LTS: Phú Yên là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch xanh, có nhiều địa danh du lịch còn hoang sơ. Trong những năm qua, Phú Yên luôn có nhiều giải pháp phát triển du lịch; tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau mà du lịch Phú Yên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; còn nhiều bất cập, hạ tầng cơ sở vật chất du lịch còn nhiều hạn chế, số lượng du khách đến còn khiêm tốn, đặc biệt du khách nước ngoài quá ít.
TS Phạm S vừa là nhà quản lý, vừa là nhà khoa học, có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo phát triển du lịch xanh; là người con Phú Yên với tình cảm sâu sắc đối với quê hương, nhiều năm qua ông đã quan tâm nghiên cứu và đề xuất các giải pháp góp phần để du lịch Phú Yên phát triển tương xứng với tiềm năng, nâng tầm thương hiệu du lịch Phú Yên tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế.
Nhân sự kiện Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Phú Yên, Phú Yên Online trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Toàn cảnh TP Tuy Hòa nhìn từ Tháp Nghinh Phong. Ảnh: NGỌC THẮNG |
Kỳ 1: Nhiều tiềm năng để phát triển
Du lịch xanh đã trở thành một xu hướng quan trọng trong ngành Du lịch hiện nay và tương lai toàn cầu với sự tăng cường nhận thức về bảo vệ môi trường và khám phá các giá trị văn hóa độc đáo và tài nguyên thiên nhiên của mỗi địa phương, trong đó có Phú Yên.
Cầu vượt đường sắt Nam TP Tuy Hòa không chỉ là một công trình phục vụ việc đi lại của người dân mà còn là công trình kiến trúc, tạo điểm nhấn ở phía nam đô thị Tuy Hòa. Ảnh: NGỌC THẮNG |
Vị trí địa lý thuận lợi
Là một tỉnh ven biển Nam Trung bộ, nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn, Phú Yên có diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.060 km2, trong đó, đồi núi chiếm 70% diện tích, địa hình dốc từ Tây sang Đông và bị chia cắt mạnh, phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, phía Đông giáp biển Đông.
Phú Yên có vị trí địa lý và giao thông tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên là nơi có điều kiện thuận lợi nhất trong việc xây dựng tuyến đường sắt lên Tây Nguyên. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi đưa Phú Yên trở thành đầu mối giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây.
Có thể nói, Phú Yên đều có các loại hình giao thông ở Việt Nam. Về đường bộ, có mạng lưới giao thông rộng khắp, gồm Quốc lộ 1, Quốc lộ 1D, Quốc lộ 25, Quốc lộ 29, Quốc lộ 19C và các tuyến tỉnh lộ nối vùng đồng bằng với vùng miền núi; có trục giao thông ven biển nằm trong tuyến đường bộ ven biển Việt Nam nối các huyện vùng biển và ven biển. Về đường sắt, có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua với chiều dài đoạn tuyến là 117 km, có 2 ga chính là Tuy Hòa và Đông Tác, trong tương lai khi tuyến đường sắt lên Tây Nguyên được hình thành mở ra triển vọng hợp tác, giao thương hàng hóa giữa Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên. Hàng không, Phú Yên có sân bay Tuy Hòa cách TP Tuy Hòa 5 km về phía Đông Nam, diện tích sân bay 700ha, hiện đang nâng cấp cảng hàng không Tuy Hòa theo tiêu chuẩn 4C. Cảng Vũng Rô là cảng biển nước sâu có thể đón nhận tàu trọng tải 30 nghìn DWT.
Di sản văn hóa ở Phú Yên rất phong phú, đa dạng bản sắc
Với bề dày về lịch sử - văn hóa, Phú Yên có vị trí rất quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Toàn tỉnh có 185 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có 4 di sản được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghệ thuật bài chòi; Lễ hội cầu ngư; Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm và Lễ cúng trưởng thành của người Ê đê. Đặc biệt, Nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên cùng với bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội cầu ngư thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách. Ảnh: THIÊN LÝ |
Cùng với hệ thống di sản văn hóa vật thể, Phú Yên còn bảo tồn và phát huy được nhiều di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình đa dạng, phong phú như: Lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca dân vũ, trò chơi dân gian. Phú Yên cũng chính là nơi đã phát hiện ra nhiều di sản văn hóa, như bộ trường ca quý giá của các dân tộc thiểu số, bộ đàn đá Tuy An có độ chuẩn về cung bậc thuộc loại chính xác nhất và những chiếc kèn đá có một không hai ở Việt Nam. Phú Yên còn có các lễ hội liên quan đến danh nhân lịch sử (Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương), các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng…
Dân số Phú Yên là 877.704 (2023) người, khu vực thành thị là 287.053 người, chiếm 32,7%; khu vực nông thôn là 590.651 người, chiếm 67,3% tổng dân số toàn tỉnh. Phú Yên có 33 dân tộc, trong đó có 32 dân tộc thiểu số với 60.128 người, chiếm 6,9% dân số toàn tỉnh (chủ yếu là người Ê đê: 25.225 người, chiếm 41,95%; Chăm: 22.825 người, chiếm 37,96%; Ba Na: 4.680 người, chiếm 7,78%; Tày: 2.349 người, chiếm 3,9%; Nùng: 2.283 người, chiếm 3.79%; Dao: 1.031 người, chiếm 1.71%; và các dân tộc khác 1.735 người, chiếm 2,88%. Có 6 tôn giáo gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Phật đường Nam tông Minh sư đạo. Trong đó Phật giáo có trên 45.000 tín đồ; Công giáo có khoảng 18.268 tín đồ, 24 chức sắc, 25 cơ sở thờ tự; Tin Lành có 4.700 tín đồ; Cao đài có 2.800 tín đồ; Phật giáo Hòa Hảo có 150 tín đồ; Phật đường Nam tông Minh sư đạo có 98 tín đồ. Ngoài ra còn có một số tôn giáo khác như: Hội Phật Dương Chơn giáo, Nam đạo giáo với khoảng 300 tín đồ chủ yếu sinh hoạt tại nhà riêng.
Thời gian qua, Phú Yên luôn quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và di sản thiên nhiên gắn với phát triển du lịch, tuy nhiên chưa có giải pháp đồng bộ, đột phá để phát triển du lịch xanh, bền vững; chưa tạo điểm đến hấp dẫn du khách mang tính đột phá tầm quốc gia và quốc tế. Trước thực trạng đó, Phú Yên đã tập trung triển khai có hiệu quả công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn; đặc biệt, đối với những di tích đình chùa, đẩy mạnh việc xã hội hóa, Phú Yên huy động được hàng chục tỉ đồng từ sự đóng góp của Nhân dân vào việc trùng tu, tôn tạo. Trên cơ sở thực hiện nghiêm quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, tôn trọng tính nguyên gốc của di tích, Phú Yên đã gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa mà bao đời cha ông bảo tồn và phát triển.
Núi Nhạn thu hút đông đảo du khách. Ảnh: HUỲNH NGUYỄN |
Di sản thiên nhiên ở Phú Yên luôn tạo ấn tượng cho du khách thập phương
Phú Yên có 3 mặt là núi, phía Bắc có dãy Đèo Cù Mông, phía Nam là dãy Đèo Cả, phía Tây là mạn sườn đông của dãy Trường Sơn và phía Đông là biển Đông. Phú Yên được thiên nhiên ban tặng cho một hệ thống cảnh quan thiên nhiên khá đa dạng, đầy đủ với núi, cao nguyên, đồng bằng châu thổ, sông, hồ, đầm, vịnh, hải đảo... Một số danh thắng tiêu biểu là Gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, núi Đá Bia, vịnh Xuân Đài, bãi Môn - mũi Điện, di tích lịch sử cấp quốc gia như vũng Rô, núi Nhạn - sông Đà Rằng…
Phú Yên có hệ thống sông ngòi phân bổ tương đối đều trên toàn tỉnh, các sông đều bắt nguồn từ phía Đông của dãy Trường Sơn, chảy trên địa hình đồi, núi ở trung và thượng lưu, đồng bằng nhỏ hẹp ở hạ lưu rồi đổ ra biển. Phú Yên có trên 50 con sông lớn nhỏ, đáng chú ý là 3 con sông chính: sông Kỳ Lộ, sông Ba, sông Bàn Thạch với tổng diện tích lưu vực là 16.400 km2, tổng lượng dòng chảy 11.8 tỉ m3, phục vụ nước tưới cho nông nghiệp, thủy điện và sinh hoạt của người dân Phú Yên.
Toàn tỉnh có 3 kiểu rừng chính là rừng kín lá rộng thường xanh, đây là kiểu rừng phổ biến ở Phú Yên chiếm 96,5% diện tích rừng tự nhiên. Phú Yên có sinh thái rừng đặc sắc, như Khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng Krông Trai. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển đa dạng dịch vụ du lịch sinh thái rừng. Đồng thời, có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, nguồn khoáng sản phong phú với nhiều loại khác nhau như: Diatomit, đá granit, vàng sa khoáng, bôxít, sắt, flourit, titan... được phân bố rải rác ở nhiều vùng phía Tây của tỉnh.
Với bờ biển dài 189 km, có nhiều vịnh, bãi, vũng, đầm phá, gành còn mang vẻ đẹp hoang sơ tạo nên những cảnh quan sinh thái phong phú, đa dạng là tiềm năng rất lớn cho du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, Phú Yên có nhiều vùng bãi triều nước lợ, cửa sông, đầm phá, vịnh rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản xuất khẩu. Đây là tiềm năng, lợi thế để Phú Yên phát triển kinh tế biển.
Một góc vịnh Xuân Đài. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Phú Yên còn sở hữu nhiều bãi biển rộng lớn, nước trong xanh, bờ cát mịn trải dài 189 km bờ biển, gắn với nhiều đầm, vịnh cảnh quan thiên nhiên đẹp, nổi bật nét kiến tạo địa chất độc đáo như gành Đá Đĩa, Hòn Yến, vịnh Xuân Đài, Bãi Môn - Mũi Điện, Vũng Rô, đầm Ô Loan, Bãi Xép, núi Đá Bia, Hòn Nưa. Ngoài ra, nhờ thiên nhiên ưu đãi, Phú Yên có nhiều đặc sản văn hóa ẩm thực như sò huyết Ô Loan, ốc nhảy, ghẹ đầm Cù Mông, cá ngừ, bánh tráng lòng heo Hòa Đa, bò một nắng, các sản vật tôm, mực, cá miền biển và nước ngọt có vai trò quan trọng trong việc tạo dấu ấn đối với khách du lịch...
Phú Yên là địa phương có nhiều giá trị cảnh quan sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái đầm ven biển; nhiều di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hóa có giá trị. Ngoài các giá trị du lịch do thiên nhiên ban tặng và có được hình thành bởi bề dày lịch sử phát triển; Phú Yên còn đầu tư để có được những điểm đến du lịch hấp dẫn níu chân du khách.
Có thể nói Phú Yên là vùng đất được sở hữu nhiều di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, có nhiều tiềm năng vô giá để khai thác các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái nông nghiệp đồng bằng, miền núi và ven biển, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch canh nông và du lịch hội nghị hội thảo để phát triển du lịch xanh hiện tại và tương lai. |
Kỳ 2: Hạ tầng du lịch từng bước đáp ứng du lịch quốc gia và quốc tế
T.S PHẠM S
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng