Kỳ 2: Đối mặt kẻ thù và quyết định cân não
Sau 7 chuyến tàu vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Tây Nam Bộ, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nhận lệnh chỉ huy 3 chuyến tàu, vận chuyển gần 200 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường Phú Yên, Khánh Hòa và Nam Tây Nguyên. Trên 3 chuyến tàu ấy còn có các cán bộ chiến sĩ đi B bằng đường biển, vào Phú Yên.
Mỗi chuyến tàu đều có những kỷ niệm đáng nhớ.
Tập thể cán bộ, chiến sĩ tàu 41 trước giờ xuất phát tại bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng) chở 30 tấn vũ khí đầu tiên vào Cà Mau thành công (năm 1962) - chuyến đi mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Nguồn: TTXVN |
Qua mặt kẻ thù
Chuyến đi đầu tiên đến bến Vũng Rô có lúc thót tim. Tàu 41 đi đến vùng biển Quảng Ngãi thì máy bay địch xuất hiện, quần lượn trên đầu. Thuyền trưởng bình tĩnh bảo anh em treo cờ ba que lên cao và mang những con cá ướp đá (đã chuẩn bị sẵn) lên vẫy vẫy, để chúng tin rằng đây là tàu của ngư dân miền Nam. Một lúc sau, máy bay địch mất hút. Nhưng, từ phía đất liền, 2 chiếc tàu tuần tiễu của địch chạy ra với tốc độ rất cao.
Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh kể: “Khi cách tàu chúng tôi khoảng 1 hải lý, chúng bắt đầu chạy song song. Tất cả khẩu pháo trên tàu tuần tiễu đều chĩa về phía tàu chúng tôi. Chỉ một chút sơ hở, bị bọn địch phát hiện đây là tàu của Bắc Việt thì chúng sẽ lập tức nổ súng tấn công ngay”.
Ông Hồ Đắc Thạnh và đồng đội nghĩ rằng sẽ có cuộc chiến một mất một còn trên biển. Thủy thủ đoàn chuẩn bị vũ khí: pháo 12,7mm, B40, B41, lựu đạn chống tăng... Tất cả sẵn sàng chiến đấu.
Sau 1 tiếng đồng hồ kèm sát tàu 41, thấy không có gì để nghi ngờ, bọn địch bỏ đi. Tàu 41 tiếp tục đi về hướng Phú Yên, vào Vũng Rô...
Quyết định cân não
Tại đây, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh gặp đồng chí Trần Suyền, báo cáo: “Tàu chúng tôi chở 63 tấn vũ khí và chỉ ở lại từ 24 giờ đến 3 giờ sáng thì phải ra”. Đồng chí Trần Suyền rất vui mừng khi tàu chở vũ khí chi viện đã cập bến, nhưng rồi một câu hỏi nan giải xuất hiện. Đồng chí Trần Suyền nói với thuyền trưởng: “Mình xin trung ương viện trợ 1 ghe nhỏ vũ khí, đủ để lực lượng dân công bốc dỡ. Giờ có tàu sắt to như vầy, làm sao bốc dỡ hết?”.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan. Phải làm sao đây? Nếu bốc dỡ chưa xong mà trời sáng, tàu có thể ra, nhưng liệu tối mai có vào được hay không, khi mà tàu tuần tiễu của địch hoạt động liên tục? Còn nếu ở lại thì ở đâu?
Có ý kiến rằng cho tàu ra ngoài vùng biển quốc tế, chờ tối mai vào sớm để bốc dỡ hàng. Có ý kiến bảo ở lại, ngụy trang, tối mai bốc hết hàng rồi ra.
Thiếu tá Ngô Văn Định - người từng công tác tại đơn vị B tập trung miền Đông, sau là lực lượng nòng cốt của Đại đội bảo vệ bến Vũng Rô - đến thăm Anh hùng Hồ Đắc Thạnh. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Lúc này, những lời nói của đồng chí Tư lệnh Hải quân trước khi tàu khởi hành vang lên trong tâm trí thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh: “Trong trường hợp bất trắc, chi ủy và thuyền trưởng được quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp trên”.
Cũng phải nói thêm là tàu 41 từng cập núi Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), ngụy trang khi máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc. Cây chống và lưới ngụy trang vẫn còn trên tàu.
“Sau khi suy tính, trao đổi với chi ủy, tôi quyết định: Ở lại, đợi đến tối mai bốc dỡ hết hàng thì đi ra. Đây là một quyết định rất khó khăn, bởi nếu ở lại mà địch phát hiện thì sẽ có một trận chiến một mất một còn. Chẳng những anh em thủy thủ hy sinh, mà quan trọng là con đường vận tải bí mật trên biển Đông sẽ không còn giữ được bí mật nữa. Tôi viết một bức điện, đưa cho cơ yếu gởi về Bộ Tư lệnh Hải quân: “Tôi ở lại, tối mai bốc hết hàng rồi ra”. Gởi xong bức điện, tàu cắt liên lạc, vì sóng liên lạc là một điều kiện để cho địch dễ phát hiện”, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nhớ lại.
Tàu 41 được đưa đến Bãi Chùa. Những người lính hải quân dùng lưới ngụy trang sao cho tàu và núi liền một khối, không để máy bay địch phát hiện được, giống như đã từng ngụy trang khi cập vào núi đá vôi ở Hạ Long, tránh máy bay địch tập kích, phá hoại.
4 giờ sáng, ông Hồ Đắc Thạnh xuống chiếc thuyền máy nhỏ, chạy ra phía ngoài kiểm tra xem việc ngụy trang có gì bất ổn. Không, tàu và núi đã liền một khối!
Lực lượng ở bến bố trí 1 khẩu DKZ nơi mỏm đá, phòng khi thuyền của địch xuất hiện và xảy ra đụng độ.
Anh em thủy thủ lên bờ. Trên tàu chỉ còn thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, thuyền phó Hồng Lỳ và máy trưởng Nhạn. Ngày hôm đó trôi qua thật chậm. Kim đồng hồ trên tay thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nhích từng chút một. Trên đầu, mặt trời chừng như đứng yên. Những người dưới tàu lẫn lực lượng trên bến nóng ruột vô cùng, mong trời mau tối để thực hiện tiếp nhiệm vụ quan trọng còn dang dở: Đưa vũ khí từ tàu sắt xuống bến.
Rồi màn đêm cũng buông xuống trong sự chờ đợi thắc thỏm. 7 giờ tối, tàu 41 trở lại Bãi Chính để dân công bốc dỡ hàng.
Nếu như ở miền Tây Nam Bộ, sau khi tàu sắt cập bến, ngụy trang thì xuồng tới cập mạn, vận chuyển hàng. Ở Bãi Chính thì khác. Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cho tàu chạy với tốc độ cao ủi lên bãi cạn để dân công bốc dỡ hàng. Đồng thời, ông đề nghị họ xúc cát đổ lên tàu. (Vì đây là tàu vận tải, sau khi hết hàng, ra biển rất khó điều khiển).
Đến 3 giờ sáng, công việc hoàn tất, tàu 41 ra khơi. Chuyến thứ nhất vào Vũng Rô thắng lợi!
Kỳ 3: Mũi giáp công xuyên qua sào huyệt địch
PHƯƠNG TRÀ