Thời gian qua, bên cạnh nguồn vốn phân bổ từ trung ương và nguồn vốn ủy thác từ địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) còn tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân cùng tiền gửi của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn.
Hoạt động này góp phần bổ sung nguồn vốn để hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh vay, giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Hình thành thói quen tiết kiệm
Ngày NHCSXH Phú Yên tổ chức phiên giao dịch xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), ông Lương Văn Nông ở thôn Minh Đức đem tiền nhàn rỗi của gia đình gửi tiết kiệm. Nhận sổ tiết kiệm màu hồng do nhân viên NHCSXH Phú Yên trao, ông Nông khoe: “Hồi giờ tôi chỉ gửi NHCSXH chứ không đứng núi này trông núi nọ”.
Theo ông Nông, trước đây, ông cũng từng là hộ vay chính sách nên hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của người thiếu vốn, nhất là ở vùng nông thôn. Do đó, khi được NHCSXH tạo điều kiện cho vay, rồi bản thân lại được tin tưởng giao làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, ông Nông mong muốn sẽ góp sức mình để giúp đỡ lại những người khó khăn. Vì vậy, khi gia đình nỗ lực làm ăn, buôn bán có dư, ông không những gương mẫu trả nợ đúng hạn, mà còn tích lũy để dành gửi tiết kiệm, góp thêm nguồn vốn để ngân hàng cho người khác vay.
Không chỉ huy động tiết kiệm từ dân cư, NHCSXH Phú Yên còn đẩy mạnh tuyên truyền để hộ vay gửi tiết kiệm hàng tháng qua tổ. Chị Nguyễn Thị Mỹ Phương, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn 3, xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) cho biết: Khi tự nguyện gia nhập vào tổ, ngoài việc cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, các thành viên trong tổ còn được tuyên truyền, hướng dẫn tham gia gửi tiết kiệm. Số tiền này sẽ giúp người dân trả dần nợ gốc trong thời gian vay. Thực tế cho thấy, khi hộ vay vốn chính sách biết cách tiết kiệm kết hợp với sử dụng vốn vay đúng mục đích thì tỉ lệ thoát nghèo sẽ cao và bền vững hơn.
Bà Bùi Thị Lặc ở thôn 3, xã Đa Lộc, là hộ vay thuộc tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Nguyễn Thị Mỹ Phương làm tổ trưởng. Theo bà Lặc, bà được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Xuân cho vay 80 triệu đồng chương trình tín dụng hộ cận nghèo để nuôi bò, trồng keo. Số tiền vay lớn nhưng nhờ gia đình sản xuất hiệu quả, cộng với việc bà gửi tiết kiệm qua tổ 100.000-200.000 đồng/tháng, lúc có nhiều thì gửi nhiều hơn nên mỗi khi đến hạn trả nợ phân kỳ, gia đình nhẹ gánh phần nào. “Tôi rất thích hình thức gửi góp qua tổ hàng tháng vì phù hợp với khả năng, điều kiện của gia đình. Cũng nhờ như vậy mà tôi có thói quen tiết kiệm, tích lũy cho tương lai”, bà Lặc chia sẻ.
Góp phần thực hiện công tác giảm nghèo
Theo NHCSXH Phú Yên, tính đến hết tháng 3/2023, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương được trung ương cấp bù lãi suất gần 580 tỉ đồng, tăng 20 tỉ đồng (tỉ lệ tăng trưởng 3,6%) so với đầu năm. Việc huy động tiền gửi tiết kiệm từ các tổ chức, cá nhân đã giúp chi nhánh NHCSXH Phú Yên chủ động hơn về nguồn vốn để cho vay các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương, giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, việc tổ viên gửi tiền tiết kiệm hàng tháng theo quy ước hoạt động của tổ sẽ giúp người vay từng bước hình thành thói quen tích lũy trả nợ dần, giảm bớt gánh nặng khi khoản vay đến hạn. Đến nay, toàn tỉnh có gần 86.000 hộ có số dư tiền gửi, chiếm gần 97% tổng số hộ vay vốn.
Vừa qua, NHCSXH Việt Nam giao chỉ tiêu năm 2023 huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân 25 tỉ đồng, nhận tiền gửi từ tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn 15 tỉ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ này, NHCSXH Phú Yên yêu cầu trong các buổi giao dịch, cán bộ ngân hàng không chỉ thực hiện nhiệm vụ giải ngân, thu gốc và lãi định kỳ mà còn tuyên truyền, hướng dẫn người dân gửi tiền tiết kiệm vì người nghèo thông qua các tổ chức hội, đoàn thể. Bên cạnh đó, hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn tiếp tục tuyên truyền, vận động hộ vay tham gia tiền gửi tiết kiệm hàng tháng; đồng thời tuyên truyền về việc gửi tiết kiệm, sản phẩm tiết kiệm gửi góp linh hoạt đến hội viên, người dân trên địa bàn.
“Sắp tới, NHCSXH Phú Yên sẽ phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai tuyên truyền, mở rộng cuộc vận động vì người nghèo nhằm bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng. Chúng tôi cũng kiến nghị ngoài nguồn vốn bổ sung từ ngân sách địa phương hàng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, các sở, ban ngành, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh gửi các khoản tiền nhàn rỗi, các quỹ chưa sử dụng của đơn vị vào NHCSXH để tăng cường nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết.
Tôi rất thích hình thức gửi góp qua tổ hàng tháng vì phù hợp với khả năng, điều kiện của gia đình. Cũng nhờ như vậy mà tôi có thói quen tiết kiệm, tích lũy cho tương lai.
Bà Bùi Thị Lặc ở thôn 3, xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân |
LÊ HẢO