Thứ Năm, 21/11/2024 20:12 CH
Những người viết hùng ca phía mặt trời (kỳ 3)
Thứ Tư, 21/08/2024 07:00 SA

Kỳ 3: Mũi giáp công xuyên qua sào huyệt địch

 

Trung tá - Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, người có mặt rất sớm trong Đoàn 759 và nhận nhiệm vụ thuyền trưởng, người từng giữ cương vị Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cho đến khi nghỉ hưu, cho hay: Vận tải đường biển là một chiến lược. Nếu đi trên đường Trường Sơn, mỗi dân công chỉ có thể mang được 20kg, từ làng Ho ở Quảng Bình vào tới Khu 5 mất 3 tháng, và muốn đi vào Phước Long thuộc miền Đông Nam Bộ thì phải mất 6 tháng! Trong 6 tháng đó có thể gặp biết bao sự cố, bị sốt rét rừng, bị địch phát hiện...

 

Ông Hồ Thanh Bình ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (thứ ba, từ phải sang), nguyên Đại đội trưởng Đại đội bảo vệ bến Vũng Rô, mật danh K60, đón Anh hùng Hồ Đắc Thạnh (thứ hai, từ phải sang) cùng các chiến sĩ K60 ngày ấy (từ trái sang): ông Ngô Văn Định, ông Ngô Minh Thơ, bà Nguyễn Thị Tảng - nữ du kích trao nắm đất Vũng Rô cho thuyền trưởng năm nào, và ông Tống Trọng Điểm đến thăm. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

 

Nếu đi bằng đường biển, từ Hải Phòng đến Cà Mau, tàu chúng ta đi 7 ngày đêm là đến nơi. Còn từ Hải Phòng vào Khu 5, đi 3 ngày đêm là tới. Do đó, vận tải quân sự đường biển là một mũi giáp công xuyên qua sào huyệt địch.

 

Những chuyến đi cảm tử

 

Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đã chỉ huy 12 chuyến tàu Không số cập bến thành công, trong đó có 3 chuyến cập bến Vũng Rô. Chuyến đi thứ 7 của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và thủy thủ đoàn, tàu mắc vào bãi san hô ở Hoàng Sa (trước đó, 2 tàu của ta cũng đã mắc cạn, buộc phải phá hủy nhưng lấy được hàng về). Thuyền trưởng cùng thủy thủ đoàn tìm mọi cách đưa tàu ra khỏi bãi san hô. Sau 2 ngày đêm quần quật, họ đã thành công; tàu ra khỏi bãi san hô và không bị phát hiện. Thuyền trưởng báo cáo về Đoàn 759, về Bộ Tổng tham mưu. Kiểm tra, nhận thấy tàu vẫn an toàn, họ tiếp tục hành trình vận chuyển vũ khí vào Cà Mau.

 

Sau chuyến đi đó, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh được trao tặng Huân chương Chiến công hạng 2.

 

Thuyền trưởng chia sẻ: “Mỗi lần ra đi, chúng tôi xác định có thể sẽ gặp một trong hai cái chết. Một là chết do bão tố. Hồi đó không phải như bây giờ, có dự báo khí tượng thủy văn hiện đại, có thể xác định tâm bão, tốc độ gió, hướng di chuyển... Hồi đó chỉ biết rằng có một cơn bão xuất hiện tại nơi này. Tốc độ tàu vận tải của chúng tôi là 10 hải lý/giờ. Với vận tốc này thì không thể nào vượt qua những cơn bão. Như vậy là chết.

 

Cái chết thứ hai có thể ập đến khi tàu đã vào vùng biển miền Nam, thuộc quyền kiểm soát của địch. Nếu địch phát hiện thì tàu chiến, máy bay của chúng sẽ bu lại như kiến. Cho nên không thể tránh khỏi cái chết.

 

Những chuyến đầu tiên, trước khi ra đi, chúng tôi được tổ chức lễ truy điệu sống. Chúng tôi làm một mâm cơm, có các đồng chí lãnh đạo Nhà nước và Hải quân tham dự. Các đồng chí lãnh đạo chúc chúng tôi lên đường thuận lợi, đi đến nơi về đến chốn, hoàn thành nhiệm vụ. Nếu chúng tôi thắng lợi trở về thì vô cùng đáng mừng. Nhưng nếu gặp biến cố trong khi làm nhiệm vụ, chúng tôi hy sinh, thì coi như đây là nén tâm hương tiễn đưa chúng tôi.

 

Nguy hiểm như vậy, gian nan như vậy nhưng trong suốt 14 năm làm nhiệm vụ, từ năm 1961-1974, chưa có một trường hợp nào phản bội, chưa có một trường hợp nào thoái thác nhiệm vụ... Công tác chính trị tư tưởng của QĐND Việt Nam nói chung, Hải quân nói riêng, lúc bấy giờ tốt như thế”.

 

Gọi là tàu Không số nhưng thật ra có số. Trên tàu có rất nhiều số, rất nhiều cờ. Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nhớ lại: “Đến mỗi vùng biển, chúng tôi có một số. Qua vùng biển của quốc gia nào thì chúng tôi treo cờ của quốc gia đó để “hòa nhập”. Rồi khi vào vùng biển miền Nam, chúng tôi treo cờ ba que để che mắt kẻ địch. Về đến miền Bắc thì chúng tôi rút số xuống. Vì sao? Vì địch cài gián điệp trên các tàu buôn của nước ngoài. Tàu buôn nước ngoài vào cảng Hải Phòng “ăn hàng”. Nếu chúng từng gặp tàu chúng tôi ở vùng biển Cà Mau mang số này, khi về Hải Phòng vẫn mang số đó, thì sẽ nghi vấn đây chính là tàu Bắc Việt. Do đó khi về đến Hải Phòng thì chúng tôi rút số, và người ta gọi bằng tên thân thương là tàu Không số”.

 

Trận đánh không cân sức tại bến Vũng Rô

 

Ngày 1/2/1965, tàu 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thêm và chính trị viên Phan Văn Bảng chỉ huy được giao nhiệm vụ đưa 63 tấn vũ khí vào bến Lộ Diêu (tỉnh Bình Định). Bến Lộ Diêu phụ thuộc vào thủy triều. Nếu tàu 143 đến Lộ Diêu đúng thời gian dự kiến thì thủy triều đủ để tàu vào bến.

 

Song, tàu đi hơn 1 ngày thì được lệnh dừng lại tại đảo Hải Nam cho đến ngày 10/2/1965 mới tiếp tục hành trình. Vì vậy, khi tàu 143 đến Bình Định thì bến Lộ Diêu không còn đủ nước để tàu vào bến.

 

Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị tàu 143 vào Vũng Rô giao vũ khí.

 

Khoảng 2 giờ sáng một đêm giữa tháng 2/1965, tàu vào Vũng Rô, thả neo. Bốc dỡ được hơn 2/3 số hàng thì trời gần sáng; kéo neo lên thì tời neo bị hư. Ông Tống Trọng Điểm (SN 1942, hiện trú phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa) kể: “Anh em thủy thủ sửa hoài không được. Đến khi kéo được tời lên thì trời sáng rồi. Tàu chạy qua Bãi Chùa trú ẩn; thủy thủ đoàn lên bờ, đợi đến đêm thì đưa tàu ra”.

 

Tại Bãi Chùa, ta chặt cây ngụy trang tàu. Bộ đội được bố trí thành 3 mũi ở Bãi Lau, Bãi Bàng và Bãi Chùa. 3 mũi đặt 3 khẩu trung liên, một khẩu đại liên, nếu tàu bị lộ thì triển khai đánh địch.

 

Vào thời điểm đó, tại Bình Định có một trận đánh trên đèo Nhông - Dương Liễu, địch chết rất nhiều. Chúng dùng máy bay vận chuyển từ Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) vào Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).

 

Khi bay qua Vũng Rô, viên phi công Mỹ nhìn xuống, thấy một mỏm đá khác lạ. Chúng báo về Nha Trang. Bọn địch ở Nha Trang cho máy bay bay ra kiểm tra, chụp ảnh, và phát hiện mỏm đá này... vừa mới xuất hiện. Từ trên máy bay, chúng phóng 2 quả rốc két. Lớp ngụy trang bốc cháy. Con tàu 143 lộ ra.

 

Máy bay địch bay tới cả đàn, thả bom. Quân ta đánh trả bằng súng phòng không.

 

Tàu 143 bị trúng bom, chìm một nửa. Tối hôm đó, ta cho người đưa bộc phá ra, đánh cho tàu chìm. Ông Tống Trọng Điểm và ông Ngô Văn Định chèo thuyền thúng, lần lượt chở tổng cộng khoảng 200kg bộc phá trở lại tàu (đây là số bộc phá mà tàu 143 chở vô, được đưa vào hang đá) cùng số bộc phá hiện có trên tàu. Ông Nguyễn Ngọc Cảnh và ông Dương Văn Kính - 2 trong số 4 sĩ quan đi B bằng đường biển, đến Phú Yên trên chuyến tàu Không số thứ 3 - đã điểm hỏa khối bộc phá.

 

Ông Điểm và ông Định chèo thuyền thúng chưa về đến bến thì một tiếng nổ lớn vang lên. Một cột lửa bùng lên.

 

Ngày vừa rạng. Tàu chiến của địch đổ quân, từ ngoài biển tràn vô. Lực lượng ta và địch có sự chênh lệch rất lớn, tuy nhiên ta có ưu thế là từ các hang, gộp đá bắn ra, địch tổn thất nhiều. Tại Bãi Chùa, Bãi Chính, cầu Cây Khế, hộc (hang đá) Bầu Le, địch chết hơn một đại đội.

 

Ông Ngô Minh Thơ (SN 1948, quê ở Hòa Hiệp, trú tại Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) khi đó làm liên lạc cho chính trị viên và đại đội trưởng K60, kể: “Đơn vị K60 đã chiến đấu đến cùng”.

 

Quân ta đánh và rút dần. Bọn địch gọi máy bay đến thả bom. Quả bom xăng ném xuống hang đá nơi một tiểu đội cối đang trú ẩn. Tiểu đội trưởng tiểu đội cối, người Nghệ An, cùng 11 người trong tiểu đội hy sinh. “Hôm sau, đơn vị đưa thi thể anh em ra khỏi hang, chôn cất tại gò Dinh. Nhìn thi thể anh em không còn nguyên vẹn, ai nấy càng căm thù giặc. Chúng tôi không lo sợ cái chết đến với mình, chỉ có lòng căm thù giặc”, ông Tống Trọng Điểm kể.

 

Tại Bãi Chính, trong trận chiến không cân sức khi địch đổ bộ lên, hai đồng chí hy sinh. Suốt đêm hôm đó, ông Ngô Văn Định ngồi canh thi thể đồng đội, không để cọp từ trên núi xuống tấn công thi thể. Trong lòng ông dội lên cảm giác căm thù giặc. Khoảng 4 giờ sáng, anh em đồng đội đến. Ông Định cùng đồng đội đào huyệt, an táng hai liệt sĩ tại Bãi Chính. Sau giải phóng, hài cốt các liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Hài cốt đồng chí Mậu, tiểu đội trưởng tiểu đội cối, sau này được gia đình đưa về quê hương Nghệ An.

 

Chuyến tàu thứ 4 đầy bất trắc đó, quân và dân Phú Yên đưa được vũ khí lên bờ, hủy được tàu. Thuyền trưởng bị thương, được cứu chữa và đưa về tuyến sau cùng thủy thủ đoàn.

 

Nguyên nhân tàu 143 bị lộ đã được làm rõ sau giải phóng. Khi đó, ông Hồ Đắc Thạnh làm Trợ lý tác chiến tại Bộ Tư lệnh Hải quân, tiếp quản Bộ Tư lệnh Hải quân của địch. Mở tài liệu mật của chúng, ông biết rõ ngọn ngành. Tài liệu của địch ghi rõ tên trung úy phi công đã đi qua Vũng Rô và phát hiện một “mỏm đá” lạ.

 

Kỳ 4: Những chuyến đi trùng trùng bão tố

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek