Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để phát triển kinh tế, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) đã tích cực phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương triển khai hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.
Gần 9.000 lao động được vay
Bà Đào Thị Mai (thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) năm nay 75 tuổi. Hàng ngày, bà vẫn đến một cơ sở làm chổi đót trong thôn để tước đót, kiếm thêm thu nhập. Bà Mai cho biết: Tôi làm lai rai, tùy sức; ngày ít được vài chục, ngày nhiều được cả trăm ngàn đồng. Già rồi, không làm nông được nữa nhưng nhờ công việc này mà tôi có tiền chi dùng, không phiền đến con cháu.
Không riêng bà Mai, các cơ sở làm chổi đót ở làng nghề bó chổi Mỹ Thành, xã Hòa Thắng đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Nguồn vốn để hỗ trợ các cơ sở này đến từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH. Theo chị Phạm Thị Út Loan (sinh năm 1984), chủ một cơ sở làm chổi đót ở thôn Mỹ Thành, trước đây, với dự án phát triển làng nghề, các hộ tham gia được vay NHCSXH 20 triệu đồng/hộ. Số vốn này không lớn nhưng đã trở thành vốn mồi để bà con mạnh dạn đầu tư làm nghề, gắn bó với quê hương chứ không đi làm ăn xa xứ.
“Gia đình tôi là một trong những hộ được vay vốn giải quyết việc làm theo dự án phát triển làng nghề khi đó. Mấy năm sau, khoản vay đến hạn, chúng tôi trả đủ rồi được cho vay lại để tiếp tục làm nghề. Hiện tôi vay NHCSXH 40 triệu đồng, chủ yếu dùng số tiền này để mua đót nguyên liệu về sản xuất. Cơ sở bó chổi của gia đình tôi đang giải quyết việc làm cho 8-10 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng”, chị Loan chia sẻ.
Bà Hồ Thị Nguyệt (thôn Sơn Thọ, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa) cũng là một trong những người được thụ hưởng nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm. Theo bà Nguyệt, bà được Hội LHPN xã Hòa Kiến hướng dẫn làm hồ sơ vay 30 triệu đồng từ NHCSXH Phú Yên. Với số tiền này, ban đầu, bà mua bò về nuôi; phần còn dư thì gầy đàn gà, vịt và làm vườn. “Ở quê, đất rộng, có điều kiện trồng trọt, chăn nuôi; chỉ thiếu vốn. Vì vậy, khi được NHCSXH Phú Yên quan tâm cho vay vốn giải quyết việc làm, tôi không bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế gia đình. Góp nhặt từ trồng rau, nuôi bò mỗi thứ một ít, chúng tôi có tiền nuôi con ăn học, cải thiện cuộc sống”, bà Nguyệt nói.
Theo NHCSXH Phú Yên, năm vừa qua, chi nhánh đã giải ngân hơn 406 tỉ đồng cho 8.968 lao động vay vốn giải quyết việc làm, chiếm 25,4% tổng doanh số giải ngân các chương trình tín dụng chính sách trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Hai tháng đầu năm nay, NHCSXH Phú Yên tiếp tục cho 1.615 lao động vay vốn này với tổng doanh số 75 tỉ đồng.
Kiến nghị tiếp tục bổ sung vốn
“Nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, từ đó hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đẩy lùi tín dụng đen ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, nguồn vốn này còn giúp người dân thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho gia đình, để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên nhận định.
Với hiệu quả mà nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm mang lại, nhu cầu vay vốn này hiện nay rất lớn, trong khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ. Bà Đào Thị Nữ, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng cho hay: Hiện nay, người dân làng nghề rất cần được vay vốn giải quyết việc làm và vay với mức cao hơn để mở rộng hoạt động, tạo thêm việc làm cho nhiều người dân địa phương, nhất là phụ nữ, người lớn tuổi. Tuy nhiên, nguồn vốn được bố trí không thấm vào đâu.
Liên quan đến vấn đề này, theo ông Hồ Văn Thục, không chỉ người dân làng nghề mà sau đại dịch COVID-19, một bộ phận không nhỏ người lao động bị mất việc làm từ các thành phố, khu công nghiệp trở về địa phương cũng có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm. Trong khi nguồn vốn phân bổ từ trung ương, cũng như vốn ủy thác địa phương có hạn nên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của bà con.
“Xác định cho vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình quan trọng, giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian tới, NHCSXH Phú Yên sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB-XH rà soát số lượng người lao động trên địa bàn tỉnh chưa có việc làm, có nhu cầu vay vốn để tham mưu xây dựng kế hoạch phân bổ vốn. Chi nhánh cũng kiến nghị trung ương tạo điều kiện bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của người lao động; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục xem xét ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương để tăng cường nguồn vốn cho vay, góp phần thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh”, ông Thục nói.
Nguồn vốn giải quyết việc làm giúp người dân thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho gia đình, để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên |
LÊ HẢO