Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ ngân hàng và các thành phần tham gia quản lý vốn là việc làm thường xuyên, được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên tổ chức định kỳ hằng năm nhằm cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý vốn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cập nhật kiến thức, kỹ năng
Chị Phạm Thị Bích Thủy ở phường Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa) làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) 15 năm nay. Năm nào, chị cũng tham gia các buổi tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Hội LHPN địa phương tổ chức.
“Thời gian đầu làm nhiệm vụ tổ trưởng tổ TK&VV, vì còn bỡ ngỡ nên tôi tham gia tập huấn để biết thông tin về các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai; cách thức ghi chép, quản lý sổ sách, hồ sơ, biểu mẫu theo quy định của ngân hàng… Về sau, khi đã quen việc, tôi vẫn không bỏ sót buổi tập huấn nào vì mỗi năm, ngân hàng đều triển khai chương trình mới hoặc bổ sung quy định về quy trình nghiệp vụ, lãi suất cho vay, mức vay vốn… cho phù hợp với tình hình thực tế nên tôi muốn cập nhật để phục vụ tốt công việc của mình”, chị Thủy cho hay.
Mới đây, chị Thủy tiếp tục tham gia buổi tập huấn hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách năm 2024 do Hội LHPN TX Đông Hòa phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH thị xã tổ chức.
Tại buổi tập huấn, chị Thủy cùng cán bộ chi, tổ hội phụ nữ cơ sở và tổ trưởng tổ TK&VV trên địa bàn thị xã được cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH thị xã phổ biến các văn bản liên quan đến việc ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; thông tin về các chương trình vay vốn tại ngân hàng; quy trình bình xét cho vay, xử lý nợ của khách hàng vay vốn đi khỏi nơi cư trú…
Dịp này, các chị cũng trao đổi những khó khăn vướng mắc, chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm hay trong quá trình quản lý vốn ủy thác ở cơ sở.
Theo chị Thủy, những buổi tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn như vậy rất quan trọng, giúp chị nắm rõ thông tin để tuyên truyền, giải thích cho các tổ viên trong tổ TK&VV của mình. Nhờ vậy, với 40 hộ vay, dư nợ hơn 2,2 tỉ đồng nhưng tổ TK&VV do chị Thủy quản lý không có nợ quá hạn, cũng không có lãi tồn đọng; hộ vay chấp hành tốt các quy định về trả nợ phân kỳ, trả lãi, đóng tiết kiệm hàng tháng…
Hiện NHCSXH Phú Yên và các phòng giao dịch trực thuộc đang phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho các thành phần tham gia quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, gồm: cán bộ hội đoàn thể cấp xã, tổ TK&VV, trưởng thôn/buôn/khu phố, ban giảm nghèo cấp xã, hội đoàn thể cấp huyện và chủ tịch UBND xã là thành viên ban đại diện HĐQT cấp huyện.
Trước đó, từ đầu tháng 6/2024, NHCSXH Phú Yên cũng đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tất cả cán bộ tín dụng của đơn vị. Như vậy, toàn tỉnh có hơn 5.000 người được tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách xã hội trong năm nay.
Góp phần nâng cao chất lượng tín dụng
Tính đến cuối tháng 5/2024, tổng nguồn vốn ủy thác các hội đoàn thể của tỉnh đang quản lý là hơn 4.586 tỉ đồng với 92.048 hộ còn dư nợ, tăng hơn 160 tỉ đồng, tương đương tăng 3,62% so với đầu năm. Nợ quá hạn còn khoảng 7,3 tỉ đồng, với 368 hộ, chiếm 0,16%. |
Ông Lê Anh Nhàn, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH Phú Yên cho biết: Tại các buổi tập huấn, cán bộ NHCSXH Phú Yên thông tin về những chương trình tín dụng NHCSXH đang triển khai, đồng thời đánh giá kết quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.
Cán bộ ngân hàng cũng trình bày nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý nguồn vốn ủy thác; giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV; hướng dẫn nghiệp vụ xử lý nợ rủi ro; quy trình, phương pháp kiểm tra, giám sát, chấm điểm đánh giá chất lượng hoạt động ủy thác của hội đoàn thể các cấp; sắp xếp, lưu giữ hồ sơ hoạt động của hội đoàn thể, tổ TK&VV… và giải đáp những vướng mắc liên quan. Dịp này, các đại biểu cũng trao đổi, chia sẻ thông tin, cách làm hay, kinh nghiệm trong quá trình quản lý vốn.
Tính đến cuối tháng 5/2024, tổng nguồn vốn ủy thác các hội đoàn thể của tỉnh đang quản lý là hơn 4.586 tỉ đồng với 92.048 hộ còn dư nợ, tăng hơn 160 tỉ đồng, tương đương tăng 3,62% so với đầu năm. Nợ quá hạn còn khoảng 7,3 tỉ đồng, với 368 hộ, chiếm 0,16%.
“Với nguồn vốn ủy thác ngày càng tăng, việc tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách xã hội được thực hiện định kỳ hằng năm sẽ giúp các thành phần tham gia quản lý vốn nắm vững các chương trình tín dụng mà NHCSXH đang triển khai cũng như các quy định, hướng dẫn về hoạt động ủy thác cho vay. Qua đó nâng cao trách nhiệm, kỹ năng quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách; kịp thời thông tin các chương trình tín dụng ưu đãi đến người dân trên địa bàn, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách nhanh chóng tiếp cận, thụ hưởng nguồn vốn… Đồng thời làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn trong thời gian tới”, ông Lê Anh Nhàn cho biết thêm.
LÊ HẢO