Nhiều nông dân có công ăn việc làm từ việc trồng cây thuốc Nam. Nguồn gen của các loài dược liệu quý được bảo tồn và phát triển. Sản phẩm dược liệu sạch made in Phú Yên - Việt Nam được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Một vùng cát bay cát chạy, hoang vu heo hút trở nên xanh tươi bốn mùa, là điểm tham quan du lịch thú vị của xứ Nẫu...
Tất cả là nhờ vợ chồng kỹ sư sinh học Lê Thị Tuyết Anh và Hoàng Xuân Lâm đã đặt trọn tình yêu, niềm đam mê với dược liệu mà vượt lên những khó khăn, trở ngại, gắn bó cả đời mình vùng đất cát đầy nắng và gió để xây dựng nên Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung (NC&SXDLMT).
Từ một vùng toàn cát là cát
Nhiều người dân Phú Yên biết đến làng cát Hòa Hiệp (nay là phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa), một vùng chỉ toàn cát là cát. Mùa gió nam, gió bấc, gió nồm là cát bay, cát chạy, tạt thẳng vào mặt người. Vùng này hầu như chẳng trồng được cây gì, ngoài phi lao để chắn gió, chắn cát. Giữa mênh mông cát trắng cùng gió biển này, vợ chồng kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh và Hoàng Xuân Lâm cách đây gần 40 năm đã “lạc xứ” đến đây tìm hiểu địa hình, địa mạo, thời tiết, khí hậu để trồng cây dừa cạn và dược liệu.
Năm 1987, vợ chồng kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh và Hoàng Xuân Lâm xin chính quyền địa phương cho khai hoang và thuê đất để xây dựng trại nghiên cứu cây dừa cạn (trực thuộc Công ty Dược liệu Trung ương 2, Tổng công ty Dược Việt Nam) trong sự ái ngại, ngỡ ngàng của nhiều người.
Cây dừa cạn, bọng giếng hay tứ quý là tên gọi thông dụng của loài cây bản địa vùng đất này, là cây thuốc quý trị các bệnh lý về nội tiết, tim mạch và máu. Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh cho biết ở Việt Nam có nhiều vùng trồng và phát triển cây dừa cạn, nhưng không ở đâu loại cây này có chứa hoạt chất alkaloid cao như ở vùng đất cát này.
Sau 8 năm kiên trì với cây dừa cạn, từ nông trại dược liệu, năm 1995, Trung tâm NC&SXDLMT được hình thành. Lúc này, không chỉ dừa cạn mà còn nhiều cây dược liệu trong nước và có nguồn gốc từ nước ngoài như bụp giấm, phan tả diệp, lạc tiên tây, gừng Nhật Bản… được di thực, bảo tồn.
Năm 2007, Công ty Dược liệu Trung ương 2 cổ phần hóa, trung tâm được chuyển đổi trực thuộc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hồng Đài Việt. Từ đó đến nay, Trung tâm NC&SXDLMT trở thành địa chỉ bảo tồn nhiều loại dược liệu quý, là nơi sản xuất, cung ứng dược liệu cho thị trường trong và ngoài nước.
10ha đất cát trắng và bàn chải đã được phủ một màu xanh tươi bốn mùa hoa lá, bên trong là cả một nhà xưởng sơ chế, tinh chế dược liệu hiện đại. Số lượng chuyên viên, công nhân làm việc ở trung tâm gần cả trăm người, đó là chưa kể các hộ dân hợp tác trồng và cung cấp một số dược liệu thông dụng.
Trung tâm dược liệu sạch và bảo tồn loài thuốc quý
Với quy mô và năng lực chuyên môn tốt, Trung tâm NC&SXDLMT do kỹ sư Tuyết Anh làm giám đốc được Bộ Y tế giao nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nguồn gen của hơn 100 loài thuốc quý hiếm tại Phú Yên và ven biển miền Trung.
Vợ chồng kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh rất tâm huyết đối với sự nghiệp làm khoa học. Sự hình thành và lớn mạnh của Trung tâm NC&SXDLMT, đặc biệt là trung tâm bảo tồn nguồn gen dược liệu mang lại lợi ích lớn, bên cạnh hiệu quả kinh tế còn mang giá trị chữa bệnh và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý của tỉnh và ngành Dược Việt Nam. Giám đốc Sở KH&CN Dương Bình Phú |
Trung tâm cũng được giao thực hiện nhiều dự án khoa học của tỉnh như: Dự án phát triển nông thôn, miền núi trồng diệp hạ châu; đề tài khoa học nghiên cứu phát triển sâm Phú Yên và bảo tồn, nhân giống nhiều loài dược liệu có nguy cơ tuyệt chủng như cam thảo Đá Bia, xáo tam phân, mật nhân…
Ông Hoàng Xuân Lâm cho biết: Toàn bộ quy trình thiết bị công nghệ chế biến dược liệu do trung tâm trang bị đều phải đảm bảo nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế; kiểm soát chất lượng từ khi cây thuốc còn trên đồng ruộng đến khi thu hoạch về xưởng và lúc xuất xưởng.
Sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GACP-WHO, cung cấp làm nguyên liệu cho các công ty dược uy tín trong và ngoài nước như: Đức, Pháp, Nhật, Đài Loan, Hungary… Đến nay, trung tâm xuất khẩu hơn 20 sản phẩm thảo dược được thị trường trong và ngoài nước đón nhận.
Bên cạnh sản xuất dược liệu sạch, tâm huyết của đôi vợ chồng này là bảo tồn được giống loài dược liệu quý, nhất là cây bản địa. Trong 10ha đất, kỹ sư Hoàng Xuân Lâm dành hẳn 3,5ha để làm trung tâm bảo tồn nguồn gen dược liệu, phần 6,5ha còn lại là vườn ươm, nhà xưởng chế biến sau thu hoạch, phòng hóa nghiệm, vườn dược liệu đại trà…
Sau gần 40 năm gầy dựng, trung tâm bảo tồn được hàng trăm loài dược liệu quý có giá trị chữa bệnh lẫn kinh tế. Trong đó có những loài nguy cơ tuyệt chủng trước sự tàn phá vô tội vạ của những người hám lợi, thiếu hiểu biết. Tiêu biểu là cây cam thảo Đá Bia, một loại dược liệu quý hiếm trên thế giới được kỹ sư Tuyết Anh tìm thấy và bảo tồn trong niềm hạnh phúc vỡ òa.
Lần đầu tiên, cây cam thảo Đá Bia - dược liệu có vị ngọt gấp 1.000 lần mía đường, nằm trong Sách đỏ Việt Nam được nhà khoa học nữ Lê Thị Tuyết Anh định danh, bảo tồn nguồn gen, được thế giới công nhận. Năm 2017, kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh và TS Trần Thế Bách (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã công bố lại tên khoa học của cam thảo Đá Bia.
Các nhà khoa học thế giới xác nhận loài cam thảo Đá Bia chỉ phát hiện duy nhất ở Việt Nam tại vùng Đá Bia, Phú Yên, là loài thảo dược đặc hữu, quý hiếm có tên khoa học là Jasminanthes Tuyeanhiae T.B.Tran & Rodda Apocynaceae thông qua tạp chí khoa học quốc tế uy tín của Phần Lan Ann.Bot.Fennici 55:163-169 Helsinki 12.4.2018. Tên của nhà nữ khoa học Tuyết Anh được ghép vào danh pháp khoa học cây cam thảo Đá Bia (Tuyetanhiae) như một sự ghi nhận, tưởng thưởng.
Tâm nguyện cuối đời
Sau nhiều năm ăn sương nằm gió với trung tâm dược liệu đầy tâm huyết của mình, tuổi cao, kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh hiện phải điều trị bệnh dài hạn. Ông Hoàng Xuân Lâm tâm sự: “Mong muốn lớn nhất của vợ chồng tôi là phát triển Trung tâm NC&SXDLMT, đặc biệt là trung tâm bảo tồn dược liệu. Điều này không phải vì lợi ích cá nhân mà vì nền dược liệu của tỉnh và của Việt Nam; đồng thời phát triển khu trung tâm bảo tồn này với mô hình du lịch dược liệu”.
Không phải là nơi kinh doanh dịch vụ du lịch, nhưng Trung tâm NC&SXDLMT thu hút nhiều khách tham quan vì sự đa dạng của các loại cây dược liệu và không gian xanh mát. Các đoàn sinh viên, nghiên cứu sinh các trường đại học, các đoàn khách trong cả nước thường xuyên đến trung tâm tham quan, học tập về cây thuốc và mô hình trồng, chế biến dược liệu sạch đạt tiêu chuẩn GMP-WHO.
Sở VHTT&DL, Hiệp hội Du lịch Phú Yên, TX Đông Hòa và các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh đã tổ chức khảo sát địa điểm này và đưa vào điểm tour thuộc tuyến du lịch phía Nam của tỉnh. Đến đây, khách du lịch có thể tham quan, tìm hiểu về các loài cây dược liệu quý, quy trình chăm sóc, sản xuất, chế biến dược liệu.
Tuy nhiên, vợ chồng kỹ sư Hoàng Xuân Lâm và Lê Thị Tuyết Anh đang gặp những khó khăn về thủ tục đất đai của trung tâm bảo tồn dược liệu. Những năm đầu khai phá vùng đất này để xây dựng trung tâm được ủng hộ, khuyến khích, nên chẳng để ý đến việc hoàn thiện giấy tờ sổ đỏ, thủ tục thuê đất theo quy định pháp luật.
Ông Hoàng Xuân Lâm chia sẻ, trên diện tích 10ha mà trung tâm đứng chân, chỉ có 6,5ha là đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng thuê có thời hạn; 3,5ha còn lại hiện là trung tâm bảo tồn dược liệu lại nằm trong quy hoạch đất dịch vụ hỗn hợp thuộc KKT Nam Phú Yên.
“Công sức mấy mươi năm đầu tư hình thành được khu bảo tồn dược liệu quý có nguy cơ phải phá bỏ thì quá đáng tiếc. Ở đây không đơn thuần là công sức của cá nhân, mà còn là tài sản quý cho sự nghiệp bảo tồn nguồn gen cây thuốc có giá trị chữa bệnh và kinh tế của tỉnh nhà”, ông Hoàng Xuân Lâm tâm huyết.
TRẦN QUỚI