Chủ Nhật, 13/10/2024 03:25 SA
Khát vọng cao nguyên xanh
Thứ Hai, 19/08/2013 09:30 SA

Cao nguyên Vân Hòa ở phía bắc huyện Sơn Hòa, có cao độ 400m, nằm trên trục ĐT643 An Mỹ (Tuy An) - Sơn Hội (Sơn Hòa), bao gồm các xã Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định (Sơn Hòa), còn gọi là vùng 3 xã.

 

Đây là một vùng tiểu khí hậu quanh năm mát mẻ, có lượng mưa nhiều và đất đai màu mỡ phù hợp với nhiều loại cây trồng. Trước năm 1960, ở đây có nhiều nhà vườn, mỗi khi đến mùa thu hoạch, thương nhân các nơi đến mua thơm, mít, trái đỏ tấp nập. Cái tên chợ Đồn đã có từ rất lâu, mỗi tháng chợ họp 9 phiên, là nơi trao đổi nông, lâm, hải sản, đặc biệt là thơm và mít. Xung quanh chợ có tiệm, quán của người Minh Hương tạo nên một vùng mua bán trù phú.

 

Khi cuộc chiến chống Mỹ đến hồi ác liệt, phần lớn người dân 3 xã bị dồn về Củng Sơn, số ít bám trụ tham gia hoạt động cách mạng. Cao nguyên Vân Hòa trở thành căn cứ của chính quyền cách mạng tỉnh cho đến khi chiến tranh kết thúc.

 

Năm 1975 đất nước được hoàn toàn giải phóng, bà con trở về khôi phục lại làng xóm, tổ chức lại cuộc sống. Những năm đầu khắc phục hậu quả chiến tranh, đường sá chưa được sửa chữa kịp thời nên đời sống người dân 3 xã vô cùng khó khăn. Đường đi phải qua nhiều dốc cao, suối lớn, vào mùa mưa lũ thì bị chia cắt hoàn toàn, do vậy, đi bộ, đi ngựa là chính. Việc giao thương với trung tâm huyện hoặc về miền xuôi (Hòa Đa, Tuy Hòa) rất hạn chế. Bà con nơi đây làm ra nông sản chỉ bán với giá rẻ, ngược lại mua với giá cao những mặt hàng từ nơi khác đến vì phí vận chuyển quá cao.

 

Có một món ăn để lại ấn tượng cho những người từng đến đây công tác trong thời gian ấy, đó là mắm thơm. Đây là món “dự trữ chiến lược”, được làm từ thơm chín muối với mắm nêm hoặc ngâm nước mắm để dành ăn suốt mùa mưa lũ. Vì để lâu ngày nên phải muối thật mặn, mặn đến độ ai mới ăn lần đầu khó mà nuốt nổi. Mỗi khi có chuyến xe chở hàng thương nghiệp về được xem như vị cứu tinh. Những người bạn của tôi dạy học ở Sơn Định những năm mới giải phóng kể lại: Có đợt mưa lũ kéo dài, tập thể giáo viên hết gạo mà chưa mua được theo tiêu chuẩn lương thực đành phải phân công mỗi người chịu trách nhiệm mượn gạo của người dân ăn một ngày. Mà người dân nào có dư dả gì, một vụ ăn nước trời mà, đến khi giáp vòng chúng tôi vẫn chưa mua được gạo, mỗi cá nhân phải tự linh động “kiếm cơm” qua ngày.

 

Đến cuối thập niên 1980, vùng 3 xã dần dần khởi sắc. Nông trường cà phê trong chương trình hợp tác Việt Nam - Ba Lan được hình thành. Khoán 10 trong các HTX Nông nghiệp được áp dụng, giao quyền chủ động sản xuất cho nông dân và chuyển một số lĩnh vực khác sang cơ chế thị trường. Các công trình giáo dục, y tế lần lượt được xây dựng; điện lưới quốc gia về nông thôn, đặc biệt là hai trục đường chính ĐT643 An Mỹ - Sơn Hội và ĐT648 Sơn Xuân - Ngân Điền được đầu tư nâng cấp. Từ đó đời sống toàn vùng được nâng lên một cách đáng kể, cao nguyên Vân Hòa như được thay chiếc áo mới.

 

Những năm gần đây, cây mía, cây sắn giúp bà con xóa nghèo và hướng tới làm giàu. Cây cà phê không phát triển nhưng bù lại cây cao su xuất hiện và đã có kết quả ban đầu khả quan. Tổng diện tích cây cao su đến nay ước tính khoảng 600ha hòa với màu xanh của mía, sắn và gần 20 trang trại, mở ra hy vọng đổi đời diện rộng cho bà con nơi đây. Nông dân đang từng bước vươn lên làm giàu, nhiều hộ đã giàu thực sự. Việc nhiều nhà nông sở hữu máy cày, xe tải không còn xa lạ nữa. Đáng mừng hơn là thế hệ trẻ ở đây đã biết sử dụng máy vi tính và cập nhật internet.

 

Song song với việc củng cố, xây dựng hạ tầng “điện, đường, trường trạm”, hồ chứa nước Vân Hòa có sức chứa 800.000m3 và hồ Suối Phèn chứa 513.000m3 góp phần tạo nên cảnh quan sơn thủy và điều hòa khí hậu cho vùng trung tâm. Di tích lịch sử Nhà thờ Bác Hồ tại Sơn Định được trùng tu, nâng cấp. Đây là một trong những địa chỉ về nguồn đầy ý nghĩa. Hàng năm vào các ngày lễ lớn như 2/9, 30/4,… và ngày 24/3 giải phóng huyện Sơn Hòa, chính quyền và nhân dân tổ chức về viếng và dâng hương tại Nhà thờ Bác.

 

Ngày nay, về với cao nguyên Vân Hòa là về với thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ; về với tấm lòng hiền hòa chất phác của người dân đã từng kiên cường bám trụ trong hai cuộc chiến tranh. Đã qua rồi cái thời “khó khăn khắc phục”, người dân nơi đây đang từng bước nhìn về phía trước bằng một nhãn quan mới và suy nghĩ bằng một tư duy mới: làm giàu, khơi dậy tiềm năng để làm giàu.

 

Với lợi thế vùng tiểu khí hậu cao nguyên được thiên nhiên ban tặng cộng với sáng tạo của con người, kỳ vọng sẽ có một “Đà Lạt thứ hai” tại Phú Yên trong một tương lai gần; đồng thời góp phần tạo nên một dấu nhấn độc đáo trong bức tranh phát triển tăng tốc của tỉnh.

 

LƯU PHÚC

Nhà thờ Bác Hồ ở Sơn Định đón cán bộ, chiến sĩ, đồng bào viếng Bác trong những dịp lễ lớn của đất nước - Ảnh: N.TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek