Mới đây, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) và Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) phối hợp với Sở TN&MT, Sở GD&ĐT tổ chức hội thảo tham vấn xây dựng quy định giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần trong trường học tại Phú Yên. Tại hội thảo này, nhiều đại biểu đã đưa ra những giải pháp, nỗ lực nhằm giảm rác nhựa học đường.
BÀ VÕ THỊ MINH DUYÊN, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GD&ĐT: Triển khai đánh giá trường, lớp học không rác, xanh - sạch - đẹp - an toàn
Năm 2019, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các tổ chức môi trường triển khai thí điểm mô hình Trường học không rác và có 5 trường học trên địa bàn tỉnh tham gia.
Đến nay, mô hình này đã nhân rộng đến nhiều trường ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Việc triển khai và nhân rộng mô hình Trường học không rác nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tác hại của rác thải nhựa đến môi trường tự nhiên cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Hiện Sở GD&ĐT đang triển khai bộ tiêu chí đánh giá “Trường học, lớp học không rác, xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Theo đó, các nhóm tiêu chí như chính sách và quản trị trường, lớp học; giáo dục và truyền thông về thực hành không rác; xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn; khuyến khích các trường học tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện 3 không (không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; không sử dụng bọc vở, sách bằng chất liệu ni lông; không sử dụng bảng biểu, pano, áp phích bằng chất liệu nhựa).
Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ngành, tổ chức môi trường xây dựng tài liệu về tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh từ lớp 3-12 cho các trường học để đưa vào giảng dạy tích hợp, lồng ghép trong các môn học và các hoạt động giáo dục.
BÀ NGUYỄN BẢO HÂN, ĐIỀU PHỐI VIÊN CỦA GREENHUB: Nhìn nhận lại hiện trạng rác nhựa ở trường mình
Năm học 2023-2024, ở Phú Yên có 359 trường học, trong đó cấp mầm non là 128 trường, với hơn 30.000 trẻ; cấp tiểu học có 95 trường, với hơn 80.135 học sinh; cấp THCS có 103 trường, với hơn 54.620 học sinh và cấp THPT có 33 trường, với gần 31.930 học sinh.
Qua khảo sát, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày từ các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh khoảng 30,5 tấn; lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trung bình từ các cơ sở giáo dục khoảng 0,155kg/ngày/người.
Trong đó, đồ nhựa dùng một lần chiếm tỉ trọng lớn trong tổng lượng rác nhựa phát sinh tại trường học (49,9% nhựa dùng một lần; 45,4% vỏ bánh kẹo, hộp sữa, túi nhựa…).
Thực trạng nói trên cho thấy, tỉ lệ rác thải nhựa phát sinh tại trường học là rất cao. Vì vậy, để triển khai mô hình Trường học không rác đạt hiệu quả cao, các trường cần nhìn nhận lại hiện trạng rác nhựa ở trường mình, trình độ kiến thức, nhận thức, kỹ năng, thái độ của học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên, cơ sở vật chất của trường… để từ đó đưa ra chương trình thiết thực, hiệu quả, phù hợp nhất.
BÀ TRỊNH THỊ NGỌC ÁNH, ĐIỀU PHỐI VIÊN CỦA WWF - VIỆT NAM: Xây dựng và áp dụng các tiêu chí trường học không rác thải
Việc triển khai mô hình Trường học không rác ở Phú Yên đến nay đã có nhiều kết quả tích cực, với 16 trường học trên địa bàn tỉnh tham gia mô hình này. Giáo viên và học sinh tham gia mô hình được trang bị những kiến thức về rác thải nhựa, nhựa dùng một lần và tác hại của đồ nhựa tới sức khỏe người tiêu dùng.
Để mô hình Trường học không rác hoạt động hiệu quả, các đơn vị liên quan cần xây dựng vàáp dụng các tiêu chí trường học không rác thải, có thể lồng ghép các tiêu chí này vào bộ tiêu chí trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn hiện có của địa phương.
Các trường nên xây dựng và áp dụng các bài học ngoại khóa có liên quan tới rác thải nhựa cho học sinh hoặc thử nghiệm lồng ghép nội dung vềgiảm nhựa trong các bài học chính khóa; xây dựng, áp dụng nội quy giảm nhựa, bảo vệ môi trường tại các trường học.
THẦY LÊ HỒNG DUY, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ TỈNH: Giáo dục bảo vệ môi trường trong học đường
Từ năm 2019 đến nay, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã triển khai và duy trì mô hình Trường học không rác thải nhựa. Mô hình này nhằm tăng cường các hoạt động phân loại và tái chế rác thải, hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần. Việc thu gom tập trung các loại rác thải và xử lý bảo đảm hợp vệ sinh môi trường đã góp phần nâng cao ý thức của giáo viên, học sinh trong việc bảo vệ môi trường, giảm đáng kể tình trạng vứt rác bừa bãi.
Giảm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa trong cộng đồng là xu hướng tất yếu và là quá trình dài, xuyên suốt. Sở GD&ĐT cũng đã triển khai các mô hình Trường học, lớp học không rác, xanh - sạch - đẹp - an toàn và Trường học không rác.
Hơn ai hết, học sinh là những công dân tương lai của đất nước. Các em nhận thức sâu sắc về tác hại của rác thải nhựa đến môi trường sống sẽ góp phần hình thành được thói quen không sử dụng đồ dùng bằng nhựa một lần.
Hiệu quả mang lại của việc thực hành quy định giảm rác nhựa dùng một lần trong trường học không chỉ đơn thuần là giáo dục bảo vệ môi trường sống, xây dựng cảnh quan sư phạm xanh - sạch - đẹp mà còn hỗ trợ tích cực cho các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường như giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm…, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh.
Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng “Trường học không rác”, chung tay hành động vì môi trường, vì tỉnh Phú Yên trở thành điểm đến xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường. |
CÔ LÊ HIẾU VY, BÍ THƯ ĐOÀN TRƯỜNG THPT NGÔ GIA TỰ: Đưa nội quy giảm rác thải nhựa vào thi đua
Thời gian qua, phong trào nói không với túi ni lông, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và thu gom, xử lý rác thải nhựa do Trường THPT Ngô Gia Tự phát động đã được giáo viên và học sinh của trường hưởng ứng rất nhiệt tình.
Thông qua những lần tập huấn, hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải tại nguồn của các tổ chức môi trường, giáo viên và học sinh của trường đã thay đổi được nhận thức, hành vi, cùng thực hiện lối sống xanh, chung tay bảo vệ môi trường.
Trường THPT Ngô Gia Tự đã tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể thầy cô, nhân viên, học sinh của trường về việc hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.
Mỗi thầy cô là một tấm gương để học sinh noi theo, từ đó hình thành được thói quen “Nói không với rác thải nhựa”. Nhà trường còn tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hưởng ứng phòng chống rác thải nhựa, tham gia các hoạt động tình nguyện xã hội gắn với hoạt động bảo vệ môi trường.
Việc đưa nội quy giảm rác thải nhựa dùng một lần vào quy chế thi đua của trường đã giúp học sinh, giáo viên có trách nhiệm hơn về công tác bảo vệ môi trường. Mô hình Trường học không rác thải cần tiếp tục duy trì thường xuyên và nhân rộng. Giáo viên, học sinh cũng là nhân tố quan trọng để tuyên truyền đến gia đình, cộng đồng dân cư thực hiện lối sống xanh, cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường.
ANH NGỌC (thực hiện)