Chủ Nhật, 24/11/2024 09:06 SA
Khơi dậy lòng tự hào, bồi đắp niềm tin (kỳ 2)
Thứ Sáu, 26/07/2024 10:00 SA

Kỳ 2: “Kéo” lịch sử về gần với người trẻ

 

Những năm qua, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành trong tỉnh chú trọng triển khai bằng nhiều hình thức, hoạt động đa dạng, phong phú nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống, qua đó xác định rõ trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

 

Hội viên Hội Cựu TNXP tỉnh và đoàn viên thanh niên tham gia hội thi Tiếng hát thanh niên - cựu TNXP trong chuyến hành quân về nguồn tại đền thờ Lê Thành Phương vào tháng 7/2024. Ảnh: BẢO KÍNH

 

Đa dạng phương thức giáo dục lịch sử địa phương

 

Có một tiết học mà học sinh không phải bó buộc với cách dạy học truyền thống hay gói gọn trong không gian của 4 bức tường của lớp học, mà các em được học thực địa: học tại di tích lịch sử, học bằng cách tự tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa hay những câu chuyện dân gian của địa phương mình...

 

Tiết học khác biệt ấy chính là chương trình giáo dục lịch sử địa phương đang được triển khai ở các trường học trên địa bàn tỉnh. Đây là kết quả tổ chức biên soạn bộ tài liệu phục vụ chương trình giáo dục lịch sử địa phương cho từng khối lớp của Sở GD&ĐT.

 

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, giáo dục lịch sử địa phương là một bộ phận không thể tách rời trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, truyền thống, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị xã hội, môi trường của địa phương; bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của quê hương, đất nước và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn.

 

Tại Trường THCS Phan Lưu Thanh (huyện Đồng Xuân), chương trình giáo dục lịch sử địa phương được đưa vào giảng dạy từ năm học 2022-2023. Ông Nguyễn Duy Phước, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường đã chủ động xây dựng thời khóa biểu, kế hoạch giảng dạy; đồng thời chỉ đạo giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, sưu tầm, trình chiếu video, hình ảnh thực tế để thu hút học sinh. Giáo dục lịch sử địa phương không chỉ gói gọn ở những tiết học trên lớp mà còn qua các hoạt động ngoại khóa, tọa đàm, nói chuyện truyền thống; thi tìm hiểu kiến thức lịch sử, hành trình về nguồn tham quan các di tích lịch sử…

 

Hằng năm, nhà trường đều tổ chức cho học sinh tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia Nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên (ở khu phố Long Bình, thị trấn La Hai) để tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Phú Yên Phan Lưu Thanh mà nhà trường mang tên.

 

Ngoài bậc phổ thông, chương trình giáo dục lịch sử địa phương cũng được tỉnh đưa vào giảng dạy ở bậc đại học và các lớp trung cấp lý luận chính trị. Giáo trình lịch sử địa phương được Trường đại học Phú Yên biên soạn năm 2018 đã được nhà trường sử dụng làm tài liệu giảng dạy cho sinh viên. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh đều tích hợp các nội dung giảng dạy về lịch sử địa phương trong các môn học liên quan đến ngành Du lịch, phân môn Lịch sử Đảng. Trong khi đó, tại Trường Chính trị tỉnh, từ năm 2017, nhà trường đã biên soạn và thường xuyên cập nhật mới tập bài giảng “Tình hình, nhiệm vụ của tỉnh Phú Yên”, trong đó có chuyên đề “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Yên” vào chương trình giảng dạy các lớp trung cấp lý luận chính trị.

 

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hoài My cho biết: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cấp ủy địa phương đã phối hợp biên soạn, phát hành nhiều tài liệu phục vụ công tác giáo dục lịch sử. Trên cơ sở những tập lịch sử đã được biên soạn, các cấp ủy, chính quyền tập trung tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, từ đó khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

 

Các em đội viên tham quan và nghe thuyết trình tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: BẢO KÍNH

 

Hành quân về nguồn, tự hào tiếp bước

 

Giữa mênh mang nắng gió của một ngày trung tuần tháng 7, hơn 200 đoàn viên, thanh niên cùng các hội viên của Hội Cựu TNXP tỉnh hành quân về nguồn tại đền thờ Lê Thành Phương (xã An Hiệp, huyện Tuy An). Các đại biểu đã dâng hương tại đền thờ; cùng nhau ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, quê hương, truyền thống lực lượng TNXP 74 năm qua; sôi nổi tham gia hội thi Tiếng hát thanh niên - cựu TNXP.

 

Ông Lê Thành Bích, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho hay: Hoạt động này được Hội Cựu TNXP và Tỉnh đoàn tổ chức thường niên và duy trì suốt 8 năm qua. Về nguồn thăm các địa chỉ đỏ giúp các hội viên cựu TNXP ôn lại truyền thống; từ đó tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết của lực lượng TNXP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp để giáo dục truyền thống, bồi đắp cho đoàn viên thanh niên lý tưởng cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc.

 

Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ qua “địa chỉ đỏ” được các đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức trong thời gian qua. Mới đây, Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên Học viện Ngân hàng phối hợp Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vũng Rô tổ chức cho hơn 130 đoàn viên thanh niên, sinh viên dâng hương tại Khu di tích lịch sử tàu Không số - Vũng Rô kết hợp tuyên truyền về biển đảo, tặng quà cho ngư dân.

 

Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Ngân hàng Phạm Quang Việt Hoàng cho biết: “Từ Thủ đô Hà Nội, các sinh viên của Học viện Ngân hàng vượt hơn 1.000km vào Phú Yên để tham gia chương trình ý nghĩa này. Đặc biệt, năm nay tròn 60 năm tàu Không số cập bến Vũng Rô (11/1964-11/2024), nên chương trình này càng mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc”.

 

 

 

Ngoài hành quân về nguồn, nhiều đơn vị còn tổ chức trò chuyện với các nhân chứng lịch sử; xem phim tài liệu; hội thi ca khúc cách mạng… để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử của dân tộc, truyền thống cách mạng của quê hương.

 

Đặc biệt, đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh còn phối hợp với ngành VH-TT số hóa các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử tại địa phương, qua đó giáo dục truyền thống, niềm tự hào về quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ.

 

“Sống trong thời bình, thế hệ trẻ hôm nay chỉ biết đến lịch sử hào hùng, những trận đánh, trận càn khốc liệt, hay công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ qua những trang sử, lời giảng của thầy cô và qua sách báo. Cho nên, những hoạt động như thế này sẽ giúp thế hệ trẻ có những bài học thực tế, hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc; từ đó hun đúc ý chí phấn đấu, tiếp bước cha anh, viết tiếp những trang sử hào hùng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, anh Lê Duy, Bí thư Thành đoàn Tuy Hòa chia sẻ. 

  

Kỳ cuối: Viết tiếp trang sử hào hùng, dựng xây đất nước hùng cường

 

HÀ MY - BẢO KÍNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek