Chủ Nhật, 08/12/2024 07:30 SA
Tìm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho huyện miền núi Sông Hinh
Thứ Bảy, 04/11/2023 10:50 SA

Là huyện miền núi của tỉnh với điều kiện kinh tế, dân trí… còn thấp, nên việc triển khai chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy CĐS, huyện Sông Hinh đã phối hợp với Sở TT&TT tổ chức hội thảo CĐS giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Nhiều góp ý của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, những cán bộ trực tiếp triển khai công tác này đã được đưa ra. Báo Phú Yên lược ghi một số góp ý tại hội thảo.

 

ÔNG ĐINH NGỌC DẠN, CHỦ TỊCH UBND HUYỆN SÔNG HINH: Tập trung nguồn lực thực hiện chuyển đổi số

 

CĐS là quá trình khách quan, đã và đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Để không bị bỏ lại phía sau, kịp thời nắm bắt cơ hội, đưa huyện Sông Hinh phát triển nhanh, đạt mục tiêu mà Nghị quyết 24-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Phú Yên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đề ra, địa phương đang nỗ lực vượt qua thách thức, tích cực triển khai nhiều giải pháp, tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác này.

 

Với việc xác định CĐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo huyện đã quán triệt, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng CĐS toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước. Giai đoạn này, địa phương tập trung xây dựng chính quyền điện tử bằng việc phổ cập cho cán bộ công chức sử dụng Hệ thống quản lý văn bản điều hành iOffice phiên bản V5 đạt 100%, góp phần hoàn thiện Hệ thống gửi, nhận văn bản liên thông từ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, đến cơ sở và ngược lại; vận hành Hệ thống truyền hình trực tuyến kết nối từ trung ương đến cấp xã, thư điện tử công vụ, chữ ký số… Đồng thời, huyện cũng đang ứng dụng thử nghiệm các phần mềm công nghệ được hỗ trợ miễn phí từ nhiều doanh nghiệp công nghệ để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện hữu, từ đó hoàn thiện giải pháp đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chỉ số đánh giá mức độ CĐS huyện Sông Hinh trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

 

ÔNG ĐÀO DUY SƠN, QUẢN LÝ KINH DOANH, CÔNG TY CP CÔNG NGHỆ SỐ THÔNG MINH ĐÀ NẴNG: Đặt nền móng cho nền nông nghiệp số

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy huyện Sông Hinh là vùng chuyên canh cây nông nghiệp với diện tích cây trồng rất lớn, nhiều loại cây trồng có giá trị đang được người dân và chính quyền địa phương phát triển. Để hỗ trợ bà con nông dân thuận tiện hơn trong quản lý sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đã xây dựng phần mềm nhật ký điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp. Giải pháp này hướng đến mục tiêu hỗ trợ cho các chủ trang trại, người nông dân trong cả nước cũng như của huyện Sông Hinh có được giải pháp công nghệ để ứng dụng vào quá trình sản xuất nông nghiệp. Giải pháp này sẽ giúp quản lý toàn bộ nhật ký trong suốt quá trình sản xuất từ đó hỗ trợ nông dân theo dõi và có kế hoạch sản xuất đạt hiệu quả cao nhất; đồng thời hỗ trợ người tiêu dùng, đơn vị tiêu thụ sản phẩm dễ dàng truy xuất nguồn gốc, theo dõi quá trình chăm sóc từ lúc trồng đến khi thu hoạch, giúp minh bạch quá trình sản xuất nông sản, đảm bảo niềm tin cho người dùng. Hiện nay, phần mềm này đang được công ty triển khai trên các vùng nông nghiệp ở Đắk Lắk và đã cho hiệu quả bước đầu.

 

Đồng hành cùng với huyện Sông Hinh thực hiện CĐS lĩnh vực nông nghiệp, công ty đang hỗ trợ miễn phí phần mềm nhật ký điện tử trong sản xuất nông nghiệp cho 5 hộ nông dân tại địa phương. Công ty cũng cử nhân sự trực tiếp tập huấn, hướng dẫn chi tiết cho bà con sử dụng thành thạo phần mềm này. Chúng tôi xem đây như là mô hình điểm làm nền móng ban đầu, từ đó sẽ nhân rộng trong toàn huyện Sông Hinh cũng như tỉnh Phú Yên, để từng bước hình thành nền nông nghiệp số, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương, tăng tính cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào những thị trường khó tính.

 

ÔNG HUỲNH GIA PHÚC, TRƯỞNG PHÒNG ĐIỀU HÀNH NGHIỆP VỤ TRUNG TÂM KINH DOANH VNPT PHÚ YÊN: Không dùng tiền mặt - bước đầu xây dựng xã hội số

 

Thời gian gần đây, khái niệm không dùng tiền mặt được nói đến rất nhiều và cũng đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên ở nhiều khu vực, việc không dùng tiền mặt vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, nhất là ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa khi điều kiện về hạ tầng công nghệ còn thiếu và yếu. Chính vì vậy, giải pháp VNPT Money của đơn vị sẽ giúp khắc phục những vấn đề này.

 

VNPT Money là giải pháp thanh toán không tiền mặt đơn giản, an toàn, tiện lợi với nhiều hình thức như thanh toán qua Mobile Money, ví điện tử, tài khoản ngân hàng, đáp ứng mọi nhu cầu thanh toán hàng ngày và phù hợp cho mọi đối tượng. Đặc biệt, khi mọi người sử dụng ứng dụng Mobile Money của VNPT không bắt buộc liên kết với tài khoản ngân hàng, không cần kết nối internet, không cần điện thoại thông minh.

 

Ở bất kỳ đâu, chỉ cần có sóng điện thoại và một chiếc điện thoại phổ thông (điện thoại thông thường) thì mọi người có thể thực hiện thanh toán mọi lúc, mọi nơi vô cùng thuận tiện và phù hợp với những địa phương ở vùng miền núi, nơi tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh còn thấp, hạ tầng công nghệ còn thiếu. Nếu giải pháp này được ứng dụng rộng rãi trong đời sống thì sẽ góp phần thúc đẩy việc không dùng tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày của người dân ở các vùng miền núi nói chung, ở huyện Sông Hinh nói riêng, góp phần thực hiện mục tiêu xã hội số của địa phương.

 

ÔNG VŨ THANH LONG, TRƯỞNG BỘ PHẬN TƯ VẤN CÔNG TY CP ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ FSI TP HỒ CHÍ MINH: Số hóa dữ liệu, nâng cao hiệu quả quản lý

 

Số hóa dữ liệu được coi là tiền đề trong quá trình CĐS hiện nay. Các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình CĐS không thể bỏ qua số hóa dữ liệu bởi việc này sẽ giúp chuyển đổi các dạng dữ liệu truyền thống như hồ sơ, giấy tờ, tài liệu lưu trữ, văn bản, tranh ảnh, bản đồ… từ bản cứng thành các định dạng dữ liệu kỹ thuật số, có thể quản lý, sử dụng trên môi trường điện tử và tìm kiếm online.

 

Đặc biệt hiện nay, các địa phương đang tập trung đẩy mạnh tốc độ CĐS, hoàn thành nhiều chỉ tiêu về CĐS các cấp giao thì yêu cầu số hóa dữ liệu sẽ càng trở nên cấp thiết. Khi dữ liệu được số hóa lưu trữ, bóc tách, phân loại các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức có thể dễ dàng tìm kiếm, kiểm soát, quản lý thông tin, văn bản, tài liệu một cách nhanh chóng, tiện lợi nhất. Khi đó, cán bộ, người phụ trách dễ dàng truy cập tài liệu mọi lúc mọi nơi, phá vỡ rào cản về không gian, thời gian, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý công tác chuyên môn, ra quyết định...

 

Đồng thời, dữ liệu được số hóa còn giúp các cơ quan, đơn vị tiết kiệm chi phí nhờ cắt giảm in ấn, loại bỏ chi phí lưu trữ, bảo quản tài liệu thủ công; đảm bảo an toàn cho tài liệu, tránh mất mát, hư hỏng và đảm bảo an toàn thông tin cho các đơn vị, tổ chức; tối ưu hóa quy trình làm việc, nâng cao khả năng phối hợp và năng suất cán bộ nhờ tra cứu, chia sẻ thông tin dễ dàng, nhanh chóng. Ngoài ra, số hóa dữ liệu còn giúp tạo lập cơ sở dữ liệu điện tử dùng chung, sẵn sàng cho các giai đoạn triển khai tiếp theo của lộ trình CĐS lấy dữ liệu làm trung tâm.

 

THỦY TIÊN (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek