Thứ Hai, 06/05/2024 23:51 CH
Khát vọng vươn tới tầm cao (kỳ 1)
Thứ Bảy, 02/09/2023 13:29 CH

Các tỉnh miền Trung với hạ tầng còn hạn chế, xa các vùng kinh tế động lực nên gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Để tạo điều kiện cho vùng đất chiến lược này phát triển, ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngay sau khi có Nghị quyết 26-NQ/TW, Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình 28-Ctr/TU, ngày 30/6/2023 thực hiện nghị quyết này, quyết tâm xây dựng Phú Yên trở thành tỉnh giàu đẹp, nâng cao vị thế trong vùng.

 

Kỳ 1: Nỗ lực trở thành tỉnh giàu đẹp trong vùng

 

Tỉnh ủy đã đề ra mục tiêu tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và huy động các nguồn lực để xây dựng Phú Yên phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc.

 

Thành tựu từ sự năng động, sáng tạo

 

Những năm qua, toàn Đảng bộ đã năng động, sáng tạo, nỗ lực đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trong xây dựng và phát triển tỉnh Phú Yên. Thành tựu đáng phấn khởi và tự hào ấy không chỉ thể hiện qua những đổi thay về diện mạo của quê hương mà khẳng định bằng con số. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2005-2020, kinh tế của tỉnh tăng trưởng bình quân đạt 8,3%/năm, cao hơn mức trung bình của vùng. Quy mô kinh tế năm 2020 tăng gấp 3,66 lần so với năm 2004. GRDP bình quân đầu người đạt 50,4 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch cơ bản theo đúng định hướng, dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, một số ngành kinh tế cơ bản từng bước hình thành. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khá, bình quân tăng 18%/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị được cải thiện. Cùng với kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có bước phát triển; chất lượng giáo dục - đào tạo và các chỉ tiêu y tế cơ bản được cải thiện. An sinh xã hội được đảm bảo, tỉ lệ hộ nghèo giảm. Đặc biệt, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao.

 

Đồ họa: MẠNH HÙNG

 

Kết quả đáng khích lệ trong chặng đường phát triển vừa qua lẽ ra còn ấn tượng hơn nếu như Phú Yên không phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức. Đó là quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, thấp hơn mức trung bình chung của vùng; thu ngân sách chưa đảm bảo chi; khu vực kinh tế tư nhân phát triển chưa mạnh. Môi trường đầu tư của tỉnh dù nỗ lực cố gắng cải thiện nhưng việc thu hút nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Tốc độ đô thị hóa và chất lượng đô thị còn thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, tính kết nối chưa cao. Tiềm năng về du lịch phong phú nhưng phát triển chưa bền vững, thiếu đa dạng.

 

Hướng về tương lai giàu đẹp và bình yên

 

Để xây dựng Phú Yên giàu đẹp và bình yên như tên gọi mà cụ thể là đạt được sự phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, nhằm nâng cao vị thế của tỉnh trong vùng vào năm 2030, Tỉnh ủy đề ra mục tiêu tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

 

Tận dụng lợi thế vị trí địa lý với chiều dài gần 190km bờ biển, tỉnh cũng hướng đến phát triển các ngành kinh tế biển để trở thành tỉnh giàu từ biển. Với tầm nhìn của các nhà quy hoạch, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh cũng chú trọng vào sự thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả tính kết nối kết cấu hạ tầng hiện có, nhất là về giao thông, Khu kinh tế Nam Phú Yên, các khu công nghiệp và hệ thống đô thị ven biển. Tỉnh cũng xác định sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số. Song song với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo được bảo đảm vững chắc. Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

 

Với quyết tâm chính trị, Tỉnh ủy Phú Yên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, tỉnh trở thành nơi đáng sống với nền kinh tế phát triển, con người thân thiện và môi trường sống xanh, sạch. Nền kinh tế phát triển dựa trên hệ thống đô thị biển hiện đại, gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến và mối liên kết cao với các tỉnh Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên. Cùng với đó là tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường... Vị thế của Phú Yên lúc này sẽ có sự cải thiện vượt bậc và tỉnh sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

 

Đồ họa: MẠNH HÙNG

  

Để Phú Yên nâng cao vị thế, trở thành nơi đáng sống

 

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy đã thống nhất đề ra một số nhóm giải pháp trọng tâm. Cụ thể là tập trung triển khai các cơ chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Chủ động phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, tạo cơ sở pháp lý để các địa phương trong vùng liên kết, hợp tác. Hoàn thành Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040; Quy hoạch chung xây dựng TP Tuy Hòa và vùng phụ cận đến năm 2025 tạo cơ sở pháp lý để tỉnh thực hiện trong liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trong vùng. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để khuyến khích phát triển doanh nghiệp và thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các ngành kinh tế biển…

 

 

Nhóm giải pháp khác, đó là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Tập trung phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Có chính sách khuyến khích phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng gió ven bờ và năng lượng gió ngoài khơi. Tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia đối với các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản chất lượng cao; công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển.

 

Tập trung phát triển hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông. Hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra đến năm 2025: Nâng cấp TP Tuy Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh; phát triển TX Sông Cầu lên thành phố trực thuộc tỉnh; phát triển huyện Tuy An thành thị xã. Phát triển mạng lưới đô thị gắn với Khu kinh tế Nam Phú Yên. Tiếp tục làm việc với các bộ, ngành trung ương sớm đầu tư hoàn thành các trục giao thông Đông - Tây theo quy hoạch để kết nối với khu vực Tây Nguyên, phát triển các hành lang kinh tế như Phú Yên - Đắk Lắk, Phú Yên - Gia Lai; đầu tư quốc lộ 19C và tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk theo quy hoạch được phê duyệt.

 

Với nguồn tài nguyên dồi dào sẵn có, tỉnh cũng xác định tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng. Bên cạnh đó là tập trung công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.

 

Phú Yên quyết tâm hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra đến năm 2025, trong đó có nâng cấp TP Tuy Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Ảnh: NGỌC THẮNG

  

Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội cũng là một giải pháp để tỉnh đạt được mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó chú trọng xây dựng lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở; thu hút đầu tư xây dựng, mở mới các trường ngoài công lập ở các cấp, các bậc học trên địa bàn. Cùng với đó là thực hiện đồng bộ ba chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 

Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng và bảo đảm an ninh; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội; chú trọng bảo đảm an ninh các lĩnh vực chính trị nội bộ, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, an ninh xã hội, dân tộc, tôn giáo, an ninh thông tin, an ninh mạng.

 

Và giải pháp được xem là nhiệm vụ then chốt, chiến lược và lâu dài, đó là tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tỉnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Và để đáp ứng mục tiêu nhiệm vụ đề ra không thể thiếu nhân tố con người với yêu cầu phải phát huy tinh thần chủ động, quyết liệt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm và vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu./.

 

Kỳ 2: Phát triển đô thị ven biển, tạo động lực tăng trưởng

 

NHÓM PHÓNG VIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek