Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo ở huyện Đồng Xuân đã đạt những kết quả tích cực. Trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách được xem là đòn bẩy quan trọng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Lê Văn Hải ở xã Xuân Long chăm sóc đàn bò được hình thành từ vốn vay tín dụng chính sách. Ảnh: LÊ HẢO |
Có vốn, có hướng làm ăn
Một ngày bình thường của ông Lê Văn Hải ở thôn Long Thạch, xã Xuân Long bắt đầu bằng việc đi cắt cỏ về cho bò ăn, sau đó đến rẫy keo phát chồi, chăm sóc. Ông Hải cho biết: Bò, keo của gia đình đều hình thành từ vốn tín dụng chính sách. Từ ngày được vay vốn, có hướng làm ăn, tôi không còn phải ly hương làm thuê làm mướn như trước.
Năm 2019, sau một thời gian đi làm ăn xa, thấy tuổi đã lớn, sức khỏe cũng không đảm bảo nên ông Hải muốn tìm việc gần nhà để làm. Qua câu chuyện với một người bạn, ông biết đến các chương trình vay vốn tín dụng chính sách nên hỏi thăm tổ trưởng tổ vay vốn trong thôn rồi đăng ký vay vốn hộ nghèo.
Với 30 triệu đồng tiền vay, ông Hải mua bò về nuôi, tự tạo việc làm cho chính mình. Nuôi đến năm thứ 2, bò sinh sản, ông tiếp tục nuôi lớn, bán lấy tiền trả tiền nợ ngân hàng, giữ lại bò mẹ làm lời. Thoát nghèo, ông Hải được cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo để chăn nuôi tiếp, một phần vốn ông chia ra mua keo giống về trồng. Không phụ công người chăm sóc, đến nay, cả bò lẫn keo của gia đình ông Hải đều phát triển tốt.
Cũng như ông Hải, trước đây, vợ chồng bà Mang Thị Nhím ở xã Xuân Lãnh cũng đi làm thuê kiếm sống, thu nhập rất bấp bênh. Biết được gia đình bà Nhím có nhu cầu vay vốn chăn nuôi, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn đã hỗ trợ gia đình làm thủ tục vay. “Có vốn, mình mua con heo nuôi 2 năm cũng sinh lời, mua con bò nuôi một thời gian thì lãi được bê con. Kinh tế gia đình từ đó ổn định hơn. Không như trước kia, hôm nào có người thuê thì có ăn, còn hôm nào không ai thuê phải chịu đói”, bà Mang Thị Nhím nói.
Theo ông Hồ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh, toàn xã có 8 thôn, trong đó có 4 thôn đồng bào dân tộc thiểu số; đa phần hộ nghèo của xã tập trung ở 4 thôn này. Nghị quyết của Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu giảm nghèo từ 2-3%. Năm 2023, qua rà soát, xã Xuân Lãnh đã giảm nghèo được 4%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Cụ thể, xã giảm được 103 hộ nghèo, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 16,78%.
“Kết quả này có được một phần nhờ người dân của xã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách để trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Ngoài các chương trình tín dụng ưu đãi lâu nay, mới đây, người dân xã Xuân Lãnh còn được vay vốn chương trình tín dụng dành cho người chấp hành xong án phạt tù và chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 28 của Chính phủ. Từ đó, người dân có thêm điều kiện xóa nhà tạm, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống”, ông Hải cho hay.
Đáp ứng nhu cầu vay của người dân
Tại thị trấn La Hai, đầu năm nay, thị trấn có 107 hộ nghèo, được giao chỉ tiêu giảm 34 hộ nghèo. Đến thời điểm này, qua rà soát, địa phương đã giảm được 35 hộ, còn 72 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 2,54%. Về hộ cận nghèo, đầu năm, thị trấn có 306 hộ; đến nay đã giảm 21 hộ, còn 285 hộ, chiếm 10,05%.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND thị trấn La Hai cho biết: Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đồng Xuân đã phối hợp với địa phương nắm bắt nhu cầu vốn của người dân trên địa bàn, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo để bình xét, hướng dẫn cho vay. Trên cơ sở nguồn vốn đó, bà con chủ yếu nuôi bò, trồng keo để có thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước giảm nghèo bền vững.
Để đáp ứng nhu cầu vay của người dân trên địa bàn, năm 2023, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Xuân đã giải ngân hơn 50 tỉ đồng vốn các chương trình giảm nghèo với gần 1.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn. Đến nay, dư nợ các chương trình này khoảng 265 tỉ đồng. “Nguồn vốn tín dụng ưu đãi được các hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn tiếp cận một cách nhanh chóng, thuận lợi; vốn vay được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tại địa phương”, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Xuân cho biết.
Theo ông Hưng, thời gian đến, đơn vị mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục chỉ đạo làm tốt việc tuyên truyền về tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo. Các cơ quan ban ngành phối hợp tư vấn hỗ trợ để người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phải khẳng định rằng, các chương trình tín dụng chính sách là điểm sáng, là trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo đang thực hiện tại địa phương. Năm 2023, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo ở huyện Đồng Xuân từ 10,27% (đầu năm) xuống còn 8,05% (cuối năm), giảm 2,22%, đạt kế hoạch giảm nghèo hằng năm theo Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Xuân |
LÊ HẢO