Kỳ 2: Xây thế trận vững lòng dân
Xác định việc xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân là một yêu cầu vừa cấp thiết, vừa mang tính chiến lược lâu dài, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền của các huyện miền núi đã tăng cường đối thoại với dân; phát huy vai trò người có uy tín, già làng; đổi mới hệ thống chính trị các cấp theo hướng gần dân, chăm lo cho dân, tạo sức mạnh và uy tín để củng cố niềm tin trong Nhân dân.
Trung tá Y Rin Mlô hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng định danh điện tử (VNeID). Ảnh: HÀ MY |
Đầu tàu Y Rin Mlô
Trung tuần tháng 8 vừa qua, Công an huyện Sông Hinh phối hợp UBND xã Ea Bia đưa đối tượng Ksơr Y Pom, sinh năm 1970, ở buôn Ma Sung (bị kẻ xấu lôi kéo tham gia tổ chức Fulro từ năm 2019 đến nay), ra kiểm điểm trước dân làng. Ksơr Y Pom ân hận: “Tôi nhận thấy hành vi của mình là sai trái, vi phạm pháp luật, mong chính quyền, bà con dân làng tha thứ. Tôi cam kết từ bỏ Fulro”.
Để giúp đối tượng Fulro này nhận thức được hành vi vi phạm là cả một quá trình đầy thử thách, có sự góp công rất lớn của Công an xã Ea Bia, trong đó đầu tàu là trung tá Y Rin Mlô, Trưởng Công an xã. Y Rin Mlô từng là đại biểu đại diện Công an Phú Yên dự lễ tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số (DTTS) toàn quốc năm 2017; là điển hình tiên tiến tiêu biểu của Bộ Công an tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Với kinh nghiệm từng là Phó Đội trưởng Đội An ninh DTTS của Phòng Phòng, chống phản động và chống khủng bố Công an tỉnh, nhiều năm liền phụ trách các địa bàn miền núi có nhiều diễn biến phức tạp về an ninh trật tự, khi được điều động về nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã Ea Bia, trung tá Mlô đã cùng đồng đội chủ động triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống âm mưu đen tối của những phần tử phản động, không để phát sinh điểm nóng, giữ gìn sự bình yên cho buôn làng. Cùng với đó, anh tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến từng buôn làng, vận động xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, nỗ lực cảm hóa giáo dục các đối tượng chuyển đổi nhận thức chính trị, từ bỏ Fulro, Tin Lành Đêga, Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên để tập trung sản xuất, cải thiện đời sống kinh tế.
Trung tá công an người Ê Đê chia sẻ: “Tăng cường về cơ sở, việc không tên nhiều vô kể. Vợ chồng cãi nhau nửa đêm gọi công an, con cái chơi bời lêu lổng, không lo học cũng nhờ công an giải quyết. Rồi người dân không chịu làm căn cước công dân, chúng tôi phải đến nhà vận động, chở ra xã làm… Vất vả là vậy, nhưng buôn làng yên bình là mình vui rồi”.
Người dân xã vùng cao Phú Mỡ phấn khởi bày tỏ ý kiến tại Hội nghị đối thoại với dân quý II/2023 do Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Xuân tổ chức. Ảnh: CTV |
Cầu nối giữa Đảng với buôn làng
Năm nay đã bước sang 72 mùa rẫy nhưng cái chân của ông La O Lanh (tên thường gọi là Ma Dĩnh), người có uy tín của thôn Đá Bàn, xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Năm học mới sắp bắt đầu nên ông cùng giáo viên và đoàn thể thôn đến nhà vận động con cháu trong độ tuổi đi học đến trường. Với uy tín đảng viên 49 năm tuổi Đảng, cán bộ hưu trí từng công tác 16 năm trong môi trường quân đội, Ma Dĩnh tích cực đứng ra hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra giữa các cá nhân trong dòng họ, dân cư trên địa bàn thôn; vận động người dân trong thôn giữ gìn các phong tục tập quán tốt đẹp, không mê tín dị đoan, không truyền đạo trái pháp luật. Bên cạnh đó, ông còn vận động quần chúng tham gia xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát hiện, tố giác tội phạm và chống mọi âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.
Bí thư Đảng ủy xã Phước Tân Sô Minh Chiến cho hay: Ma Dĩnh là tấm gương sáng cho bà con đồng bào thôn Đá Bàn. Từ một hộ khó khăn, gia đình ông đã chăm chỉ lao động, vươn lên thoát nghèo, con cháu học hành đến nơi đến chốn. Ông đi đầu vận động bà con đồng bào DTTS trong thôn thực hiện có hiệu quả các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Năm 2019, ông được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Mới đây, ông được địa phương xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích trong thực hiện chính sách dân tộc.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, toàn tỉnh hiện có 117 già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS. Họ là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, có sức ảnh hưởng quan trọng, giúp giải quyết những vấn đề nảy sinh trong xã hội ngay từ cơ sở.
Ông Ma Dĩnh luôn tự hào là đảng viên 49 năm tuổi Đảng và động viên con cháu nỗ lực học tập. Ảnh: MA PHỤNG |
Tăng cường đối thoại
Tính đến 25/8/2023, TAND huyện Đồng Xuân đã đưa ra xét xử sơ thẩm 8 vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng ở xã Phú Mỡ và Xuân Quang 1 đối với 12 bị cáo, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Đồng Xuân Nguyễn Văn Thời có mặt tại các phiên tòa để theo dõi diễn biến. Ông Thời cho hay: Đây là các vụ án được Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp theo dõi chỉ đạo, được thảo luận nhiều tại các hội nghị đối thoại với dân. Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo TAND huyện sớm mở các phiên tòa xét xử các vụ án này để giải quyết bức xúc của người dân; qua đó tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ rừng và lâm sản trên địa bàn huyện.
Ngoài vụ việc trên, những phản ánh khác qua các kỳ tiếp dân định kỳ hàng tháng, hội nghị đối thoại với dân (mỗi quý 1 lần) cũng đã được Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Xuân chỉ đạo giải quyết triệt để, tránh tạo thành điểm nóng ở cơ sở. Ngoài ra, Bí thư Huyện ủy còn trực tiếp làm việc với 51 chi ủy chi bộ thôn, buôn, khu phố trên địa bàn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Theo Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân Hồ Văn Mười, tăng cường đối thoại với dân giúp lãnh đạo huyện nắm bắt suy nghĩ, nhận thức của người dân đối với các quyết sách của chính quyền; kịp thời giải quyết những bức xúc, định hướng trong Nhân dân, góp phần nâng cao thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức…
Tại các huyện Sơn Hòa và Sông Hinh, hàng quý, Ban Thường vụ Huyện ủy đều tổ chức đối thoại với dân, gặp mặt già làng, người có uy tín, lực lượng cốt cán ở cơ sở để lắng nghe và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những kiến nghị chính đáng của Nhân dân, gắn với thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở. Các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chung tiếng nói với đồng bào DTTS); chăm lo, giải quyết rốt ráo những vấn đề bức xúc của bà con; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động. Sự gắn bó máu thịt của cán bộ, đảng viên với người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng chính là cầu nối Đảng với dân, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.
Kỳ 3: Thay đổi nếp nghĩ, tạo cách làm hiệu quả
HÀ MY - DƯƠNG THỦY