Ngày 7/4, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã kiểm tra việc thực hiện đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và huyện Tây Hòa.
Cùng đi có đồng chí Phan Thanh Tám, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ; lãnh đạo Sở TT&TT, Sở Tư pháp, Văn phòng Tỉnh ủy.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đồng chí Phạm Đại Dương cùng đoàn công tác đã kiểm tra khu vực tra cứu thông tin, nộp hồ sơ trực tuyến. Lãnh đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cho biết: Trung tâm đã niêm yết 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay cho sổ hộ khẩu tại các vị trí thuận lợi để công dân khi thực hiện thủ tục hành chính tìm hiểu và thực hiện.
Công chức, viên chức các sở, ban, ngành tại trung tâm cũng đã hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tổ chức về 7 phương thức sử dụng thông tin công dân. Từ ngày 21/3/2023, hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh phối hợp với Viettel Phú Yên tập huấn các sở, ban, ngành có liên quan trong việc thực hiện và tra cứu dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư trong quá trình tiếp nhận hồ sơ.
Đồng chí Phạm Đại Dương cùng đoàn công tác kiểm tra khu vực tra cứu thông tin, nộp hồ sơ trực tuyến của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính huyện Tây Hòa. Ảnh: HÀ MY |
Tại huyện Tây Hòa, sau khi kiểm tra khu vực tra cứu thông tin, nộp hồ sơ trực tuyến của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính huyện, đồng chí Phạm Đại Dương cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, Công an huyện cùng một số phòng, ban liên quan của huyện Tây Hòa.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Trần Minh Trí cho biết: Triển khai Đề án 06, UBND huyện đã chỉ đạo thành lập 11 tổ công tác tại xã, thị trấn và 72 tổ công tác tại thôn, khu phố. Công an huyện tổ chức 24 lượt tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân tạo được 3.075 tài khoản trên cổng dịch vụ công và kích hoạt 2.857 tài khoản VneID. Đến nay, toàn huyện có 102.329 công dân có thẻ căn cước công dân, đạt tỉ lệ 94,21%; 14.770 công dân được cấp định danh điện tử, đạt tỉ lệ 14,55%.
Đồng chí Phạm Đại Dương thăm hỏi người dân huyện Tây Hòa về làm căn cước công dân và cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VneID. Ảnh: HÀ MY |
Kết luận buổi kiểm tra, đồng chí Phạm Đại Dương cho biết: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và tập trung chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, Đề án 06 được xác định là mũi đột phá của chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện các mục tiêu về Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 25-CT/TU, ngày 6/12/2022 để lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng lộ trình các nhiệm vụ mà Đề án 06 đã xác định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của địa phương, đồng chí Phạm Đại Dương đề nghị các cấp ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh về chuyển đổi số; đẩy mạnh thực hiện Đề án 06.
UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ triển khai Đề án 06 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh đảm bảo tiến độ. Cùng với đó, các cấp ngành, địa phương cần tích cực tuyên truyền, huy động các đoàn thể cùng vào cuộc hướng dẫn người dân tham gia thực hiện Đề án 06, nhất là việc đăng ký tài khoản dịch vụ công và cài đặt kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VneID.
Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Trần Minh Trí báo cáo việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn huyện. Ảnh: HÀ MY |
Đồng chí Bí thư thư Tỉnh ủy đề nghị Sở TT&TT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin và điều kiện về an ninh an toàn hệ thống, đảm bảo duy trì ổn định kết nối, phục vụ khai thác thông tin công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công. Bên cạnh đó, các sở, ngành, đoàn thể cần nêu cao trách nhiệm, chủ động phối hợp với lực lượng công an rà soát, cập nhật, làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Các địa phương, ban, ngành cần tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ công chức làm tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã.
“Năm 2023 được Chính phủ xác định là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 là rất quan trọng và cấp bách, yêu cầu đòi hỏi đặt ra ngày càng cao, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ. Nếu chúng ta không quyết liệt thực hiện, sẽ khó có thể hoàn thành được các mục tiêu của năm 2023 và những năm tiếp theo”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
HÀ MY