Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số (CĐS) đang là một xu hướng tất yếu. Các doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức để hòa nhập vào xu thế chung của thế giới.
Báo Phú Yên ghi lại ý kiến của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia tại Hội thảo CĐS doanh nghiệp vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh phối hợp với Viễn thông Phú Yên tổ chức.
ĐỒNG CHÍ LÊ TẤN HỔ, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH: Phải CĐS mạnh mẽ để thích ứng với thời đại số, kinh tế số và xã hội số
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định: Đẩy nhanh quá trình CĐS là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết 24 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng xác định: Vấn đề cơ bản, quan trọng của CĐS là tập trung vào sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, địa phương...
Do vậy, UBND tỉnh đề nghị HHDN tỉnh chủ động phối hợp, hỗ trợ VNPT Phú Yên trong việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, xây dựng hệ sinh thái đối tác thông qua các hoạt động, phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Từ đó giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các giải pháp công nghệ, thay đổi mô hình kinh doanh theo xu hướng CĐS.
Sở TT&TT cần tích cực hỗ trợ HHDN tỉnh triển khai các hoạt động CĐS trong doanh nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh nhằm tạo những đột phá quan trọng trong CĐS.
ÔNG TRẦN THANH HƯNG, GIÁM ĐỐC SỞ TT&TT: CĐS lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm
Phú Yên đã chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nên việc đẩy mạnh CĐS rất cần thiết. Năm 2023, Ủy ban Quốc gia về CĐS đã giao Phú Yên nhiệm vụ chuyên đề tiên phong trong ứng dụng các nền tảng, giải pháp CĐS trong lĩnh vực du lịch. CĐS phải mang tính tổng thể và toàn diện, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Những năm qua, Phú Yên đã tập trung đầu tư cho chính quyền điện tử, chính quyền số. Tuy nhiên, chỉ một phía chính quyền đầu tư mà không có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp thì sẽ rất khó mang lại hiệu quả thiết thực. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp của Phú Yên là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, nên rất khó khăn trong việc đầu tư cho CĐS trong bối cảnh hiện nay.
Trong năm 2023, Sở TT&TT sẽ chọn một số doanh nghiệp tiêu biểu thí điểm ứng dụng CĐS. Quan trọng nhất là người đứng đầu doanh nghiệp phải chủ động, ý thức được sự cần thiết và hiệu quả của CĐS có thể mang lại cho doanh nghiệp.
ÔNG ĐẶNG DUY KHÁNH, CHUYÊN GIA CĐS, LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM (VCCI): CĐS là nguồn đầu tư tạo những đột phá lớn cho doanh nghiệp
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không có đủ năng lực, tài chính để triển khai CĐS một cách toàn diện. Chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp nên lựa chọn một lĩnh vực có khả năng mang lại lợi ích nhất, giải quyết được những vướng mắc của doanh nghiệp để thực hiện CĐS trước. Việc triển khai cũng nên được thực hiện từ quy mô nhỏ đến lớn.
Việc lựa chọn các giải pháp công nghệ số sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tăng doanh thu và giảm chi phí hoạt động; qua đó xây dựng được mô hình kinh doanh theo hướng dài hạn. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp cần có sự áp dụng, điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế. Khi tham gia CĐS, ngoài việc tự đối ứng nguồn vốn, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể tận dụng các chương trình hỗ trợ từ các bộ, ngành, các doanh nghiệp lớn có ưu đãi để sử dụng phục vụ cho tiến trình CĐS.
Hiện nay, CĐS đã hỗ trợ rất tích cực cho hoạt động của các doanh nghiệp, với các giải pháp về hợp đồng điện tử, chữ ký số, số hóa. VCCI khuyến nghị các doanh nghiệp phải sớm đưa ra các lộ trình CĐS, bố trí nguồn vốn, nhân lực phù hợp. Đây sẽ là nguồn đầu tư tạo những đột phá lớn cho doanh nghiệp trong tương lai.
ÔNG NGÔ ĐA THỌ, CHỦ TỊCH HHDN TỈNH: Kỳ vọng hỗ trợ cho 200-300 doanh nghiệp ứng dụng CĐS
Hiện Phú Yên có hơn 4.000 doanh nghiệp, hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỉ lệ ứng dụng CĐS còn rất thấp. Thực tế chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn là đã có sự quan tâm, tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các giải pháp CĐS.
Hội thảo CĐS doanh nghiệp là dịp để các đại biểu thảo luận, chia sẻ những kết quả đạt được cũng như đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, thách thức đối với hoạt động CĐS. Trên cơ sở đó, mỗi doanh nghiệp sẽ xây dựng các chiến lược CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực… góp phần thúc đẩy quá trình CNH-HĐH, giúp doanh nghiệp hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.
HHDN tỉnh sẽ kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, lựa chọn các đối tác, chương trình phù hợp để hợp tác, phát triển CĐS. Kỳ vọng của HHDN tỉnh là hỗ trợ cho 200-300 doanh nghiệp ứng dụng CĐS.
ÔNG NGÔ VĂN HY, PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC TẬP ĐOÀN VNPT VIỆT NAM: Tạo mọi điều kiện giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia CĐS
VNPT cam kết tập trung phát triển hạ tầng số, các nền tảng công nghệ 4.0, các dịch vụ số có tính đột phá, phổ cập. VNPT cũng cam kết đồng hành CĐS cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ cá thể kinh doanh thông qua việc đóng gói và cung cấp các giải pháp CĐS, giúp doanh nghiệp dễ dàng sử dụng các dịch vụ số với mức chi phí hợp lý theo thực tế sử dụng.
Với nền tảng CĐS toàn diện oneSME của VNPT, doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm, chủ động lựa chọn và tích hợp các dịch vụ, giải pháp số phù hợp với nhu cầu; đồng thời tích tụ và liên thông dữ liệu xuyên suốt hành trình phát triển của doanh nghiệp.
Đối với Phú Yên, Tập đoàn VNPT yêu cầu VNPT Phú Yên phối hợp chặt chẽ với HHDN tỉnh tư vấn, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình CĐS doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, CĐS không còn là một ý tưởng hay tầm nhìn trong tương lai, mà là điều bắt buộc phải làm và làm thật mạnh mẽ để thích ứng với thời đại số, kinh tế số và xã hội số.
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh |
NGÔ XUÂN (thực hiện)