Thứ Hai, 06/05/2024 19:21 CH
Chuyện về một chiến sĩ K60 (kỳ 1)
Thứ Hai, 04/09/2023 11:00 SA

Ông là một trong số ít người còn lại của K60, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ bến Vũng Rô, tổ chức chuyển hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men từ những chuyến tàu Không số, cùng dệt nên huyền thoại tàu Không số - bến Vũng Rô trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hòa bình lập lại, thống nhất đất nước, ông tiếp tục gắn bó với việc xây dựng quân đội và công tác Đảng ở địa phương, được đồng đội, người dân quý mến, tin yêu. Ông là thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam, cựu chiến binh Ngô Văn Định, năm nay tuổi đã gần bát tuần.

 

Kỳ 1: Tự hào là người lính bảo vệ bến Vũng Rô

 

Nếu như kỳ tích của tàu Không số - bến Vũng Rô là huyền thoại của Hải quân Việt Nam, của quân và dân Phú Yên, thì những chiến sĩ bảo vệ bến K60, những dân công tại chỗ, những người như ông Ngô Văn Định và đồng đội đã đóng góp lớn trong chiến công huyền thoại ấy. Khi ấy, chàng trai trẻ Ngô Văn Định được phân công trong tổ đón tàu, làm nhiệm vụ phát tín hiệu, dẫn đường, đón cả bốn chuyến tàu Không số cập bến Vũng Rô.

 

Thiếu tá, cựu chiến binh Ngô Văn Định (thứ hai từ trái sang) cùng Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Hồ Đắc Thạnh, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Đặng Phi Thưởng và các đồng đội trong Ban Liên lạc tàu Không số - bến Vũng Rô. Ảnh: CTV

 

Tham gia đón những chuyến tàu Không số

 

Ông Định sinh năm 1947, ở thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp (nay là khu phố Đa Ngư, phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa). Như lời ông nói, ông được kết nạp Đoàn, tham gia làm du kích, giao liên địa phương từ những năm 1961-1962. Nhưng hồ sơ, lý lịch Đảng của ông Định ghi sinh năm 1944. “Tôi phải đôn tuổi lên để được đi bộ đội. Thời của tôi, nhiều người cũng làm vậy để sớm đứng vào hàng ngũ những người lính chiến đấu bảo vệ quê hương”, ông Định nói.

 

Ông Ngô Văn Định bồi hồi nhớ lại: “Tháng 11/1963, tôi chính thức vào bộ đội địa phương, biên chế đơn vị B tập trung miền Đông (sau là lực lượng nòng cốt của K60 - đơn vị bảo vệ bến Vũng Rô). Khi đó, tuổi thật mới 16, xuất thân từ làng chài Đa Ngư, việc bơi lặn như cơm ăn nước uống, nên tôi được trên phân công vào tổ đón tàu Không số vào cuối năm 1964. Tổ đón tàu có 4 người, gồm: Tiểu đội trưởng Tống Trọng Điểm, Trần Dưỡng, Trà Văn Hòa và tôi. Tổ có nhiệm vụ phát tín hiệu (bằng đèn pin) và bơi xuồng nhỏ lai dắt tàu vào bến và đưa tàu trở ra; tổ chức ngụy trang trong trường hợp tàu phải ở lại bến”.

 

Trong cuộc đời bình nghiệp gần 30 năm, trải qua nhiều vị trí công tác, ở nhiều đơn vị, ông Ngô Văn Định ấn tượng nhất là thời gian làm nhiệm vụ đón những chuyến tàu Không số và tổ chức bốc dỡ vũ khí chuyển về tuyến sau. Sau gần 60 năm, ông Định vẫn còn nhớ như in thời khắc từng chuyến tàu Không số cập bến Vũng Rô trong sự vui mừng khôn xiết giữa tàu và bến.

 

Đồ họa: TRẦN QUỚI

 

Thiếu tá, cựu chiến binh Ngô Văn Định nhớ lại…

 

23 giờ 30 đêm 28/11/1964, chuyến tàu Không số đầu tiên, mang ký hiệu 41, do trung tá Hồ Đắc Thạnh, một người con ưu tú của Phú Yên làm thuyền trưởng (sau được phong Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân), cập bến an toàn. Trên chuyến tàu này, ngoài vũ khí còn có đồng chí Trần Ngọc Quang được tăng cường về cho bến, để giúp bến làm cầu tàu và đặt đèn báo hiệu đón tàu.

 

Chuyến tàu Không số thứ hai tiếp tục vào Vũng Rô vào lúc 23 giờ 23 đêm 25/12/1964, cũng do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy cập bến an toàn. Ngoài vũ khí, đạn dược, thuốc men, chuyến này tàu còn tặng cho bến 3 tấn gạo tám thơm Hà Nội. Đây là một món quà vô cùng ý nghĩa với bộ đội địa phương trong những tháng năm vô cùng khó khăn, ác liệt, khi bộ đội phải ăn củ rừng để chiến đấu, dù ở giữa vựa lúa Tuy Hòa. Ngoài ra, chuyến tàu này tiếp tục tăng cường cho bến Vũng Rô nguồn nhân lực, gồm các đồng chí: Nguyễn Bá Võ, Lê Đình Kiến, Nguyễn Đình Long, Nguyễn Trúc Khuê.

 

Chuyến tàu Không số thứ ba, vẫn là trung tá Hồ Đắc Thạnh làm thuyển trưởng cập bến an toàn lúc 24 giờ đêm 1/2/1965. Ngoài vũ khí, tàu còn chở các đồng chí: Hồ Thanh Bình (sau là Đại đội trưởng K60), Phạm Ân, Dương Văn Kính (quê Quảng Nam) và đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh (quê Phú Yên) tăng cường cho bến để thành lập đơn vị K60 theo chỉ thị của cấp trên. Chuyến tàu thứ ba thật nhiều kỷ niệm. Sau khi bốc dỡ vũ khí đưa vào kho, các chiến sĩ trên tàu và bến đã cùng nhau đón tết cổ truyền Ất Tỵ trong niềm vui mừng hoàn thành nhiệm vụ an toàn với niềm tin đến ngày thắng lợi cuối cùng.

 

Thiếu tá Ngô Văn Định tìm lại hình ảnh lưu niệm Ban Liên lạc tàu Không số - bến Vũng Rô. Ảnh TRẦN QUỚI

 

Tuổi 18, lần đầu trong đời canh xác đồng đội

 

Chuyến tàu thứ tư mang ký hiệu 143, do thuyền trưởng Lê Văn Thêm chỉ huy, theo kế hoạch sẽ vào bến Lộ Diêu (Bình Định), nhưng bị địch theo dõi quá chặt không thể cập bến như dự kiến. Cấp trên quyết định cho cập bến Vũng Rô vào đêm 15/2/1965.

 

Đơn vị bảo vệ bến K60 cùng các đơn vị yểm trợ được huy động khẩn cấp để triển khai phương án đón tàu. Tàu mới, bến lạ nên ám hiệu giữa tàu và bến không trùng khớp. “Quy định tín hiệu bằng đèn pin quét xuống nước khi tàu vào bến, nhưng tàu lại phát tín hiệu bằng đèn pha nên tổ đón tàu không dám nhận diện, sau đó phải bơi xuồng nhỏ tiếp cận, khi nhận được tín hiệu của ta, tổ tiếp đón dắt tàu vào bến an toàn, triển khai bốc dỡ vũ khí lên bờ”, ông Ngô Văn Định nhớ lại.

Sáng sớm hôm sau, Tàu 143 chuẩn bị quay ra thì bị trục trặc kỹ thuật - hỏng neo, buộc phải xin ý kiến cấp trên cho ngụy trang, lưu lại bến một ngày. Một ngày ở lại bến là một ngày nguy hiểm với cả tàu và bến. Tàu 143 bị lộ. Địch phát hiện, chúng tập trung hỏa lực đánh tàu và bến.

 

Bộ đội K60, Trung đội huyện Tuy Hòa, Trung đội K64 và du kích địa phương đã chiến đấu ngoan cường để bảo vệ tàu, bảo vệ bến, bảo vệ số vũ khí đã được vận chuyển lên bờ… Trận chiến quá chênh lệch về lực lượng, khí tài, đơn vị K60 có 12 người hy sinh, trong đó có hai đồng đội, cũng là hai người bạn thân từ nhỏ ở cùng làng với ông Ngô Văn Định.

 

Ông Ngô Văn Định ngậm ngùi kể: “Địch bắn pháo và đổ bộ càn quét, hai đồng chí cùng quê Phú Lạc (xã Hòa Hiệp) là Nguyễn Văn Ba và Lê Văn Triều đã hy sinh. Suốt đêm hôm đó, tôi khóc, ngồi canh hai người bạn để không bị cọp beo cướp xác, chờ đồng đội đến cùng đào huyệt tiễn các anh trong sự xúc động và nỗi căm thù sâu sắc…”.

 

Kỳ cuối: Người đảng viên không… tuổi hưu

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Khát vọng vươn tới tầm cao (kỳ cuối)
Thứ Hai, 04/09/2023 07:00 SA
Khát vọng vươn tới tầm cao (kỳ 3)
Chủ Nhật, 03/09/2023 14:31 CH
Khát vọng vươn tới tầm cao (kỳ 2)
Chủ Nhật, 03/09/2023 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek