Ngày 18/4, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tổ chức giám sát việc thực hiện một số chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) giai đoạn 2020-2022.
Theo báo cáo tại buổi giám sát, giai đoạn 2020-2022, mặc dù ảnh hưởng nặng nề dịch bệnh COVID-19, nhưng NHCSXH Phú Yên đã triển khai cho vay các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác kịp thời, hiệu quả. Trong 3 năm, đơn vị đã cho vay trên 104.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay gần 3.961 tỉ đồng, doanh số thu nợ hơn 2.974 tỉ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giúp hơn 43.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 17.900 lao động, giúp hơn 9.900 lượt hộ gia đình vùng khó khăn vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, hơn 11.500 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập… Chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được duy trì ổn định, tỉ lệ nợ quá hạn trong tầm kiểm soát ở mức 0,2%.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, NHCSXH Phú Yên mong muốn đoàn giám sát kiến nghị trung ương sớm ban hành chính sách cho vay xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo; xem xét, bổ sung đối tượng cho vay đối với hộ có mức sống trung bình được vay vốn sản xuất kinh doanh, hộ có mức sống trung bình ở khu vực đô thị được vay vốn học sinh sinh viên, bổ sung đối tượng thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… Đồng thời điều chỉnh nâng mức cho vay đối với các chương trình có mức vay còn thấp, chưa phù hợp với nhu cầu đầu tư và biến động của giá cả thị trường. Ngân hàng cũng kiến nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục cân đối ưu tiên bố trí ngân sách ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác năm sau cao hơn năm trước; phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15% tổng nguồn vốn…
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Hồ Hồng Nam, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng các chương trình tín dụng chính sách với đối tượng vay vốn là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, sau đợt giám sát, đoàn sẽ báo cáo, tham mưu Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để việc triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh ngày càng thuận lợi.
LÊ HẢO