Thứ Năm, 31/10/2024 09:21 SA
Phát huy vai trò cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn
Thứ Hai, 16/09/2024 09:24 SA

Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở huyện Đồng Xuân phổ biến các chương trình tín dụng chính sách mới và quy định của ngân hàng để tổ viên nắm bắt, thực hiện. Ảnh: LÊ HẢO

Thời gian qua, mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn có mặt ở khắp các thôn, buôn, khu phố trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn. Những tổ này góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với các đối tượng thụ hưởng kịp thời, thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người vay.

 

“Cánh tay nối dài” của ngân hàng

 

Chị Trần Thị Đào được Hội LHPN phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa) và chị em phụ nữ khu phố 3 của phường này tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) từ năm 2009. Từ đó đến nay, chị luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Theo chị Đào, hằng tháng, qua cuộc họp tổ, chị tập trung tuyên truyền các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến tổ viên; đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của tổ viên để đề xuất cán bộ Hội Phụ nữ phường và cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phụ trách địa bàn có phương án tháo gỡ. Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ của các hộ vay, chị Đào tận tình hướng dẫn cụ thể để tránh sai sót, hộ vay không phải đi lại nhiều lần. Chị cũng cố gắng không để sót trường hợp nào khó khăn mà không được vay vốn.

 

“Qua 15 năm làm tổ trưởng tổ TK&VV, tôi đã giúp nhiều hộ dân ở địa phương tiếp cận nguồn vốn hộ nghèo, cận nghèo, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm... Tổng dư nợ của tổ đến nay gần 2,6 tỉ đồng với 58 hộ vay, không có nợ quá hạn”, chị Đào cho biết.

 

Theo NHCSXH Phú Yên, tổ TK&VV hoạt động tại thôn, buôn, khu phố là nơi tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác cùng chung sống trong khu dân cư, có nhu cầu vay vốn NHCSXH để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; cùng trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời cùng giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng.

 

“Tổ TK&VV được xem là “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với các đối tượng thụ hưởng. Nhờ có tổ TK&VV, hộ vay được thuận lợi trong việc bình xét và thực hiện các thủ tục vay vốn; ngân hàng cũng có thể đưa các nghiệp vụ về cơ sở phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách hiệu quả hơn”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho hay.

 

Hiện toàn tỉnh có 2.252 tổ TK&VV đang hoạt động, dư nợ bình quân hơn 2 tỉ đồng/tổ, tăng 85 triệu đồng so với đầu năm. Trong đó có 1.970 tổ TK&VV không có nợ quá hạn, chiếm tỉ lệ gần 87,5%.

 

Để tổ TK&VV hoạt động hiệu quả

 

Là người có thâm niên làm tổ trưởng tổ TK&VV, chị Lê Thị Huyền Nga ở thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: Để quản lý tổ hiệu quả, trước khi bình xét cho vay, tôi thông tin đầy đủ nội dung chương trình tín dụng chính sách, điều kiện vay vốn, lãi suất cho vay, quy định của ngân hàng về việc trả nợ, gửi tiết kiệm, tham gia sinh hoạt tổ… để hộ vay biết. Nếu họ đồng ý thực hiện thì tổ mới họp bình xét công khai để hoàn thành thủ tục cho hộ vay vốn. Nhờ thống nhất ngay từ đầu nên hầu hết hộ vay thực hiện đúng cam kết, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả; nhiều hộ đã thoát nghèo, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế gia đình.

 

Điển hình như hộ bà Trần Thị Gái, tổ viên của tổ TK&VV do chị Lê Thị Huyền Nga quản lý. Cách đây mấy năm, bà Gái làm hồ sơ vay 50 triệu đồng vốn chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để mua bò về chăn nuôi. Làm ăn hiệu quả, gia đình bà Gái không những trả hết nợ cho ngân hàng mà còn sắm được máy cày để làm dịch vụ; đồng thời có điều kiện sửa lại nhà cửa khang trang. Bà Gái cho biết: Qua những buổi họp thôn, biết NHCSXH cho vay vốn giải quyết việc làm nên tôi nhờ chị Nga hướng dẫn làm hồ sơ vay. Sau khi chúng tôi nhận vốn, chị Nga thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi của chị em trong tổ để mọi người áp dụng. Nhờ vậy, gia đình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả hơn.

 

Hội LHPN Phú Yên hiện quản lý số tổ TK&VV nhiều nhất trên địa bàn tỉnh với 1.023 tổ, chiếm hơn 45,4%. Để các tổ TK&VV hoạt động hiệu quả, theo bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, hội thường xuyên phối hợp với NHCSXH Phú Yên và chính quyền địa phương rà soát, đánh giá hoạt động của tổ định kỳ hằng tháng, qua đó củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ. Hội cũng hướng dẫn ban quản lý tổ làm tốt các khâu bình xét hộ vay, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn hiệu quả, thực hiện trả lãi, trả gốc đúng quy định... Nhờ vậy, tỉ lệ nợ quá hạn của các tổ TK&VV do Hội LHPN tỉnh quản lý ngày càng giảm; số tổ được xếp loại tốt, khá cũng tăng dần.

 

“Bên cạnh kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV, NHCSXH Phú Yên còn tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực của ban quản lý tổ nhằm giúp họ thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý vốn vay, hỗ trợ người vay sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình”, ông Hồ Văn Thục cho biết thêm.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek