Sinh hoạt chi bộ là một trong những hoạt động chủ yếu của chi bộ đã được quy định trong Điều lệ Đảng, nhằm giúp đảng viên nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng và thực hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục của chi bộ. Bởi vậy, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thực chất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ.
Duy trì được chế độ sinh hoạt chi bộ thường kỳ
Trong những năm qua, Đảng ta đề ra nhiều chủ trương, giải pháp về xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và đội ngũ đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và ban hành nhiều văn bản, tổ chức những hội nghị chuyên đề bàn giải pháp để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; triển khai sinh hoạt chuyên đề hằng quý; tăng cường phát huy dân chủ, ý kiến phát biểu của đảng viên trong tự phê bình và phê bình; nâng cao chất lượng triển khai mô hình Cấp ủy viên các cấp dự sinh hoạt chi bộ thôn, buôn, khu phố và thành lập 33 tổ công tác của tỉnh, phân công tỉnh ủy viên làm tổ trưởng và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh làm tổ phó tham dự sinh hoạt chi bộ ở thôn, buôn, khu phố trên địa bàn tỉnh... Các cấp ủy cụ thể hóa và triển khai nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch của tỉnh, tạo sự chuyển biến rõ nét, từng bước nâng cao chất lượng và dần đưa việc sinh hoạt chi bộ đi vào nền nếp.
Báo cáo 446-BC/TU, ngày 8/3/2024 của Tỉnh ủy về tổng kết công tác xây dựng đảng 5 năm, nhiệm kỳ 2020-2025 cơ bản đánh giá: Các chi bộ đã duy trì được chế độ sinh hoạt thường kỳ hằng tháng theo quy định; bí thư, cấp ủy chi bộ nắm được yêu cầu, nội dung và các bước tiến hành tổ chức sinh hoạt theo Hướng dẫn 12-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương.
Trước khi sinh hoạt chi bộ, chi ủy tổ chức họp chuẩn bị nội dung, đánh giá tình hình tư tưởng và thực hiện nhiệm vụ tháng qua, xác định việc làm được và chưa được, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Trong sinh hoạt phát huy không khí dân chủ thảo luận, thống nhất từng nội dung, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đề ra nghị quyết hoặc kết luận của chi bộ sát với tình hình thực tế.
Nhiều chi bộ duy trì được nề nếp sinh hoạt của các tổ đảng và của chi ủy; số lượng đảng viên tham gia sinh hoạt có tỉ lệ cao; nội dung sinh hoạt chi bộ ngày càng phong phú, sát hơn với nhiệm vụ và tình hình thực tế ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhiều chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề hằng quý đảm bảo về nội dung và hình thức, tập trung thảo luận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết những hạn chế, những vấn đề nổi cộm ở cơ quan, đơn vị…
Bên cạnh những mặt đạt được, thực tế cũng cho thấy, việc tổ chức sinh hoạt chi bộ còn tồn tại những hạn chế như: Một số cấp ủy, chi bộ chưa thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt thường kỳ, còn buông lỏng công tác quản lý, giáo dục đảng viên; công tác chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ của một số cấp ủy chưa đầy đủ và chưa đảm bảo theo Hướng dẫn 12-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương; tinh thần tự phê bình và phê bình, sức chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ chưa phát huy mạnh mẽ; một số chi bộ chưa thực hiện đầy đủ sinh hoạt chuyên đề hằng quý, còn lúng túng trong cách thức tổ chức và nội dung chưa sát hợp với đặc điểm tình hình của chi bộ, cơ quan, đơn vị…
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy cơ sở còn yếu; mặt khác nhiều cấp ủy cơ sở là kiêm nhiệm, nên bị chi phối nhiều thời gian trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hơn công tác đảng…
Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Trong thời gian tới, để tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, các cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở cần nghiên cứu, tập trung khắc phục những hạn chế của chi bộ mình, trong đó tham khảo, vận dụng một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của cấp ủy và đảng viên về tầm quan trọng và sự cần thiết phải duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xác định chất lượng sinh hoạt chi bộ tốt sẽ góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đảng viên.
Hai là, thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi ủy, chi bộ hằng tháng theo quy định của Điều lệ Đảng và Hướng dẫn 12-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Trong sinh hoạt thường kỳ cần linh hoạt về thời gian để các đảng viên tham dự đông đủ. Phân công đồng chí trong cấp ủy hoặc đảng viên làm thư ký ghi chép đầy đủ nội dung, diễn biến của buổi sinh hoạt; kết thúc buổi sinh hoạt chi bộ, chủ trì phải lấy biểu quyết thông qua kết luận của chi bộ và ký vào biên bản cuộc họp.
Trong sinh hoạt chuyên đề phải đảm bảo đầy đủ theo quý, chọn những nội dung, những vấn đề sát hợp với tình hình thực tiễn, nhất là những hạn chế, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị đang được dư luận quan tâm để tổ chức sinh hoạt, đề ra giải pháp khắc phục triệt để.
Trước khi tổ chức sinh hoạt chuyên đề, cấp ủy phải chuẩn bị kế hoạch, kịch bản, phân công cấp ủy viên hoặc đảng viên chuẩn bị nội dung tham luận, thảo luận; triển khai cho các đảng viên nghiên cứu trước nội dung sinh hoạt để tham gia ý kiến tại buổi sinh hoạt. Chủ trì cần phát huy mạnh mẽ dân chủ, gợi ý phát biểu trong sinh hoạt, trước khi kết thúc phải kết luận và lấy biểu quyết để triển khai thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện chuyên đề.
Ba là, tập trung đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy theo hướng sâu sát, khoa học, sáng tạo, linh hoạt, dân chủ, gần gũi, cởi mở, cầu thị…; tiếp tục rà soát, bổ sung và thực hiện tốt các nội quy, quy chế của chi bộ, cấp ủy; có sự phân công, phân cấp, trách nhiệm rõ ràng, rành mạch; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy mạnh mẽ tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ.
Bốn là, tăng cường nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng, kịp thời thông tin, định hướng cho đảng viên những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và những vấn đề dư luận xã hội quan tâm trong các kỳ sinh hoạt thường xuyên của chi, đảng bộ cơ sở; đồng thời thường xuyên phát huy trách nhiệm của đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Cùng với đó, tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thấm nhuần trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết, nhiệm vụ của chi bộ để kịp thời đánh giá kết quả, tiến độ, đề ra những giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế.
Bên cạnh đó tăng cường công tác giám sát việc thực hiện tu dưỡng đạo đức cách mạng, thực hiện nhiệm vụ được giao và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, kịp thời uốn nắn những lệch lạc, nhắc nhở, phê bình những hạn chế, khuyết điểm, đồng thời biểu dương, khen thưởng những đảng viên thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao...
ĐẶNG HỒNG THÁI
Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng,
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy