Kỳ cuối: Để khát vọng trở thành hiện thực
Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực xây dựng Phú Yên đạt được mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình 28-CTr/TU ngày 30/6/2023 với các nhóm giải pháp cụ thể, trong đó chú trọng đến yếu tố nguồn nhân lực. Phóng viên Báo Phú Yên phỏng vấn đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh xung quanh nội dung này.
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là một trong những giải pháp được tỉnh chú trọng. Trong ảnh: Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra khu vực tra cứu thông tin, nộp hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: HÀ MY |
* Thưa đồng chí, Chương trình 28-CTr/TU ngày 30/6/2023 của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra các nhóm giải pháp để triển khai thực hiện. Xin đồng chí cho biết đâu là những giải pháp trọng tâm?
- Phú Yên cùng 13 địa phương ven biển khác, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, tạo thành vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Đây là vùng có vị trí chiến lược về kinh tế và an ninh, quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển đảo của Tổ quốc.
Tuy vậy, nhìn chung, đây vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển, chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả.
Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định tầm nhìn, mục tiêu cụ thể và đề ra những quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian sắp tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26 nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá để khai thác tiềm năng của vùng. Theo đó, vùng cần phát triển mạnh về biển theo tinh thần ông cha là “rừng vàng, biển bạc”; nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có và khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển, ngành kinh tế biển”.
Đối với Phú Yên, tỉnh xác định kinh tế biển không chỉ là lợi thế, mà kinh tế biển chính là động lực, là nhiệm vụ bắt buộc để phục vụ đồng thời cả hai mục đích: Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh biển đảo của Tổ quốc.
Ngay sau khi Nghị quyết 26-NQ/TW được ban hành, Tỉnh ủy đã khẩn trương triển khai và ban hành Chương trình 28-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên tình hình thực tiễn và tầm nhìn phát triển của tỉnh, Chương trình 28-CTr/TU bám sát các quan điểm chỉ đạo, những giải pháp trọng tâm của Nghị quyết 26-NQ/TW để đề ra các mục tiêu, giải pháp và các nhiệm vụ cụ thể. Chương trình đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp để triển khai các định hướng trọng tâm:
Một là, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế biển và vùng ven biển. Cần có nhận thức thống nhất tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị về phát triển kinh tế biển, gắn phát triển kinh tế biển với đảm bảo chủ quyền biển, hải đảo.
Hai là, triển khai những chính sách và hành động cụ thể để tập trung thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển phát triển mạnh như năng lượng tái tạo, nuôi biển, nuôi trồng thủy, hải sản quy mô công nghiệp, du lịch biển… Trong đó, định hướng phát triển cần theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường cũng như bảo vệ, phát triển giá trị văn hóa bản địa, cộng đồng dân cư địa phương. Việc đầu tư, thu hút đầu tư được lựa chọn, tính toán cẩn thận dựa trên quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch tổng thể quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 để phát huy thế mạnh của tỉnh, gắn với khai thác được tiềm năng, lợi thế liên kết vùng trong phát triển. Các sản phẩm cần được phát triển thành quy mô công nghiệp trên tinh thần mỗi địa phương, mỗi vùng chỉ phát triển những sản phẩm có thế mạnh để có thể tập trung đầu tư hạ tầng, công nghệ sản xuất, chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Ba là, trong đầu tư, chú ý sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Các công trình dự án phục vụ phát triển kinh tế biển phải được thực hiện trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng thời, trong trường hợp cho phép, đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quân sự vào phục vụ phát triển kinh tế biển; ưu tiên đầu tư những công trình lưỡng dụng. Xây dựng những chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, ngư dân bám biển, làm giàu từ biển; để mỗi ngư dân là một cột mốc sống trên biển.
Cuối cùng, tận dụng việc hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, bối cảnh cạnh tranh thương mại giữa các quốc gia để thu hút các doanh nghiệp, các nguồn vốn quốc tế vào tham gia đầu tư, phát triển tỉnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực có trình độ khoa học và công nghệ cao như sản xuất công nghiệp, chế biến thủy hải sản, hàng hải… Chúng ta cần tận dụng được xu hướng một số doanh nghiệp công nghệ cao dịch chuyển một phần sản xuất ra khỏi các quốc gia truyền thống. Đây chính là cơ hội cho các khu công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp ven biển tận dụng lợi thế về cảng biển, sân bay để thu hút các doanh nghiệp.
Phú Yên phấn đấu đến năm 2045, tỉnh trở thành nơi đáng sống với nền kinh tế phát triển, con người thân thiện và môi trường sống xanh, sạch. Ảnh: NGỌC THẮNG |
* Trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, sở, ban ngành trong việc thực hiện Chương trình 28 được Tỉnh ủy chỉ đạo ra sao, thưa đồng chí?
- Chương trình của Tỉnh ủy đã phân công rất rõ ràng nhiệm vụ các Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, các sở, ban ngành trong tỉnh. Định kỳ sơ kết thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Chương trình 28 của Tỉnh ủy sẽ căn cứ mức độ triển khai công việc và hiệu quả thực hiện để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị. Đánh giá này đương nhiên sẽ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình thực tiễn, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi để tổ chức thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao trong Chương trình 28. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đòi hỏi người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hành động vì lợi ích chung.
Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu các cấp ủy, ngành, địa phương, đơn vị tập trung nghiên cứu, khẩn trương xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình 28 đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị, trong đó cần phải đề ra các giải pháp có tính đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc học tập, quán triệt và quá trình triển khai thực hiện chương trình này và công tác sơ, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện.
Tỉnh xác định kinh tế biển không chỉ là lợi thế mà chính là động lực, là nhiệm vụ bắt buộc để phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh biển đảo của Tổ quốc. Trong ảnh: Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TX Sông Cầu. Ảnh: VIỆT AN |
* Chương trình nào thì nhân tố con người cũng là quyết định. Tỉnh đã đề ra kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ như thế nào, thưa đồng chí?
- Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, những năm qua, Tỉnh ủy và các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh đã chú trọng quan tâm, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, xác định vị trí việc làm; đổi mới nội dung, phương pháp, cách làm, tuân thủ nguyên tắc “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ”, đạt được những kết quả tích cực.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Tỉnh ủy đã đề ra 8 giải pháp chính. Trong đó chú trọng nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác cán bộ nhằm tạo nguồn cán bộ ngay từ cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần làm thường xuyên, nhất là thông qua công tác luân chuyển, điều động cán bộ; đội ngũ cán bộ cần phải được phân tầng qua nhiều độ tuổi để luôn có sự chắc chắn, ổn định nhưng luôn động và mở.
Ngoài ra, các sở, ngành liên quan cần rà soát, bổ sung, ban hành, triển khai thực hiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp quy định của Đảng, Nhà nước, liên thông giữa các cấp; xây dựng phương pháp và bộ tiêu chí đánh giá cán bộ theo hướng gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, lấy chất lượng, hiệu quả, thời gian hoàn thành, sản phẩm công việc làm thước đo chủ yếu. Đồng thời tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.
* Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!
NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện)