Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Tuấn Hoa, thành viên Tổ tư vấn Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia (Bộ TT&TT) tại hội nghị CĐS và truyền thông báo chí do Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh vừa tổ chức. Nhân hội nghị này, TS Nguyễn Tuấn Hoa đã có những trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh công tác CĐS của tỉnh hiện nay.
* Hiện nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu đúng, rõ, chính xác về CĐS. Là chuyên gia trong lĩnh vực này, ông có thể cho biết cụ thể hơn về CĐS?
- Từ ngàn đời nay, con người luôn mong muốn tạo ra những loại máy móc có thể làm thay con người. Bắt đầu từ lao động thủ công chân tay, đến máy cơ giới, rồi là cơ điện, máy tính điện tử, và bây giờ là những loại máy móc, robot có thể làm thay nhiều việc mà con người không làm được. Trong tiến trình này, con người xây dựng những quy trình làm việc, hoạt động mới thay thế cho những cái cũ nhưng mang lại hiệu quả cao hơn hẳn. Con người cũng chuyển dịch dần từ cách làm cũ sang cách làm mới với sự hỗ trợ của công nghệ. Trong quá trình chuyển đổi này con người đã thay đổi thói quen, cách sống, cách làm việc, cách giao tiếp… đó chính là CĐS.
Vậy nên CĐS về bản chất của nó là chuyển đổi phương thức sản xuất của xã hội, nó chuyển đổi từ cách mọi người đang làm hiện nay sang một cách làm mới dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ số. Cách làm mới này tạo ra năng suất lao động tăng vượt trội, có thể tăng gấp vài lần, đó chính là CĐS.
TS Nguyễn Tuấn Hoa |
* Ông nhận xét gì về công tác CĐS của Phú Yên hiện nay?
- Là một người con của Phú Yên, tôi thường xuyên theo dõi, quan tâm đến công tác CĐS của quê nhà, và nhận thấy thời gian qua, Phú Yên có rất nhiều chương trình, nội dung triển khai CĐS một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Nhiều địa phương có thể đang rất nóng ruột để thực hiện CĐS nên quá trình thực hiện đôi khi chưa xoáy sâu vào bản chất của nó, chưa nhìn thấy chìa khóa giúp tìm ra và áp dụng được những cơ chế tự động thông minh vào thực tiễn để thay đổi quy trình sản xuất, hoạt động, quản lý hiện tại. CĐS trong tất cả các lĩnh vực là điều tất yếu, tuy nhiên để sớm thành công nên ưu tiên những lĩnh vực mạnh, trọng yếu của địa phương. Bởi khi triển khai đồng loạt sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như thiếu nhân lực, hạ tầng, chính sách, nguồn lực… Thay vì thực hiện CĐS dàn trải, chúng ta nên tập trung làm điểm ở một vài lĩnh vực nổi trội nhất của tỉnh, đặc biệt phải làm cho được các mô hình điểm thuyết phục, tạo sự lan tỏa.
* Vậy theo ông, Phú Yên nên bắt đầu từ đâu?
- Phú Yên nên ưu tiên chọn những lĩnh vực nổi trội của tỉnh để đầu tư CĐS trước như nông nghiệp, du lịch, thương mại và logictics. Lúc đó, tỉnh sẽ có được những mô hình mẫu để chứng minh, từ đó lan tỏa dễ dàng hơn về công tác CĐS.
Tỉnh nên tập trung mọi nỗ lực xây dựng các hình mẫu, nhỏ thôi nhưng thành công. Theo kinh nghiệm của tôi, các hình mẫu nhỏ có thể được triển khai rất nhanh, chỉ mất 3-6 tháng là có thể xây dựng được. Việc xây dựng mô hình mẫu không cần đặt vấn đề to lớn quá, mà nên tập trung vào mục tiêu, quy trình mới phải hơn hẳn quy trình cũ về hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, doanh thu, tăng thu nhập cho người lao động, tăng GDP cho tỉnh…
* Khi thực hiện CĐS, Phú Yên cần phải lưu ý những gì?
- Trong quá trình CĐS, tỉnh phải nắm bắt được công cụ, phương tiện và quan trọng hơn là áp dụng nó vào thực tiễn để làm sao tất cả các ngành đều trở thành ngành số như du lịch số, nông nghiệp số, thương mại số… Muốn biến nó thành một quy trình số thì phải có công cụ, phương tiện mà ở đây chính là các cơ chế tự động thông minh khi áp dụng vào sẽ giúp thông minh hóa quy trình, giảm bớt số lượng người tham gia vào nhưng hiệu quả lại tăng gấp bội.
Nâng cao nhận thức là vấn đề quyết định, làm sao để những người thực hiện đều hiểu về bản chất sâu xa của CĐS và biết phải làm gì để CĐS; nắm rõ được 2 vấn đề này thì việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn. Và khi ta có được công cụ đúng, đối tác đúng, cách làm đúng thì kết quả sẽ đến rất nhanh. CĐS nếu làm đúng thì rất dễ nhận dạng bởi hiệu quả tăng, kết quả thay đổi đáng kể mà tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy ngay.
Ngành Ngân hàng cũng đang nỗ lực chuyển đổi số. Ảnh: THỦY TIÊN |
* Để nâng cao nhận thức về CĐS nên bắt đầu từ đâu, thưa ông?
- Trước tiên phải bắt đầu từ bộ phận lãnh đạo ở tất cả các đơn vị từ cấp cao nhất đến cấp nhỏ nhất. Cụ thể như ở tỉnh phải là bí thư, chủ tịch tỉnh…; cấp huyện là những người lãnh đạo cấp huyện; ở doanh nghiệp phải là chủ doanh nghiệp, người đứng đầu của doanh nghiệp... Đây là bộ phận đầu tiên, quan trọng nhất cần phải có nhận thức đúng về CĐS, bởi họ chính là những người dẫn đường chỉ lối. Khi bộ phận này thông, hiểu rõ thì họ sẽ truyền tải xuống cấp dưới rất dễ dàng. Tiếp đến phải quan tâm đến nội dung CĐS. Hãy bắt đầu từ việc phải làm thế nào để thu thập được dữ liệu tự động, không cần đến con người mà tất cả do máy thu thập, đây là mấu chốt. Trước đây trong cuộc cách mạng lần thứ 3 hay còn gọi là cách mạng kỹ thuật số, kỷ nguyên công nghệ thông tin, con người là chủ thể thu thập dữ liệu. Tuy nhiên, con người không thể thu thập được tất cả, đầy đủ dữ liệu; bởi dữ liệu con người thu thập có tính chủ quan của chính người thu thập... Những vấn đề này, trong cuộc cách mạng lần thứ 4, máy móc đều có thể làm được.
Chìa khóa để Phú Yên có thể đi nhanh trong công cuộc CĐS chính là làm thế nào để những dữ liệu địa phương cần phục vụ phát triển được thu thập và tổ chức xử lý dữ liệu bằng các thiết bị IoT giúp hỗ trợ ra quyết định giải quyết mọi vấn đề, sự việc.
* Theo ông, Phú Yên đang ở đâu trong bản đồ CĐS của cả nước?
- Hiện nay, trong cả nước, chưa có nhiều tỉnh thành tạo ra được sản phẩm công nghệ số, sản phẩm số thực sự. Bởi vậy, trong bối cảnh này, Phú Yên hoàn toàn có thể đi nhanh nếu như thật sự hiểu và biết được cách làm. Trong CĐS, chúng ta không nên xếp hạng theo bất kỳ một thang bậc nào mà phải lấy năng suất lao động làm thước đo. CĐS mà không thay đổi năng suất lao động thì đó không phải là CĐS. Và khi chúng ta tự tin nói rằng thực hiện CĐS đã giúp địa phương tăng GDP, tăng thu nhập cho người dân, giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động… thì rõ ràng sẽ thuyết phục hơn rất nhiều.
* Xin cảm ơn tiến sĩ!
THỦY TIÊN (thực hiện)