Với tinh thần đổi mới, dám nghĩ dám làm, thời gian qua, các cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật vào đời sống, sản xuất, sinh hoạt… Nhờ đó, hiệu quả công việc và năng suất được nâng cao.
Từng bước làm chủ khoa học, công nghệ
Anh Nguyễn Ngọc Trí (ở xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) là một trong những tác giả đạt giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 10 (2022-2023) với sản phẩm máy hốt lúa. Anh là thợ cơ khí ở thôn quê nhưng đã mày mò, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào phục vụ sản xuất nông nghiệp cho mình và bà con địa phương.
Anh Trí chia sẻ, trước đây, mỗi khi đến mùa gặt, anh và những người dân trong vùng khá vất vả trong việc hốt lúa, nhất là những gia đình neo người. Những hôm đang phơi lúa, trời bất chợt đổ mưa giông hốt lúa không kịp càng khổ, nên càng thôi thúc anh nghiên cứu sáng chế ra máy hốt lúa.
“Máy hốt lúa đã thay thế các công lao động như: Cào dồn thành đống, quét, hốt, vào bao. Máy vận hành chỉ cần 2 người: Một lo việc gắn bao vào máy, rinh bao lúa đầy trên máy bỏ xuống đất và một người lo khâu miệng bao lúa đã đổ đầy. Cứ gần 1 phút, hốt được 1 bao lúa khoảng 70kg, giảm rất nhiều nhân công, chi phí, thời gian”, anh Trí nói.
Trong khi đó, thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn, giáo viên Trường tiểu học và THCS Lê Quý Đôn (xã Xuân Phương, TX Sông Cầu) đã lần lượt đạt giải nhì với sản phẩm “Hệ thống thực hành thí nghiệm hóa học tự động, thông minh dành cho học sinh phổ thông”; hai giải ba với các sản phẩm “Máy tập cầu lông điều khiển bằng smartphone dùng cho giáo dục thể chất ở trường học”, “Thiết bị báo vi phạm mô nhảy xa sử dụng tia laser, quang trởvà bộ phận phát âm thanh thông minh điều khiển từ xa” tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 10.
Thầy Tuấn tâm sự: Sản phẩm “Hệ thống thực hành thí nghiệm hóa học tự động, thông minh dành cho học sinh phổ thông” nhằm hỗ trợ học sinh thực hành các thí nghiệm hóa học có tính chất phức tạp, yếu tố độc hại một cách an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, sản phẩm này còn là công cụ hỗ trợ giáo viên trong thí nghiệm mẫu, thực hành mẫu, góp phần tạo ra các tiết học sinh động, thích thú cho học sinh. Hiện sản phẩm này đã được đưa vào làm đồ dùng dạy học trong nhà trường.
Hay giải pháp “Nghiên cứu quy trình trích ly tinh bột từ hạt mít và tạo màng bảo quản thực phẩm sinh học, kết hợp dịch chiết nano oxit sinh học bằng phương pháp hóa học xanh”, của nhóm tác giả Lưu Sinh Nhật Sư, Ngô Công Tiến, Nguyễn Thái Anh Huy (TX Đông Hòa) đã xuất sắc đạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 10.
Theo em Ngô Công Tiến, giải pháp đã tổng hợp thành công nano đồng oxit, kẽm oxit và nano đồng oxit phối trộn kẽm oxit bằng phương pháp hóa học xanh sử dụng dịch chiết lá từ bình bát làm tác nhân khử ổn định hạt nano, sau đó các hạt nano oxit kim loại được mang đi phân tích các tính chất hóa - lý của hạt, đồng thời tiến hành sử dụng hạt nano oxit kim loại khảo sát khả năng xúc tác quang của hạt nano và đánh giá kháng oxy hóa và hoạt tính kháng khuẩn của chúng trên 4 chủng khuẩn là E.coli, S.aureu, Bacillus subtilis và P.aeruginosa.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất trích ly tinh bột như thời gian, nhiệt độ, tỉ lệ giữa bột mít và dung dịch, nồng độ NaOH trong dung dịch; đánh giá khả năng chống oxy hóa và hoạt tính kháng khuẩn của màng tinh bột/PVA phối trộn hạt nano CuONPs, ZnONPs, CuO/ZnONPs trên 3 chủng khuẩn nghiên cứu là E.coli, Bacillus subtilis và P.aeruginosa. Giải pháp mang ý nghĩa ứng dụng cao của nano được tổng hợp bằng phương pháp hóa học xanh và vật liệu bao bì có khả năng phân hủy sinh học trong lĩnh vực thực phẩm và môi trường...
Không ngừng sáng tạo
Nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, anh Nguyễn Văn Nghị (xã Hòa Thành, TX Đông Hòa) đã tạo ra sản phẩm “Hỗn hợp vi sinh dành cho cây trồng”. Sản phẩm đã giúp anh giành giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 10.
Những sáng chế dù đơn giản của các em học sinh hay các phát minh, máy móc có cấu tạo phức tạp của giáo viên, nông dân, cán bộ, công chức, viên chức… đều hướng đến mục tiêu con người làm chủ công nghệ, làm chủ cuộc sống trong thời đại 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN |
Anh Nguyễn Văn Nghị cho biết, sản phẩm “Hỗn hợp vi sinh dành cho cây trồng” có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa lượng N.P.K cần thiết, giúp cây trồng phát triển cân đối, không bị mất cân bằng dinh dưỡng như khi sử dụng phân bón hóa học. Hỗn hợp vi sinh này còn có các chất dinh dưỡng được phân giải chậm cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng trong thời gian dài, đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng trong suốt thời gian sinh trưởng.
Đặc biệt, hỗn hợp vi sinh dành cho cây trồng này còn có các loại vi sinh vật hữu ích: vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân, phân giải xenlulo…, khi sử dụng bón cho cây trồng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật hữu ích phát triển, hạn chế tối đa các vi sinh vật gây hại, giúp cây trồng phát triển cân đối, ổn định; tăng chất lượng nông sản; tăng hàm lượng dinh dưỡng, cung cấp chất mùn cho đất…
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh, các hoạt động nghiên cứu khoa học của các tầng lớp nhân dân đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và muốn từng bước làm chủ khoa học, công nghệ để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. Những kết quả sáng tạo này đã tạo thêm nguồn lực, từng bước cải thiện cuộc sống, mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân…
“Thời gian qua, công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học, công nghệ vào đời sống của các cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Con số hàng chục sản phẩm, giải pháp, tham gia các cuộc thi, hội thi liên quan đến khoa học kỹ thuật và công nghệ mỗi năm cho thấy sức hút mạnh mẽ và tầm quan trọng của khoa học, công nghệđối với sự phát triển KT-XH địa phương”, ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN cho biết.
VĂN TÀI