Mặc dù gặp nhiều khó khăn về hạ tầng công nghệ, con người, nguồn lực… khi thực hiện chuyển đổi số (CĐS), nhưng huyện Đồng Xuân đã nỗ lực tạo sức bật cho huyện nhà từ CĐS.
Bà con đồng bào ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân tiếp cận với chuyển đổi số thông qua các ứng dụng số từ điện thoại thông minh. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG |
Tập trung chỉ đạo, thực hiện
Xác định tầm quan trọng của CĐS, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo CĐS trên địa bàn nhằm thúc đẩy CĐS, tạo đột phá phát triển trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội của địa phương; đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, huyện cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, các lĩnh vực ưu tiên để các địa phương có cơ sở triển khai CĐS.
Xây dựng chính quyền điện tử là một trong những hoạt động được huyện Đồng Xuân tập trung thực hiện trong thời gian vừa qua, đến nay đã đem lại nhiều kết quả. Hiện nay, tất cả cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước đều được trang bị máy vi tính làm việc; tỉ lệ máy vi tính có kết nối internet đạt 100%; hệ thống hạ tầng mạng LAN, WAN kết nối thông suốt giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện, UBND các xã, thị trấn.
UBND huyện đã trang bị phòng họp trực tuyến, kết nối qua đường truyền mạng chuyên dùng phục vụ giao ban trực tuyến với UBND tỉnh; thiết bị an toàn, an ninh thông tin, tường lửa được đảm bảo; các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn chủ động trang bị phần mềm diệt vi rút. Tất cả cơ quan, đơn vị đều ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành iOffice; ứng dụng phần mềm quản lý hộ tịch tại phòng tư pháp và UBND các xã, thị trấn; triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa huyện và UBND các xã, thị trấn đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, công dân. Ngoài ra, các phần mềm ứng dụng chuyên ngành thuộc các lĩnh vực lao động - thương binh - xã hội, tài nguyên - môi trường, xây dựng, tài chính… cũng được đưa vào khai thác.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Trần Quốc Huy cho hay: Nhằm mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều phần việc, trong đó tập trung xây dựng chính quyền điện tử.
Đến nay, huyện đã có 493 tài khoản phần mềm quản lý văn bản điều hành cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo hoạt động gửi/nhận, xử lý văn bản điện tử của các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn; cấp 501 địa chỉ thư điện tử công vụ để xử lý, trao đổi tài liệu, thông tin trong công việc; 100% văn bản điện tử gửi/nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước được ký số thay thế văn bản giấy (trừ văn bản mật).
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục được ứng dụng hiệu quả, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cập nhật 100% lên hệ thống; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, trực tuyến một phần tại UBND huyện và UBND các xã, thị trấn.
“Năm 2023, toàn huyện phát sinh 1.458/1.604 hồ sơ trực tuyến, đạt tỉ lệ 90,8%; tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đạt trên 80%; tỉ lệ thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính trên toàn huyện đạt trên 40%... Điều này thể hiện việc xây dựng chính quyền điện tử của địa phương đã có được những kết quả ban đầu, là tiền đề để tiếp tục nỗ lực trong thời gian tới”, ông Huy thông tin.
Mang tiện ích số đến người dân
Là địa phương được chọn làm điểm trong CĐS, thị trấn La Hai đã có nhiều cố gắng trong công tác này trên địa bàn, tiêu biểu nhất là việc địa phương này ký kết hợp tác với Viettel Phú Yên thực hiện CĐS.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND thị trấn La Hai cho biết: Sau khi ký kết, có sự hỗ trợ tích cực từ Viettel Phú Yên, việc thực hiện CĐS trên địa bàn đã có nhiều tiến triển. Tất cả cán bộ phụ trách CĐS của thị trấn và các khu phố, các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng đã được tập huấn quy trình, cách hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng khai thác các ứng dụng số, trong đó tập trung vào việc thanh toán không dùng tiền mặt và nộp hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến…
Đặc biệt, hiện nay, hầu hết các cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, các tiểu thương mua bán ở chợ đều có tài khoản thanh toán bằng mã QR. Chúng tôi đang tiếp tục vận động các chủ quán ăn, cơ sở dịch vụ nhỏ… mở tài khoản QR code để từng bước tiến tới việc thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu của CĐS. Ngoài ra, trong quý I/2024, thị trấn cũng chuyển đổi từ biên lai giấy sang biên lai điện tử cho tất cả các loại dịch vụ có thu phí tại các đơn vị hành chính nhà nước.
Theo ông Huỳnh Thanh Hà ở thị trấn La Hai, hiện nay hầu hết các thủ tục hành chính đơn giản bà con đều được cán bộ hướng dẫn nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, sau đó chỉ cần đợi kết quả trả về. Bà con không còn phải vất vả đi lại nhiều lần, vô cùng tiện ích.
Còn đối với chị La O Thị Tím ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), gần 1 năm nay, từ khi được cán bộ hướng dẫn cách cài đặt, sử dụng các ứng dụng số trên điện thoại thông minh, chị đã tiếp cận được nhiều tiện ích số.
“Mỗi tháng tôi chỉ cần vài thao tác trên ứng dụng chăm sóc khách hàng của ngành Điện cài đặt sẵn trên điện thoại là thanh toán xong tiền điện của gia đình. Đôi khi tôi còn chọn mua một số đồ dùng cho mình và các con cũng chỉ với vài thao tác trên điện thoại là đã có người giao đến tận nơi… Chưa bao giờ bà con đồng bào ở vùng sâu vùng xa lại thấy mình được kết nối thông tin với xã hội dễ dàng như bây giờ, tất cả là nhờ CĐS”, chị La O Thị Tím cho biết.
Chưa bao giờ bà con đồng bào ở vùng sâu vùng xa lại thấy mình được kết nối thông tin với xã hội dễ dàng như bây giờ, tất cả là nhờ chuyển đổi số.
Chị La O Thị Tím, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân |
THỦY TIÊN