Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Hòa (NHCSXH huyện Phú Hòa), những năm qua, hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện đã có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn vốn chính sách đã trở thành đòn bẩy giúp nhiều gia đình có điều kiện mở rộng sản xuất, khôi phục làng nghề, nâng cao chất lượng đời sống.
3 năm, hơn 11.700 lượt hộ được vay vốn
Cách đây 10 năm, gia đình chị Nguyễn Thị Nhanh ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, là một trong những hộ được vay vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện Phú Hòa theo dự án khôi phục làng nghề bó chổi đót. Với vốn vay 20 triệu đồng, chị Nhanh có điều kiện duy trì, phát triển nghề, tăng thu nhập cho gia đình. “Sau khi trả hết vốn, tôi được ngân hàng cho vay lại để nuôi bò, rồi vay vốn học sinh, sinh viên cho con đi học. Nhờ vậy, con tôi được học hành đến nơi đến chốn, kinh tế gia đình cũng ổn định hơn trước. Hiện tôi tiếp tục vay vốn chính sách để đầu tư chăn nuôi. Nguồn vốn này phần nào giúp gia đình vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giá cả vật nuôi không ổn định những năm vừa qua”, chị Nhanh chia sẻ.
Giai đoạn năm 2020-2022, kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, lũ lụt, thiên tai diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng khác. Trong bối cảnh này, NHCSXH huyện Phú Hòa đã giải ngân hơn 391 tỉ đồng cho 11.731 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. “Toàn huyện Phú Hòa có 31.668 hộ dân. Như vậy, cứ 10 hộ trên địa bàn thì có gần 4 hộ được vay vốn tín dụng chính sách. Đến 31/12/2022, tổng dư nợ tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện hơn 440,3 tỉ đồng, tăng hơn 134,8 tỉ đồng so với đầu năm 2020, tỉ lệ tăng trưởng 30,61%, với 11.028 hộ còn dư nợ”, ông Bùi Ngọc Khiết, Giám đốc NHCSXH huyện Phú Hòa cho biết.
Theo ông Bùi Ngọc Khiết, giai đoạn 2020-2022, nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm đã giúp hơn 1.000 lao động có việc làm, góp phần tăng thu nhập, giảm tỉ lệ thất nghiệp, đồng thời giúp duy trì phát triển các làng nghề truyền thống như: làng nghề bánh tráng, làm bún, bó chổi ở huyện... Ngoài ra, trong năm 2022, NHCSXH huyện Phú Hòa còn triển khai nhiều chương trình cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ như cho vay hỗ trợ tạo việc làm; cho vay học sinh, sinh viên mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; cho vay cơ sở giáo dục mầm non bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; cho vay nhà ở xã hội… nhằm giúp người dân trên địa bàn vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo
Ông Đinh Công Thạch, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện HĐQT NHCSXH huyện Phú Hòa, khẳng định: Địa phương đánh giá cao các chương trình tín dụng do NHCSXH huyện triển khai, xem đây là kênh hữu hiệu giúp người nghèo, yếu thế có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Thực tế cho thấy, những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần rất lớn trong việc giảm tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương. Nhiệm kỳ trước, hàng năm, tỉ lệ hộ nghèo của huyện đều giảm hơn 1%/năm, đầu nhiệm kỳ là 5,9%, cuối nhiệm kỳ còn 1,07%. Nhiệm kỳ này, tỉ lệ hộ nghèo đầu nhiệm kỳ là 4,39%, hiện nay còn 3,11% với 984 hộ.
Để nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện phát huy hiệu quả hơn nữa, lãnh đạo huyện Phú Hòa đã chỉ đạo các hội đoàn thể tích cực phối hợp thực hiện các nội dung ủy thác với NHCSXH, xem nội dung quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách là việc làm thường xuyên và nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động. Huyện cũng yêu cầu các hội đoàn thể và UBND các xã, thị trấn làm tốt công tác bình xét cho vay, công khai dân chủ, đúng đối tượng thụ hưởng, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đến với người dân.
“Ngoài ra, địa phương còn quan tâm trích ngân sách huyện ủy thác NHCSXH cho vay. Những năm trước, huyện ủy thác 1 tỉ đồng, năm 2022 tăng lên 1,5 tỉ đồng, và năm nay là 2 tỉ đồng. Đây là nỗ lực không nhỏ của huyện Phú Hòa trong bối cảnh nguồn lực địa phương có hạn”, ông Đinh Công Thạch cho biết thêm.
Chủ trì buổi giám sát kết quả thực hiện tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của NHCSXH huyện Phú Hòa giai đoạn 2020-2022, ông Hồ Hồng Nam, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ghi nhận những nỗ lực trong việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người dân trên địa bàn huyện Phú Hòa. Thời gian tới, ông Nam đề nghị địa phương tiếp tục nâng mức ủy thác vốn, MTTQ và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên tham gia gửi các nguồn tài chính nhàn rỗi vào NHCSXH nhằm góp thêm nguồn lực để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác… |
LÊ HẢO