Với tầm quan trọng của phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu trong thời kỳ hội nhập, thời gian qua, Sở KH&CN, Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, góp phần đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn
Tham gia lớp tập huấn “Kỹ năng xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và các sản phẩm OCOP của địa phương” do Sở KH&CN, Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại huyện Sông Hinh và huyện Tuy An vừa qua có rất đông học viên là đại diện các HTX, các hội, hiệp hội và doanh nghiệp trong tỉnh.
Tại lớp tập huấn, chuyên gia ở Văn phòng Cục SHTT tại Đà Nẵng báo cáo các chuyên đề như: Quyền SHTT gắn với đặc sản địa phương; quản trị tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và sản phẩm OCOP của địa phương.
Giảng viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung trao đổi về quản lý tài sản với các chuyên gia Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng. Ảnh: LỆ VĂN |
Đồng thời, các đại biểu còn được hướng dẫn thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và các sản phẩm OCOP của địa phương vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chị Phạm Thị Như Phương (HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân) cho biết: “Tham gia lớp tập huấn này, tôi hiểu rõ hơn về nhận thức về bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và sản phẩm OCOP của địa phương; cách xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ để phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX”.
Hay mới đây, tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung, Sở KH&CN cũng đã phối hợp Văn phòng đại diện Cục SHTT tại Đà Nẵng tổ chức lớp tập huấn Quản lý tài sản trí tuệ, thu hút gần 200 cán bộ, giảng viên, sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.
Tại đây, các chuyên gia về SHTT đã tập trung phân tích các đối tượng được bảo hộ quyền SHTT; nhận diện tài sản trí tuệ trong trường học, cũng như nêu ra một số vấn đề cần lưu ý về SHTT đối với nhà giáo và sinh viên; đồng thời chia sẻ về quy trình, thủ tục tiếp cận chính sách về SHTT của tỉnh; cách thức tạo sản phẩm khoa học như: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu để đăng ký SHTT.
Theo bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở KH&CN, tập huấn quản lý tài sản trí tuệ trong trường học nhằm nâng cao nhận thức của giảng viên về việc đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, từ đó có thể chủ động tạo sản phẩm đăng ký SHTT trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên và giảng viên…
Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ
Với mục tiêu đưa chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm mang tính cộng đồng, sản phẩm chế biến sâu, chủ lực có lợi thế ở các địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh có 26 nhãn hiệu cộng đồng, 164 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ và 251 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, hiện nay việc bảo hộ SHTT đối với các sản phẩm OCOP ở địa phương vẫn còn gặp khó khăn như: Nhận thức, sự quan tâm và năng lực của chủ thể OCOP về SHTT vẫn còn hạn chế; thời gian đăng ký nhãn hiệu còn dài, khó khăn cho các chủ thể trong việc nâng hạng sản phẩm OCOP; việc phát triển sản phẩm OCOP chưa được quan tâm, lồng ghép gắn với các nhiệm vụ, đề tài về hỗ trợ phát triển SHTT…
Đăng ký SHTT là phương thức để bảo vệ quyền lợi các chủ thể. Chi phí đăng ký SHTT hiện nay chỉ hơn 1,3 triệu đồng sử dụng trong vòng 10 năm. Nếu không đăng ký, chủ thể và doanh nghiệp có thể mất tất cả, còn nếu đăng ký phát hiện nhãn hiệu đã được sử dụng thì chủ thể sẽ có thêm cơ hội thay đổi. Bà Nguyễn Thị Thúy, Phụ trách Văn phòng Cục SHTT tại Đà Nẵng |
“Vì vậy, để nâng cao nhận thức về quyền SHTT cho các chủ thể, thời gian tới, ngoài tiếp tục tập huấn, tuyên truyền hỗ trợ để cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức trong việc đăng ký và không vi phạm quyền SHTT, cũng cần tiếp tục có các cơ chế, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tạo ra tài sản trí tuệ, đặc biệt là cho các nhóm chủ thể doanh nghiệp và nhóm sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP địa phương; tăng cường hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm chủ lực và phát triển tài sản trí tuệ”, ông Thành nói.
Theo bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh, để tiếp tục thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Phú Yên, Sở KH&CN tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng, quản lý và phát triển các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể sử dụng yếu tố địa danh cho các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh.
Hỗ trợ các địa phương đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm dịch vụ lợi thế, chủ lực của địa phương và các sản phẩm gắn với Chương trình OCOP.
“Thời gian tới, Sở KH&CN phối hợp các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ các địa phương phát triển, khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ”, bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh cho biết.
VĂN TÀI