên cường và sức mạnh tổ chức tài giỏi của những đảng viên cộng sản trong Đảng bộ tỉnh, là thắng lợi của sự gắn bó máu thịt giữa Đảng bộ và quần chúng yêu nước trong toàn tỉnh.

-------------------------------

(*) Lịch sử Đảng bộ Phú Yên 1930-1945, 1999, trang 142

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek