Năm 2023, tỉnh đã quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH-CN vào sản xuất, đời sống. Hoạt động KH-CN hướng trọng tâm về cơ sở, chú trọng xây dựng các mô hình ứng dụng rồi nhân ra diện rộng.
Đây cũng là năm bản lề nên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch 209 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên.
Đạt nhiều kết quả quan trọng
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, năm 2023, công tác triển khai, quản lý các nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh được thực hiện theo đúng định hướng, tập trung cho các lĩnh vực: Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, công nghiệp, khoa học xã hội nhân văn, điều tra cơ bản, chương trình bảo tồn phát triển quỹ gen và công nghệ cao…
Các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã hướng tới doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là trọng tâm đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.
Sở KH&CN tập trung tham mưu UBND tỉnh triển khai nội dung về phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Trên các cơ sở chỉ tiêu của nghị quyết đề ra, đến nay, có 6 chỉ tiêu cơ bản đạt yêu cầu; 5 chỉ tiêu có thể đạt và vượt vào cuối giai đoạn.
“Năm qua, Sở KH&CN đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản đạt yêu cầu như: Tỉ lệ cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt từ 4-5 người/vạn dân; xây dựng 6 nhóm chuyên gia nghiên cứu KH-CN trên 6 lĩnh vực; tỉ lệ đóng góp của hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo thông qua năng suất các nhân tố tổng hợp ước đạt 37,8%; 100% kết quả các nhiệm vụ, đề tài KH-CN đưa vào ứng dụng trong sản xuất đời sống; xây dựng chương trình chuyển đổi số, kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Phú Yên phiên bản 2.3; tỉ lệ chi ngân sách nhà nước cho KH-CN đạt mức 0,55%...”, ông Dương Bình Phú cho biết.
Các nhiệm vụ KH-CN triển khai theo hướng hiệu quả, chất lượng, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm của tỉnh, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, tập trung hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực của địa phương, tạo sự đột phá về công nghệ, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, hoạt động thanh tra chuyên ngành từng bước được củng cố, có nhiều mặt đạt hiệu quả cao.
Thực hiện mục tiêu đi tắt, đón đầu
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành KH-CN còn gặp không ít khó khăn. Việc tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp, nhiều chính sách trung ương chậm ban hành, chưa cụ thể, đặc biệt trong công tác xác định giá trị tài sản các nhiệm vụ KH-CN sau nghiệm thu để bàn giao theo quy định.
Lĩnh vực hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ chưa có chính sách mới đủ mạnh để giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh; việc thành lập quỹ KH-CN còn nhiều khó khăn, bất cập...
Ông Dương Bình Phú cho rằng, để KH-CN là giải pháp thực hiện mục tiêu đi tắt, đón đầu, năm 2024, ngành KH-CN tiếp tục thực hiện hoàn thành Kế hoạch 209 của UBND tỉnh về phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đảm bảo hiệu quả; duy trì và thực hiện tốt công tác quản lý đối các nhiệm vụ KH-CN thực hiện trên địa bàn tỉnh; tăng cường theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các cơ sở bức xạ hoạt động theo đúng quy định, đảm bảo an toàn; thanh tra chuyên ngành về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn bức xạ, hoạt động KH-CN, sở hữu trí tuệ và thanh tra chuyên đề.
“Song song đó, Sở KH&CN xác định cần đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực KH-CN... Thực hiện các dự án đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan nghiên cứu ở trung ương, các viện, trường, doanh nghiệp, HTX, người dân trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống”, ông Dương Bình Phú nhấn mạnh.
Các chỉ tiêu cơ bản đạt được theo Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Tỉ lệ cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt từ 4-5 người/vạn dân; xây dựng 6 nhóm chuyên gia nghiên cứu KH-CN trên 6 lĩnh vực; tỉ lệ đóng góp của hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo thông qua năng suất các nhân tố tổng hợp ước đạt 37,8%; 100% nhiệm vụ KH-CN đưa vào ứng dụng trong sản xuất đời sống; xây dựng chương trình chuyển đổi số, kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Phú Yên phiên bản 2.3, kế hoạch thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; tỉ lệ chi ngân sách nhà nước cho KH-CN đạt mức 0,55%...
(Nguồn: Sở KH&CN) |
VĂN TÀI