Kỳ cuối: Người đảng viên không… tuổi hưu
Khi được nghỉ hưu, rời quân ngũ, thiếu tá Ngô Văn Định vẫn nhiệt tình với công tác Đảng, gắn bó với quần chúng nhân dân, cùng xây dựng cuộc sống mới trên quê hương. Ở cái tuổi sức khỏe trở thành tài sản quý báu của đời người, đảng viên, cựu chiến binh này vẫn dành nhiều thời gian cho công việc “vác tù và hàng tổng”, làm nhiệm vụ của Ban Liên lạc tàu Không số - bến Vũng Rô.
Thiếu tá, cựu chiến binh Ngô Văn Định cùng người vợ là cô giáo, quê Thái Bình, luôn ủng hộ, động viên ông. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Cuộc đời gắn với binh nghiệp
Sau khi kết thúc nhiệm vụ đón các chuyến tàu Không số và bảo vệ bến Vũng Rô, do sự kiện lộ Tàu 143, năm 1966, ông Ngô Văn Định được phân công về tuyến Đồng Xuân, Sông Cầu để tiếp tục làm nhiệm vụ khảo sát bến, bãi mới. Trong một lần về lại đơn vị K60 phân khu nam ở Suối Phẫn (Hòa Mỹ) để báo cáo tình hình, ông và đồng chí Đào Bãi bị địch phục kích ở khu vực cầu Đồng Bò (xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa). Đồng chí Đào Bãi hy sinh, ông Định may mắn chỉ bị thương.
Năm 1969, ông Ngô Văn Định được đưa ra Bắc học tập. Cuộc đời như gắn ông với binh nghiệp, được cấp trên cử đi học Trường Quân chính Quân khu III, rồi biên chế về Trung đoàn 51, đơn vị huấn luyện ở tỉnh Thái Bình.
Quãng thời gian làm công tác huấn luyện và chuyển quân tăng cường cho chiến trường miền Nam, tưởng nhẹ nhàng, nhưng thử thách, nguy hiểm không kém thời trực tiếp chiến đấu, ông Định không ít lần vượt qua hòn tên, mũi đạn của kẻ thù, nhất là những đợt chuyển quân cho chiến trường Quảng Trị. “81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 thật sự kinh khủng. Tôi được lệnh thần tốc chuyển quân tăng cường vào mảnh đất bom cày, đạn xới. 4 ngày đêm ở bên này sông Thạch Hãn, thêm lần nữa tôi chứng kiến sự ác liệt tột cùng của chiến tranh. Hay những lần chuyển quân từ Thái Bình, theo đường mòn Hồ Chí Minh vào Lộc Ninh (Bình Phước), trên đường hành quân hàng tháng trời, chúng tôi xuyên qua rừng thiêng nước độc, bom đạn ngay trên đầu, trước mặt…”, ông Định xúc động nhớ lại.
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, năm 1978, ông Ngô Văn Định được điều về Quân khu V, bố trí học Trường Tuyên huấn Trung ương 2 (Đà Nẵng) để về địa phương bổ sung nguồn cán bộ dân chính. Nhưng một lần nữa, ông tiếp tục gắn với binh nghiệp. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Nam xảy ra, thiếu tá Ngô Văn Định được điều động về Bộ CHQS tỉnh Phú Khánh.
Năm 1985, huyện miền núi Sông Hinh thành lập, người lính dạn dày kinh nghiệm Ngô Văn Định được điều động về làm Chính trị viên, xây dựng lực lượng vũ trang huyện Sông Hinh, địa phương có vị trí địa quân sự quan trọng của tỉnh. Khi đơn vị mới hình thành và ổn định, đúng lúc căn bệnh xuất huyết dạ dày hành hạ, ông phải rời quân ngũ sớm vào năm 1990.
Ông Ngô Văn Định sắp xếp lại những huân, huy chương, huy hiệu Đảng (năm nay ông 57 tuổi Đảng) như những kỷ vật quý giá. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Về hưu thì mặc về hưu…
Sau khi điều trị tạm ổn bệnh xuất huyết dạ dày, ở tuổi 46, cựu chiến binh, đảng viên Ngô Văn Định vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Được cấp ủy, chính quyền phường 2 vận động tham gia công tác ở phường, ông Định gật đầu đồng ý. Từ năm 1993, ông tham gia cấp ủy, giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy phường 2. Được sự tín nhiệm của tổ chức, đảng viên, liên tiếp hai nhiệm kỳ (1995-2000 và 2000-2005), ông Ngô Văn Định được bầu làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường 2.
Thời điểm ấy, phường 2 được xem là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự của TX Tuy Hòa với nhà ga, các khu nhà trọ, nhà nghỉ và nhiều hàng quán kinh doanh buôn bán suốt đêm, là địa bàn mà các đối tượng xấu hoạt động hoặc lẩn trốn. Một số thanh thiếu niên trên địa bàn tụ tập chơi bời, lêu lổng, trộm cắp vặt. Thêm vào đó, trên địa bàn phường còn quá nhiều hộ nghèo, các hẻm phố còn đường đất, nhếch nhác… Điều này đặt ra nhiệm vụ nặng nề và cấp bách, cần sự vào cuộc cả hệ thống chính trị.
Với kinh nghiệm làm công tác chính trị trong quân đội, Bí thư Đảng ủy phường 2 Ngô Văn Định áp dụng vào công tác dân vận. Sau giờ làm việc, họp hành, ông đến gặp từng hộ, từng đối tượng cần tuyên truyền vận động để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, từ đó tìm cách giúp đỡ họ. Những hộ có sức lao động, nhưng không có việc làm, việc làm bấp bênh, ông chỉ đạo các đoàn thể vận động, tạo điều kiện cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn. Với cán bộ, đảng viên trong tổ chức, ông uốn nắn, chấn chỉnh thái độ làm việc, không quan liêu, cửa quyền; phải làm gương cho dân, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Với cách làm ấy, Bí thư Đảng ủy phường 2 Ngô Văn Định đã tạo sự đoàn kết thống nhất trong cán bộ, đảng viên của phường; tạo niềm tin với người dân, cảm hóa được nhiều người từng là đối tượng gây ra tệ nạn xã hội.
Đồ họa: TRẦN QUỚI |
Trong công tác bê tông, thắp sáng hẻm phố, xây dựng đô thị sạch đẹp, văn minh, phường 2 là một trong những địa phương đi đầu, điển hình của TX Tuy Hòa thời điểm ấy. Cách làm của ông Ngô Văn Định là chỉ đạo bộ phân chuyên môn khảo sát hiện trạng từng hẻm phố, tổ chức họp dân, nêu rõ phương án “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, minh bạch phần thu - chi, tổng kết báo cáo hoàn công trước người dân...
Từ một địa bàn được xem là nhiều tệ nạn xã hội, khó khăn, nhiều hộ nghèo, phường 2 từng bước trở thành điển hình trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng đời sống đô thị văn minh. 13 năm gắn bó với công tác Đảng ở phường 2, ông Ngô Văn Định được cán bộ, đảng viên, người dân tin yêu, mến phục. Tập thể Đảng ủy, UBND phường 2 (thời điểm ông Định làm Bí thư Đảng ủy phường - PV) được UBND tỉnh tặng bằng khen; Công an phường 2 được Bộ Công an tặng bằng khen. Cá nhân ông Ngô Văn Định được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen 3 năm liền (2001, 2002, 2003) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; bằng khen chuyên đề của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong phong trào vận động người dân xây dựng bê tông hẻm phố từ năm 2000-2003…
***
Tạm nghỉ công tác Đảng ở địa phương, đảng viên, cựu chiến binh Ngô Văn Định vẫn chưa nghỉ ngơi. Từ năm 2005, ông được Hội Cựu Chiến binh tỉnh vận động tham gia công tác hội, cho đến năm 2012. Hơn 10 năm trở lại đây, vì tuổi tác không cho phép không tham gia hội tỉnh, cựu chiến binh Ngô Văn Định gắn bó với Hội Cựu Chiến binh phường 2, như chỗ dựa tinh thần cho anh em. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ khác luôn thôi thúc ông đó là Phó Trưởng ban liên lạc tàu Không số - bến Vũng Rô.
Nhận xét về người đồng đội của mình, thượng úy, cựu chiến binh Tổng Trọng Điểm (phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa), thành viên Ban liên lạc tàu Không số - bến Vũng Rô nói: “Anh Ngô Văn Định như tôi biết, từ thời còn nhỏ, đến khi đi bộ đội ở cùng đơn vị, cùng tổ đón tàu Không số, là người nhiệt huyết, luôn vì tập thể, đồng đội, chẳng nề hà việc gì. Trong Ban liên lạc tàu Không số - bến Vũng Rô, anh Định cùng chúng tôi dành nhiều thời gian, công sức liên lạc những đồng đội, dân công tham gia bảo vệ bến Vũng Rô ngày đó. Đến nay, hơn 700 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị và dân công tham gia bảo vệ bến Vũng Rô được nhận Kỷ niệm chương đường Hồ Chí Minh trên biển và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội”.
Được kết nạp Đảng từ năm 1966, năm nay, ông Ngô Văn Định đã 57 tuổi Đảng. Nhiều người quý mến nói vui, ông Ngô Văn Định là cán bộ, đảng viên không có… tuổi hưu.
Khi ông Ngô Văn Định làm Bí thư Đảng ủy phường 2, tôi mới là Phó Bí thư Đoàn phường. Ông là người góp nhiều công sức trong công tác xóa các điểm đen về tệ nạn xã hội lúc bấy giờ trên địa bàn phường và cảm hóa được nhiều đối tượng. Ông vận động người dân hiến đất, giải phóng mặt bằng để làm đường Lê Thành Phương, Trần Phú, bê tông hóa các hẻm phố thông thoáng như ngày nay. Với cán bộ trẻ, ông quan tâm dìu dắt, giúp đỡ để trưởng thành. Hiện nay, mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Định luôn nhiệt tình, gắn bó với công tác vận động quần chúng ở địa phương. Ông là đảng viên gương mẫu để cán bộ, đảng viên và người dân noi theo.
Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường 2 Hắc Hoàng Phương |
TRẦN QUỚI