Thứ Ba, 07/05/2024 10:22 SA
Vì sự bình yên và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (kỳ 3)
Thứ Tư, 30/08/2023 07:04 SA

KỲ 3: Thay đổi nếp nghĩ, tạo cách làm hiệu quả

 

Về buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các huyện miền núi Phú Yên, chúng ta sẽ cảm nhận được sự đổi thay đáng kể. Nhiều buôn làng vốn khó khăn nhưng nay bừng lên sức sống mới. Tất cả là nhờ các cấp ủy đã giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó là những chương trình, chính sách dân tộc được chính quyền địa phương quyết liệt triển khai, làm đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

 

Niềm vui của người dân các huyện miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số Phú Yên khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại năng suất cao. Ảnh: HÀ MY

 

Ổn định lương thực tại chỗ

 

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi về thăm Krông Pa - xã miền núi của huyện Sơn Hòa, giáp ranh với Gia Lai. Đây là xã có 2/3 dân số người đồng bào DTTS. Đường về buôn Học, buôn Lé nay không còn là con đường đất sét sình lầy vào mùa mưa, bụi mịt mù những ngày nắng như xưa, mà thay bằng bê tông phẳng lỳ. Những căn nhà sàn của đồng bào Chăm, Ê Đê được lợp ngói đỏ. Dọc bên đường là cánh đồng lúa xanh mướt. Tiếp đoàn, ông Kpă Thinh, Bí thư Đảng ủy xã Krông Pa, vui vẻ khoe: “Xã mình giờ bớt nghèo rồi. Nhà nhà có lúa gạo để ăn quanh năm, người dân rất phấn khởi”.

 

Người dân Krông Pa sống chủ yếu bằng nông nghiệp, trong đó, diện tích đất sản xuất gần 3.330ha. Thực hiện chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển cây lúa của trung ương, tỉnh để đảm bảo ổn định lương thực tại chỗ, Đảng ủy xã đã chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động sát với tình hình thực tế; chỉ đạo UBND xã cùng các ban ngành liên quan, MTTQ và các hội, đoàn thể giúp bà con biết sản xuất cây lúa nước thông qua các mô hình trình diễn và bằng phương thức cầm tay chỉ việc từ khâu làm đất, ngâm ủ, xử lý giống, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch một cách sâu sát, cụ thể. Đảng ủy xã cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu của bà con nhân dân; giải thích, tính toán hiệu quả trên mỗi sào ruộng…

 

 

“Nhờ đó, từ vụ sản xuất hè thu 2014, khu tưới trạm bơm chỉ mới sản xuất 35,5ha với 77 hộ, năng suất bình quân 68 tạ/ha, đến vụ đông xuân 2023, đã tăng lên 103ha với 243 hộ, sản lượng đạt 669,5 tấn. Hiệu quả xã hội mang lại là đã chuyển đổi được phương thức sản xuất cũ, lạc hậu vốn có từ bao đời nay của đồng bào DTTS ở xã từ cây lúa thổ sang phương thức sản xuất mới bằng gieo sạ lúa nước 2 vụ năng suất cao, ổn định lương thực tại chỗ, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo; bà con thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ xã. Với mô hình này, Đảng ủy xã Krông Pa vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ông Kpă Thinh chia sẻ.

 

Trong khi đó, tại huyện Sông Hinh, địa phương có gần 50% người đồng bào DTTS trước đây chủ yếu canh tác lúa rẫy, nay diện tích lúa nước được mở rộng lên đến hơn 2.265ha. Đặc biệt, với hơn 90% người đồng bào DTTS, Ea Lâm 24 năm trước từng được biết đến là xã 7 không (không đường, không trường, không trạm xá, không chợ, không nước sạch, không điện và không trụ sở), nay người dân rất phấn khởi khi được huyện đầu tư 2 công trình trạm bơm thủy lợi gần 20 tỉ đồng, giúp người dân bơm tưới lúa, ổn định lương thực. Bà Ksơr Hờ Kak, người dân buôn Bai vừa thu hoạch 2 sào lúa năng suất cao vụ đông xuân tại cánh đồng công trình trạm bơm Ea Lâm 2, chia sẻ: “Gia đình tôi đã thoát cảnh thiếu đói giáp hạt, được ăn cơm gạo ngon từ những giống lúa mới. Tôi phấn khởi lắm, cảm ơn Đảng, Nhà nước đầu tư kênh mương để làm lúa nước”.

 

Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái

 

Năm 2023, xã miền núi Ea Ly (huyện Sông Hinh), nơi giáp ranh với 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk bước vào tuổi 20. So với ngày đầu tách ra từ xã Ea Bar, diện mạo của Ea Ly ngày càng thắm sắc. Những con đường bê tông rộng thoáng cùng với hệ thống điện lưới quốc gia, điện mặt trời sáng rực vào ban đêm; những đồi mía, sắn, rừng cao su, vườn cây ăn trái xanh tươi. Theo bà Trương Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Ea Ly, diện mạo của xã có được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền, mặt trận địa phương và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cộng đồng 13 dân tộc anh em ruột thịt, quyết tâm vượt qua khó khăn để xây dựng quê hương ngày một phát triển. Đảng ủy xã đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hướng dẫn và vận động người dân trồng cây ăn trái, cây công nghiệp theo hướng tập trung để hình thành các chi hội, tổ hội nghề nghiệp…

 

 

Vừa dứt cơn mưa, lối vào vườn mắc ca của chị Nông Thị Tuyền ở thôn Tân Lập, xã Ea Ly trở nên mát mẻ hơn. Thời điểm chúng tôi đến, thương lái đang vào tận vườn của chị để thu mua giá sỉ. Nhìn vườn mắc ca với hơn 300 cây xanh mướt, trĩu quả, khó mà tưởng tượng vài năm trước, nơi này là rẫy sắn cằn cỗi, kém hiệu quả. Được sự quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ, động viên kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền xã Ea Ly, gia đình chị Tuyền và nhiều hộ dân trong thôn đã chuyển sang trồng mắc ca. 2 năm qua, vườn mắc ca mang về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm, giúp gia đình chị thoát hộ cận nghèo, đời sống ngày càng khấm khá.

 

Ngoài xã Ea Ly, các địa phương khác trên địa bàn Sông Hinh cũng đã có nhiều khởi sắc, đời sống đồng bào DTTS được nâng lên đáng kể. Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Thời gian qua, huyện tập trung đầu tư cho vùng DTTS và miền núi như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nước sạch phục vụ đời sống bà con nhân dân. Hiện nay, địa phương đẩy nhanh triển khai, lồng ghép chính sách của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm đầu tư của địa phương cùng các cấp, ngành sẽ tạo nền tảng cho ước vọng vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi.

 

KỲ CUỐI: Phát huy sức mạnh tổng hợp

 

HÀ MY - DƯƠNG THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek