Kỳ cuối: Thành quả từ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Thực hiện Chương trình hành động 11 của Tỉnh ủy, trong những năm qua, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) Phú Yên đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, góp phần đưa ngành Nông nghiệp tỉnh vươn tầm cao mới.
Hợp tác, liên kết, nghiên cứu khoa học
Đưa chúng tôi đi tham quan Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên (thuộc Ban Quản lý Khu NNƯDCNC Phú Yên) tại xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, ông Trần Minh Châu, Phó Trưởng ban Quản lý Khu NNƯDCNC Phú Yên, cho biết: Phát triển NNƯDCNC là bước đột phá trong lộ trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Khu NNƯDCNC Phú Yên đã được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ.
“Trên cơ sở ký kết các thỏa thuận hợp tác, đơn vị đã phối hợp với Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh tiếp nhận và hoàn thiện quy trình sản xuất thử nghiệm mô hình trồng lan Mokara, trồng cà chua bi; quy trình công nghệ nuôi trồng nhộng trùng thảo; nhân giống và sản xuất nấm mối đen, nấm hoàng đế, nấm hương, nấm kim châm. Đồng thời thực hiện một số nhiệm vụ khác như: nhân giống cây xạ đen bằng phương pháp nuôi cấy mô, nhân giống cây đàn hương, nhân giống nuôi cấy và chăm sóc lan Ngọc Điểm... Hiện công tác liên kết, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ thử nghiệm tại đơn vị đều cho kết quả”, ông Châu nói.
Vào bên trong nhà màng, ông Châu giới thiệu mô hình trồng dưa lưới theo hướng ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, là hướng đi được đánh giá có tính mới về khoa học và thực tiễn. Quy trình công nghệ trồng dưa lưới, từ chọn giống, gieo ươm, kỹ thuật trồng và chăm sóc... theo công nghệ Isarel, tự động bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt, ứng dụng công nghệ tự động hóa theo chế độ dinh dưỡng.
Qua đó xác định được thời gian thu hoạch nông nghiệp chính xác. Với sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật đơn vị chuyển giao, đến nay các kỹ sư của Khu NNƯDCNC Phú Yên đã điều chỉnh quy trình phù hợp, đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh và vùng phụ cận.
Ông Trần Minh Châu chia sẻ thêm: “Đầu tư phát triển NNƯDCNC để tăng năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản và sử dụng có hiệu quả trên diện tích đất nông nghiệp. Làm nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu từ những việc rất nhỏ, như: sử dụng giống mới, hệ thống tưới tiết kiệm, sản xuất an toàn… ”.
Theo ông Đinh Trọng Lệnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên, ngoài nghiên cứu thành công một số loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, trung tâm còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nhân rộng và hướng nghiệp mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Riêng năm 2022, Ban Quản lý Khu NNƯDCNC đã ký kết thỏa thuận hợp tác và chuyển giao các kết quả nghiên cứu quy trình kỹ thuật công nghệ với Hội Nông dân, Tỉnh đoàn, Liên minh HTX tỉnh để xây dựng các mô hình trình diễn, nhân rộng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, gắn với ứng dụng các tiến bộ và khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời hỗ trợ, chuyển giao cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây sung Mỹ (magic) tại HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din; chuyển giao quy trình trồng nấm cho Công ty TNHH Fam Việt; chuyển giao quy trình trồng dưa hoàng kim trong nhà màng cho Công ty TNHH Đầu tư Nam Việt Hưng - Phú Yên.
Chuyển giao, ứng dụng
Trả lời về kỹ thuật ứng dụng chuyển giao quy trình trồng nấm từ Khu NNƯDCNC, ông Đoàn Minh Hiếu, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Fam Việt (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) cho hay: “Sau khi được chuyển giao quy trình trồng nấm và cung cấp cho công ty 10.000 bịch phôi để sản xuất, đến nay công ty phát triển hơn 1ha trồng nấm bào ngư với hơn 30.000 bịch phôi/tháng, bình quân mỗi ngày thu hoạch từ 100-300kg nấm thương phẩm, cho thu nhập ổn định”.
Ông Huỳnh Hùng Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Nam Việt Hưng - Phú Yên, nói: Hiện nay, công ty sản xuất trên tổng diện tích hơn 7ha; trong đó, một nửa là sản xuất trong khu công nghệ cao nhà màng, ứng dụng công nghệ 4.0, hệ thống tưới nước tự động, đem lại năng suất vượt trội, nâng cao giá trị sản phẩm. Bình quân mỗi năm công ty cung cấp cho thị trường 33 tấn dưa lưới, dưa hoàng kim và 2-3 tấn nấm các loại.
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din Nguyễn Hoàng Chương, giống sung Mỹ do Khu NNƯDCNC Phú Yên chuyển giao cho HTX trồng 2ha trên núi Định Thọ 1 (huyện Phú Hòa) đã ra trái. Sung magic có nguồn gốc từ Mỹ nên gọi là sung Mỹ.
“Ngoài giống cây này, chúng tôi đang nghiên cứu quy trình kỹ thuật trồng bạch đàn ngũ sắc (thân gỗ phát sáng 5 màu), cũng có nguồn gốc từ Mỹ. Trong giai đoạn 2023-2025, Ban Quản lý Khu NNƯDCNC Phú Yên sẽ tập trung 18 nhiệm vụ nghiên cứu theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chính xác và nông nghiệp tuần hoàn, thuộc các lĩnh vực như: sản xuất cây giống quy mô công nghiệp và ứng dụng rộng rãi các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng kháng sâu bệnh, chống chịu cao; nhân giống, sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao; sản xuất và ứng dụng công nghệ vi sinh trong các chế phẩm sinh học, các loại phân bón thế hệ mới, hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin trong quản lý, nghiên cứu, phát triển công nghệ trong nông nghiệp công nghệ cao”, ông Trần Minh Châu thông tin thêm.
Thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp
Đó là chỉ đạo của đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh. Đồng chí chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Kế hoạch 75 ngày 31/3/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động 11 của Tỉnh ủy và các chương trình, đề án, kế hoạch có liên quan đã được UBND tỉnh ban hành, phê duyệt.
Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình hành động 11 của Tỉnh ủy; sự cần thiết, tất yếu và tầm quan trọng của nhiệm vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực hữu hạn trong nông nghiệp để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và đạt được lợi nhuận cao.
Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao, nhân rộng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện hiệu quả chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT và các sở, ngành liên quan đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương mại điện tử; tham mưu thực hiện hiệu quả việc đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ nông sản, tăng tỉ trọng chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao. |
MẠNH HOÀI NAM - NGỌC HÂN