Từ khi tái lập tỉnh đến nay, ngành Ngân hàng Phú Yên đã có những bước phát triển vượt bậc. Năm 1989, hệ thống ngân hàng trên địa bàn chỉ gồm Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và 3 ngân hàng thương mại, với dư nợ khá khiêm tốn - hơn 26 tỉ đồng. Đến nay, ngành Ngân hàng Phú Yên đã hình thành một mạng lưới 22 tổ chức tín dụng với tổng dư nợ vượt 51.000 tỉ đồng, góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Mở rộng mạng lưới
Năm 1989, cùng với việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính trên cả nước, tỉnh Phú Yên được tái lập trên cơ sở chia tách từ tỉnh Phú Khánh, theo đó, ngành Ngân hàng Phú Yên cũng được tái lập. Trong bối cảnh vừa mới bước ra từ hệ thống ngân hàng 1 cấp, thực hiện chia tách từ hệ thống ngân hàng tỉnh Phú Khánh, Phú Yên lại là tỉnh thuần nông, môi trường KT-XH chưa phát triển, cơ sở hạ tầng còn đơn sơ…, ngành Ngân hàng đối diện với nhiều thách thức: từ việc tái cơ cấu tổ chức, xây dựng đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất; đến phát triển mạng lưới các tổ chức tín dụng, đảm bảo nhu cầu vốn và dịch vụ cho các chủ thể trong nền kinh tế, tạo động lực phát triển KT-XH cho tỉnh nhà.
Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Phú Yên, với sự đoàn kết và nỗ lực không ngừng của công chức, người lao động, toàn ngành đã vượt lên mọi gian khó, hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị được giao.
Đến nay, hệ thống ngân hàng đã được xây dựng thành mạng lưới gồm Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên, chi nhánh 16 ngân hàng thương mại (riêng Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Phú Yên có 10 chi nhánh cấp 2), 4 quỹ tín dụng nhân dân và 1 Phòng giao dịch Ngân hàng Phát triển của khu vực, 60 phòng giao dịch, 2 điểm ngân hàng lưu động bằng ô tô chuyên dùng… được phân bổ rộng khắp trên 9 huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động liên tục, an toàn, hiệu quả.
Sau 35 năm tái lập tỉnh Phú Yên, hệ thống ngân hàng trên địa bàn ngày càng mở rộng, đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ của người dân, doanh nghiệp. Ảnh: LÊ HẢO |
Qua đó đáp ứng nhu cầu vốn, tiền mặt và dịch vụ của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, gồm: nhận tiền gửi tiết kiệm, mở tài khoản thanh toán, cấp tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, phát hành thẻ, thực hiện dịch vụ chuyển tiền và nhiều dịch vụ khác. Đặc biệt với hoạt động ngân hàng trực tuyến của các tổ chức tín dụng trên địa bàn hiện nay, người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận, trải nghiệm và sử dụng hầu hết sản phẩm dịch vụ ngân hàng mà không cần trực tiếp đến quầy giao dịch.
Cho đến nay, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt hơn 45.000 tỉ đồng, tổng dư nợ hơn 51.000 tỉ đồng. Các ngân hàng ưu tiên cho vay đối với các lĩnh vực là động lực phát triển KT-XH của tỉnh. Trong đó, nông nghiệp thủy sản chiếm 25,6%, công nghiệp xây dựng chiếm 17,81%, thương mại dịch vụ tiêu dùng 56,53%.
Điều này góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tạo việc làm, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Phú Yên (năm 2023, GRDP của tỉnh tăng trưởng 9,16%; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp thủy sản 24,14%, lĩnh vực công nghiệp xây dựng 29,42%, lĩnh vực dịch vụ 42,08%).
Đi đầu trong cải cách hành chính, chuyển đổi số
Thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn đi đầu trong cải cách hành chính, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản trị điều hành, tạo những sản phẩm dịch vụ chất lượng đáp ứng nhu cầu các chủ thể trong nền kinh tế. Ngành Ngân hàng đã đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư mạnh mẽ trong việc xây dựng hạ tầng công nghệ, chuyển từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng điện tử và nay là ngân hàng số, xây dựng nên hệ thống ngân hàng không quầy nhất là trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên. Đồ họa: VIỆT AN |
Nhờ đó giúp tiết giảm đáng kể thời gian và công sức cho giao dịch, đẩy nhanh tốc độ vòng quay vốn, rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa và chu kỳ sản xuất kinh doanh, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động trong nền kinh tế ở Phú Yên.
Chuyển đổi số của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã làm thay đổi nhận thức của người dân đối với tầm quan trọng của việc thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng và các giao dịch trực tuyến nói chung, từ đó chủ động, tích cực tham gia góp phần quan trọng trong phát triển thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công trực tuyến, qua đó thúc đẩy việc phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.
Chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp
Những năm qua, trong bối cảnh thế giới, trong nước chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, Hamas - Israel… làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên nhiên liệu, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Theo đó, KT-XH trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh này, ngành Ngân hàng Phú Yên đã đồng hành, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp. Hệ thống ngân hàng đã triển khai có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như: hỗ trợ lãi suất; miễn giảm lãi, phí và lệ phí; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giữ nguyên nhóm nợ; đơn giản thủ tục trong cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho người dân và doanh nghiệp…
Ngành Ngân hàng trên địa bàn cũng đã thực hiện tốt tín dụng chính sách, góp phần phát triển KT-XH với việc xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Với 20 chương trình tín dụng chính sách đã và đang triển khai đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển KT-XH của những vùng kinh tế còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nông thôn miền núi, hạn chế tín dụng đen góp phần quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Tín dụng chính sách trong thời gian đến tiếp tục được đẩy mạnh, vẫn là động lực quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi…
Hệ thống ngân hàng đã làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, đồng hành cùng với các cấp lãnh đạo tỉnh, các hội đoàn thể trong nhiều chương trình: xóa nhà tạm cho các đối tượng yếu thế; tặng quà cho người nghèo nhân dịp tết đến, xuân về; “Sóng và máy tính” cho học sinh; tiếp bước cho em đến trường…, với tổng trị giá bình quân hằng năm lên đến vài chục tỉ đồng từ tiết kiệm chi trong hoạt động kinh doanh, sự chia sẻ nguồn thu nhập của công chức, người lao động toàn ngành trên địa bàn.
Phát huy truyền thống hơn 70 năm xây dựng và phát triển ngành Ngân hàng trên cả nước, thành quả 35 năm hoạt động của ngành Ngân hàng Phú Yên từ khi tỉnh nhà được tái lập, thời gian đến, công chức, người lao động toàn ngành Ngân hàng Phú Yên quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 gắn với phát triển KT-XH tỉnh nhà.
Trước tiên là đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, từng bước phát triển, mở rộng đầu tư; xây dựng hệ thống ngân hàng trên địa bàn ngày càng phát triển cả về lượng và chất, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nhu cầu vốn và dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, ngành Ngân hàng Phú Yên tiếp tục đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, từng bước phát triển, mở rộng đầu tư... |
TRẦN VĂN TRÍ - ĐÀO NGỌC MINH
(Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên)