Thứ Bảy, 21/12/2024 23:16 CH
Hiện thực hóa Chương trình hành động 11 của Tỉnh ủy (kỳ 2)
Thứ Sáu, 18/08/2023 17:00 CH

Các sản phẩm OCOP từ khóm của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din. Ảnh: NGỌC HÂN

 KỲ 2: Mùa vàng khóm Đồng Din

 

Nếu như các xã, thị trấn của huyện miền núi Đồng Xuân dựa vào phù sa của các dòng sông Kỳ Lộ, Trà Bương và sông Cô để trồng cây ăn trái, sản xuất rau sạch phát triển kinh tế, thì ở huyện Phú Hòa, nông dân thu nhập tiền tỉ từ khóm Đồng Din.

 

Đưa khóm xuống núi, vươn xa

 

Vùng trồng khóm Đồng Din trải dài qua 3 xã Hòa Định Tây, Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc và thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa). Với gần 200 hộ trồng khóm, có gia đình mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông Trần Minh Hùng, một người trồng khóm Đồng Din cho hay: Trồng khóm, mùa đầu thu hoạch trái khóm tơ, năm sau “ăn” đến khóm gốc. Cứ mỗi mùa cây mẹ nhảy ra 5-6 cây con quanh gốc và đến 6-7 năm khóm mới cỗi.

 

Hiện nay, mỗi năm cây khóm có 2 mùa chính ra trái tự nhiên, thu hoạch vào tháng Giêng và tháng 5 (âm lịch). Thường khóm nặng 1kg, riêng vụ thu hoạch tháng 5 nắng hạn “bóp” trái khóm còn nửa ký. Khóm sau khi thu hoạch thì tách bỏ cây đẹt, chừa lại cây lớn rồi bón đủ phân để cây sung sức ra nụ. Sau 1 tháng 10 ngày, trên đọt nhú ra nụ màu hồng là khóm đậu trái. Thường 1ha trồng 3 vạn cây, lựa khóm tốt để cho ra 1 vạn trái. Từ mô hình này, nông dân chia sẻ kinh nghiệm trồng khóm thu hoạch quanh năm gọi là trồng khóm thông minh. Bên cạnh đó, do địa hình cao và dốc, người trồng khóm còn nghiên cứu cách dùng ròng rọc vận chuyển khóm từ triền núi xuống đất bằng, giải phóng sức lao động và thời gian thu hoạch.

 

Chúng tôi đi dọc hai bên Suối Cái thuộc địa phận xã Hòa Định Tây men theo những rẫy khóm xanh bạt ngàn. Sáng, nông dân thu hoạch khóm từ trên đồi đưa xuống chân rẫy bán cho thương lái. Mỗi chuyến vận chuyển bằng ròng rọc được khoảng 40-50kg. Cây khóm đặc biệt thích hợp với vùng đất rẫy, đồi dốc nên có vị thơm ngọt rất đặc trưng, được thị trường ưa chuộng.

 

Vùng khóm Đồng Din hình thành gần 20 năm nay. Theo nhiều người trồng khóm, bình quân 1ha khóm (tùy theo khóm lớn, khóm tơ hay khóm đẹt, khóm gốc), mỗi năm thu 150 triệu đồng. Với 900ha, mỗi năm người trồng khóm thu về 135 tỉ đồng, nên vùng trồng khóm này được ví là “kho báu trăm tỉ”.

 

Hiện nay, khóm Đồng Din đã được trồng theo tiêu chuẩn sản xuất tốt, sạch, thân thiện với môi trường, sản phẩm sau thu hoạch chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên, cho biết: Những năm qua, khóm Đồng Din đóng đinh thương hiệu, là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Sản phẩm khóm Đồng Din được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp chứng nhận bảo hộ, chứng nhận đăng ký nhãn hiệu khóm Đồng Din.

 

7 sản phẩm OCOP từ cây khóm

 

Đưa chúng tôi đi tham quan cơ sở sản xuất các loại mứt khóm sấy, bánh khóm, nước ép khóm nguyên chất, rượu khóm, ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (HTX Đồng Din), cho hay: Ngoài làm ra các sản phẩm từ khóm, HTX Đồng Din còn tận dụng phụ phẩm khóm từ quá trình sản xuất để tạo ra giấm khóm, nước lau sàn, nước rửa chén sinh học…

 

Nông dân thu hoạch khóm Đồng Din. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

 

Hiện những sản phẩm từ khóm đều được sản xuất theo quy trình, công nghệ hiện đại, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISSO, HACCP, đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường, mang lại doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm.

 

Phát huy vai trò tiên phong của đảng viên, năm 2018, ông Nguyễn Hoàng Chương đứng ra thành lập HTX Đồng Din và hợp tác với 16 hộ nông dân, liên kết từ khâu trồng đến chế biến sản phẩm vùng nguyên liệu 30ha. Ông Chương cùng 4 đảng viên trong HTX là những người đi đầu dám làm, dám chịu trách nhiệm trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến sản phẩm. Từ chỗ hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, giá trị kinh tế không cao, khóm Đồng Din bắt đầu tạo thương hiệu, trở thành nông sản có giá trị trên thị trường.

 

Năm 2021, HTX Đồng Din đăng ký các sản phẩm chế biến từ trái khóm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). “Đến nay, 7 sản phẩm từ trái khóm của HTX Đồng Din đều đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3-4 sao. HTX đã phân phối sản phẩm trên hệ thống siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại trên cả nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”, ông Nguyễn Hoàng Chương cho biết.

 

Theo ông Dương Tấn Lộc ở xã Hòa Định Tây, thành viên của HTX Đồng Din, hơn 5 năm trước, khi chưa liên kết trồng khóm với HTX Đồng Din, nông dân trồng khóm luôn thấp thỏm lo khóm rớt giá mỗi khi đến vụ thu hoạch. Nhờ ông Nguyễn Hoàng Chương và các đảng viên trong HTX đi trước dẫn đường, nông dân làm, làng nước theo sau, trái khóm được nâng giá trị, làm ra nhiều sản phẩm OCOP vươn ra thị trường. Đến nay, người trồng khóm yên tâm đầu tư thâm canh theo hướng hữu cơ, được HTX bao tiêu với giá ổn định và luôn có lãi.

 

Đánh giá về mô hình liên kết sản xuất của HTX Đồng Din, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết: “HTX Đồng Din đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung theo chuỗi giá trị từ cung cấp cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Không những tiêu thụ sản phẩm khóm của thành viên, HTX còn tiêu thụ số lượng lớn khóm cho nông dân trồng khóm khu vực huyện Phú Hòa. Việc này giúp hộ thành viên và nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng NTM và NTM nâng cao…”.

 

“Thực hiện Chương trình hành động 11 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 91/KH-UBND ngày 11/5/2021 cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, về tập trung rà soát quy hoạch, định hướng các khu, vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh”, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết và nhấn mạnh, Sở NN&PTNT đã tập trung đẩy mạnh CNH-HĐH gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế. Riêng huyện Phú Hòa đã phát huy được lợi thế phát triển cây khóm trên đất gò đồi, thích nghi với khí hậu khô hạn, hình thành vùng trồng khóm trọng điểm của tỉnh với diện tích gần 900ha, thu nhập từ 100-150 triệu đồng/ha/năm.

 

 

Vùng trồng khóm Đồng Din ban đầu hình thành ở thị trấn Phú Hòa gần 200ha, sau đó mở rộng qua các xã Hòa Định Tây, Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc với diện tích 900ha. Huyện ủy Phú Hòa đã ban hành nghị quyết phát triển vùng trồng khóm gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

 

Theo đó, UBND huyện từng bước cụ thể hóa phát triển vùng nguyên liệu khóm, nâng cao giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Huyện ủy cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, nâng tầm sản phẩm đạt OCOP.

 

Ông Lê Ngọc Tính, Bí thư Huyện ủy Phú Hòa

 

KỲ CUỐI: Thành quả từ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

  

MẠNH HOÀI NAM - NGỌC HÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek