Từ ngày 8/8/2023, mức cho vay chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được nâng lên tối đa 100 triệu đồng, gấp đôi so với quy định trước đây. Điều này giúp các hộ ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn của tỉnh có thêm điều kiện sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) về chính sách nói trên.
Ông Hồ Văn Thục |
* Thưa ông, ông có thể cho biết những điểm mới của chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo quy định hiện hành?
- Quyết định 17/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 31/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, có hiệu lực thi hành từ ngày 8/8/2023. Quyết định này có một số điểm mới liên quan đến đối tượng, điều kiện vay vốn cũng như mức cho vay và lãi suất.
Cụ thể, theo Quyết định 17, đối tượng được vay vốn là các hộ gia đình (bao gồm cả hộ làm kinh tế trang trại) thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm tại vùng khó khăn và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn theo quy định.
Về điều kiện vay vốn, ngoài 3 điều kiện đã quy định tại Điều 4 Quyết định 31, người vay vốn phải đảm bảo thêm 2 điều kiện. Một là hộ vay không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Hai là hộ vay không có dư nợ tại NHCSXH đối với các chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý và các chương trình tín dụng khác đối với hộ gia đình để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về mức cho vay và lãi suất, Quyết định 17 quy định các hộ được vay tối đa 100 triệu đồng với lãi suất cho vay 9%/năm. Trước đó, Quyết định 31 quy định mức vay tối đa là 30 triệu đồng/hộ với lãi suất 0,9%/tháng (tương đương 10,8%/năm). Sau đó, Quyết định 750/QĐ-TTg ngày 1/6/2015 điều chỉnh lãi suất cho vay 9%/năm và Quyết định 306/QĐ-TTg ngày 26/2/2016 nâng mức vay tối đa lên 50 triệu đồng.
* Vậy theo Quyết định 17, vùng khó khăn được quy định cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Vùng khó khăn được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh bao gồm: Các xã, phường, thị trấn quy định trong danh mục các đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành cho từng thời kỳ; các huyện đảo không có đơn vị hành chính cấp xã nhưng thuộc danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo do Thủ tướng Chính phủ ban hành cho từng thời kỳ; các thôn thuộc danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do cấp có thẩm quyền ban hành cho từng thời kỳ.
Ngoài ra, các đơn vị hành chính thành lập trên cơ sở chia, tách, sáp nhập các đơn vị hành chính thuộc các danh mục nêu trên cũng được hưởng chính sách tín dụng.
Tại Phú Yên, hiện toàn tỉnh có 13 xã vùng khó khăn và 8 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng chính sách tín dụng nói trên. Các xã này gồm: Ea Chà Rang, Sơn Phước, Suối Trai, Krông Pa, Sơn Hội, Cà Lúi, Phước Tân (huyện Sơn Hòa); Ea Bá, Ea Trol, Ea Lâm (huyện Sông Hinh); Xuân Lãnh, Đa Lộc, Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân). 8 thôn đặc biệt khó khăn gồm các thôn Suối Cối 2, Phú Tâm thuộc xã Xuân Quang 1, thôn Kỳ Đu thuộc xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân); buôn Thô, buôn Hai Riêng thuộc thị trấn Hai Riêng và buôn Nhum thuộc xã Ea Bia (huyện Sông Hinh); thôn Dốc Cát thuộc xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa); thôn Lạc Đạo thuộc xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa).
Người dân xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) được vay vốn hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để phát triển sản xuất. Ảnh: LÊ HẢO |
* Thời gian tới, NHCSXH Phú Yên sẽ làm gì để người dân ở các xã vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi với mức vay tăng so với trước, thưa ông?
- Vừa qua, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 17, NHCSXH Phú Yên đã phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn tăng cường tuyên truyền những điểm mới của chính sách này đến đông đảo người dân trên địa bàn. Đồng thời niêm yết cụ thể chính sách tại các điểm giao dịch xã để người dân tiếp cận, đăng ký vay vốn khi có nhu cầu. Chi nhánh cũng quán triệt, triển khai chính sách này đến tất cả cán bộ, nhân viên; tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo quy định mới để thực hiện đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ vay tiếp cận vốn.
Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, NHCSXH Phú Yên còn phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương rà soát, khảo sát nhu cầu vốn của hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để tham mưu, đề xuất trung ương bổ sung vốn, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng.
* Xin cảm ơn ông!
LÊ HẢO (thực hiện)