Thứ Sáu, 04/10/2024 18:34 CH
Tiếp sức cho người dân vùng đặc biệt khó khăn
Thứ Hai, 16/10/2023 09:31 SA

Đoàn khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại hộ vay Nguyễn Văn Bình ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân. Ảnh: LÊ HẢO

Sau hơn 1 năm triển khai, chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã giúp người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện xóa nhà tạm, chuyển đổi nghề, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Đây là một chính sách có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đối với Nhân dân.

 

Cất được cái nhà, mừng lắm!

 

Chị Mô Lô Hờ Lon ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) cho biết như vậy khi cán bộ ngân hàng cùng tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đến nhà kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay sau một thời gian giải ngân.

 

Theo chị Hờ Lon, trước đây, gia đình chị và các anh chị em sống cùng nhà với cha mẹ. Nhà cũ, lại chật chội nhưng họ chưa có điều kiện ra riêng. Mấy năm nay, vợ chồng chị đi làm thuê, dành dụm được ít tiền. Khi nghe tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn giới thiệu về chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị định 28 của Chính phủ, chị đăng ký vay ngay. “Nhờ được ngân hàng cho vay 40 triệu đồng, cộng thêm tiền Nhà nước hỗ trợ và tiền để dành lâu nay, gia đình tôi mới cất được căn nhà riêng. Nếu không có các khoản này, không biết đến khi nào chúng tôi mới có nhà”, chị Hờ Lon chia sẻ.

 

Tại xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), gia đình anh Nguyễn Văn Bình không chỉ được vay vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở mà còn được vay vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Nghị định 28. Chỉ vào căn nhà gạch còn thơm mùi sơn mới, anh Bình cho hay: Trước đây, gia đình 4 người của tôi sống trong căn nhà sàn cũ đã xuống cấp. Vợ tôi hàng ngày đi làm công nhân cho một doanh nghiệp ở huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định), tôi thì làm thuê gần nhà và lo chăm sóc rẫy keo, nuôi bò. Được ngân hàng cho vay vốn, gia đình tôi làm lại nhà mới khang trang, căn nhà cũ sát bên cạnh vẫn giữ lại tận dụng làm nhà bếp. Tôi còn mua thêm bò về nuôi để phát triển đàn. Hiện gia đình tôi đang nợ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) 120 triệu đồng, trong đó có 40 triệu đồng vay để xây nhà, 80 triệu đồng vay nuôi bò. Nợ nhiều nhưng tôi không lo vì chỉ cần sản xuất ổn định, chúng tôi có đủ khả năng trả nợ.

 

Chương trình cho vay ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28 của Chính phủ bắt đầu được giải ngân trên địa bàn tỉnh từ quý IV/2022. Từ đó đến hết tháng 9/2023, NHCSXH Phú Yên đã giải ngân gần 58,1 tỉ đồng cho 1.158 hộ vay vốn. “Cùng với nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách, nguồn vốn cho vay theo Nghị định 28 đem lại hiệu quả rất thiết thực. Đến nay, nguồn vốn này đã giúp 437 hộ có nhà ở ổn định, 714 hộ vay vốn sản xuất kinh doanh chuyển đổi nghề, phát triển kinh tế và 7 hộ vay vốn cải tạo đất sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên khẳng định.

 

Người dân làm thủ tục nhận vốn ưu đãi theo Nghị định 28 tại điểm giao dịch xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân. Ảnh: LÊ HẢO

 

Bình xét cho vay công khai, giải ngân vốn tận xã

 

Theo ông Hồ Văn Thục, Nghị định 28 quy định cụ thể đối với từng mục đích vay, bao gồm cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số, dân tộc Kinh ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi với thủ tục vay vốn đơn giản, lãi suất thấp, thời gian vay dài để chuyển đổi nghề, đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.

 

Về quy trình vay vốn, ông Hồ Văn Thục cho biết: NHCSXH thực hiện cho vay ủy thác một số nội dung công việc qua các tổ chức chính trị - xã hội, đối tượng thụ hưởng có nhu cầu thì viết giấy đề nghị vay vốn gửi đến tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn/buôn. Các hộ vay được tổ, hội đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền cơ sở, trưởng thôn/buôn hướng dẫn gia nhập tổ và bình xét cho vay công khai. Việc vay vốn của các đối tượng thụ hưởng được chính quyền cơ sở giám sát và xét số tiền vay từ khi hộ vay có nhu cầu vay vốn. Sau khi bình xét vay vốn, ban giảm nghèo cấp xã trình UBND cấp xã căn cứ danh sách các đối tượng thụ hưởng xác nhận đề nghị NHCSXH cho vay. Ngân hàng giải ngân vốn tại điểm giao dịch xã, giúp chuyển tải nguồn vốn đến hộ vay một cách nhanh chóng, thuận lợi, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân.

 

Tăng cường tuyên truyền chính sách

 

Mới đây, để nắm bắt tình hình triển khai chính sách tín dụng ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28, đoàn khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh do Trưởng ban Phạm Ngọc Công làm trưởng đoàn đã tổ chức khảo sát tại 3 huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh.

 

Ông Lan Văn Hảng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân cho biết: Ngay khi Chính phủ ban hành chính sách và UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn quy trình rà soát, xác định, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng, đơn vị đã phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Xuân triển khai thực hiện ngay. Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện sớm phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng để NHCSXH có căn cứ cho vay. Mặc dù khó khăn nhưng huyện cũng nỗ lực bố trí ngân sách địa phương đối ứng để hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở khang trang hơn.

 

Theo bà Ka Sô Chiểu, Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 có thời gian cho vay dài, lãi suất thấp, các đơn vị liên quan nên quan tâm tuyên truyền, giúp người dân hiểu được lợi ích của việc vay vốn này để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Đây cũng là chủ trương lớn của Chính phủ nên địa phương cần quan tâm hỗ trợ đất ở, đất sản xuất để bà con thực sự an cư lạc nghiệp. “Chương trình tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình kết thúc mà đời sống của người dân không thay đổi thì chúng ta có tội với Nhân dân”, bà Chiểu nói.

 

Đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 tại các địa bàn khảo sát, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Phạm Ngọc Công đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28; rà soát, tổng hợp đầy đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng được thụ hưởng. NHCSXH quan tâm hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, quy trình vay vốn đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện, đảm bảo công khai minh bạch; thường xuyên kiểm tra, giám sát để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả...

 

Chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị định 28 dành cho các đối tượng là hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tùy mục đích vay vốn, thời hạn cho vay lên đến 15 năm, lãi suất 3%/năm. Riêng lãi suất cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo (lãi suất cho vay hộ nghèo hiện nay là 6,6%/năm).

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek