Thứ Bảy, 21/12/2024 23:18 CH
Hiện thực hóa Chương trình hành động 11 của Tỉnh ủy (kỳ 1)
Thứ Năm, 17/08/2023 07:09 SA

Vườn mẫu nông thôn mới của đảng viên hưu trí Nguyễn Ngọc Sơn (bìa phải) ở ngã ba sông. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động về tập trung đẩy mạnh CNH-HĐH gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế (Chương trình hành động 11). Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các cấp, ngành tập trung đẩy mạnh CNH-HĐH, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tích cực.

 

Kỳ 1: Sản xuất nông nghiệp ở vùng đất 3 dòng sông

 

Đồng Xuân có 3 dòng sông Kỳ Lộ, Trà Bương, sông Cô, 2 ngã ba sông và đặc biệt là 11 xã, thị trấn đều có sông chảy qua. Đất ven những dòng sông này phù sa bồi đắp, nông dân trồng rau màu hình thành xứ đồng chuyên canh, tăng thu nhập.

 

Hình thành vùng trồng cây đặc trưng

 

Ngược dòng sông Cô, chúng tôi đến xã Đa Lộc, nơi có hồ chứa nước Kỳ Châu. Từ đây, theo hệ thống kênh mương và bình thông nhau, dòng nước tưới mát cho những cánh rừng trồng cây keo lai, vườn cây ăn trái.

 

Ông Nguyễn Hữu Duy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết hồ Kỳ Châu với hệ thống kênh mương dài khoảng 20km, có khả năng tưới cho 480ha cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 4.100 dân. Dòng nước tự chảy và nước mạch của hồ Kỳ Châu tích trữ, địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng, hình thành các vườn cây ăn trái, hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, vườn của ông Võ Ngọc Sơn và ông Trương Thái Hòa là những vườn mẫu nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, cho thu nhập cao.

 

Chúng tôi xuôi về nơi con sông Cô hòa với sông Kỳ Lộ, cũng là vùng giáp ranh giữa thị trấn La Hai với xã Xuân Sơn Nam và Xuân Sơn Bắc, xung quanh ngã ba sông này phù sa bồi đắp màu mỡ, người dân trồng rau màu và vườn cây ăn trái, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

 

Đảng viên hưu trí Nguyễn Ngọc Sơn là một trong những người đi đầu trong xây dựng vườn mẫu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của xã Xuân Sơn Nam nói riêng, huyện Đồng Xuân nói chung. Vườn mẫu của lão nông dân hơn 50 tuổi Đảng này rộng 1,2ha, trồng 3 loại cây chính là mít, cam và bưởi. Ông Sơn khoe: “Mít trồng trong vườn này hợp với thổ nhưỡng nên ra trái rất đẹp, to bằng thùng gánh nước, cân đầu cân đuôi. Còn bưởi thì tôi phải “chống gậy” cho cây vì trái sai, sợ gãy nhánh… Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu nhập từ vườn mẫu này hơn 300 triệu đồng”.

 

Ngoài vườn mẫu nông thôn mới của gia đình các ông Võ Ngọc Sơn (thôn 2), Trương Thái Hòa (thôn 3, xã Đa Lộc), Nguyễn Ngọc Sơn (thôn Tân Phú, xã Xuân Sơn Nam), trên địa bàn huyện miền núi này còn có 2 vườn mẫu khác cũng đã được công nhận và tiếp tục giữ vững các tiêu chí vườn mẫu nông thôn mới, đó là vườn của gia đình ông Lê Văn Khương và ông Mai Thành Nguyên (cùng ở thôn Phú Hội, xã Xuân Phước). Ngoài ra, hiện có 2 vườn mẫu nông thôn mới nằm dọc bờ sông Cô, đăng ký năm 2023 là vườn ông Lê Văn Sơn (thôn 4, xã Đa Lộc) và vườn ông Dương Lượng (thôn Long Thạch, xã Xuân Long).

 

Ông Huỳnh Tuấn Ân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đồng Xuân cho hay: Cùng với đầu tư hình thành vườn mẫu, lợi thế của vùng đất ven sông, hồ, tích trữ nước bồi đắp phù sa là trồng cây ăn trái. Huyện ủy Đồng Xuân đã ban hành Chương trình hành động tập trung phát triển sản phẩm chủ lực, vùng trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Theo định hướng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh sản phẩm đặc trưng, giai đoạn 2021-2023, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

 

“Năm 2021, huyện triển khai mô hình trồng cây ăn trái, mít Thái, bưởi, dừa xiêm tại xã Đa Lộc với diện tích 18,7ha, với 27 hộ tham gia. Đồng thời triển khai mô hình trồng thâm canh cây mít theo tiêu chuẩn GAP với diện tích 1,42ha tại xã Xuân Quang 2; hỗ trợ cây giống với diện tích 6ha gồm: mít, bưởi da xanh, dừa xiêm lùn tại xã Xuân Sơn Bắc. Năm 2023, Đồng Xuân tiếp tục hỗ trợ giống cây ăn trái trên toàn huyện với diện tích 31,8ha, tương đương 5.550 cây, gồm: mít Thái, bưởi, dừa, nhằm mở rộng diện tích, hình thành vùng trồng cây ăn trái tập trung, tạo ra sản lượng lớn”, ông Ân cho biết.

 

Vườn rau dinh dưỡng trồng ven sông Kỳ Lộ thuộc địa phận thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

 

Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ

 

Bám sát Chương trình hành động 11 của Tỉnh ủy và Chương trình hành động tập trung phát triển sản phẩm chủ lực, vùng trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao của Huyện ủy, UBND huyện Đồng Xuân quyết liệt chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với Sở NN& PTNT hướng dẫn xã Xuân Quang 1 đăng ký Cục Bảo vệ thực vật cấp mới mã số định danh cho 3 vùng trồng đủ điều kiện đáp ứng “Tiêu chuẩn cơ sở về quy trình thiết lập và giám sát mã số vùng trồng dọc bờ sông Kỳ Lộ” để xuất khẩu sang Trung Quốc. Đó là vùng trồng đậu đỏ, với diện tích 12,5ha; ớt chỉ thiên, diện tích 25ha và đậu ván, diện tích 25ha. Cùng với đó, năm 2023, Đồng Xuân triển khai mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao và trồng rau trong hệ thống thủy canh hồi lưu tại xã Xuân Quang 3 để tạo đà phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

 

Xã Xuân Quang 3 có sông Kỳ Lộ và Trà Bương chảy qua, dọc theo bờ sông nhiều người trồng bầu, bí và các loại rau sạch. Chị Lê Thị Ái Linh ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, chia sẻ: Vùng ven sông, qua mùa lụt, nông dân trồng hành, ngò, tỏi, tần ô, xà lách... để cải thiện. Nhà nào cũng có luống rau xanh trên doi đất, nhìn mát mắt, phía trên làm giàn trồng đỗ quyên, bầu bí, khổ qua…

 

Thị trấn La Hai có sông Cô và sông Kỳ Lộ bồi đắp phù sa. Ông Lê Văn Trung ở khu phố Long Hà, thị trấn La Hai, cho hay: Không phải trồng chuyên nghiệp nhưng ven các sông này, nhà nào cũng có vườn rau xanh và đã trở thành phong trào trồng rau sạch. Rau được trồng ở vùng này không bón phân hóa học, chỉ bón phân chuồng, tro bếp. Có rau sạch nhà trồng, ăn ngốn tràm miệng rất là ngon! Rau vườn đem bán chợ gọi là rau nhín. Rau nhín quý vì sản phẩm nhà làm, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.

 

Phong trào trồng rau dinh dưỡng, tự cung cấp cho bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình trên địa bàn huyện Đồng Xuân đang phát triển mạnh. Theo thống kê, toàn huyện có 540ha rau các loại. Ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn rà soát điều kiện sinh thái, đánh giá ưu thế phát triển của từng vùng. Qua đó xác định, Xuân Long, Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 3 và La Hai là các vùng sản xuất rau tập trung. Các địa bàn phù hợp phát triển cây ăn trái là Đa Lộc, Xuân Phước và Xuân Quang 2.

 

Cùng với đầu tư hình thành vườn mẫu, lợi thế của vùng đất ven sông hồ, tích trữ nước bồi đắp phù sa là trồng cây ăn trái. Huyện ủy Đồng Xuân đã ban hành Chương trình hành động 11 tập trung phát triển sản phẩm chủ lực, vùng trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đồng Xuân Huỳnh Tuấn Ân

 

Kỳ 2: Mùa vàng khóm Đồng Din

 

MẠNH HOÀI NAM - NGỌC HÂN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek