Cùng với cả nước, thời gian qua, Phú Yên đã thực hiện chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực và đã đạt được những kết quả khích lệ. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CĐS, toàn tỉnh đang tập trung đẩy mạnh CĐS bằng nhiều giải pháp thiết thực. Báo Phú Yên trao đổi với ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở TT-TT, Phó Trưởng ban chỉ đạo CĐS tỉnh xung quanh vấn đề này. Ông Hưng cho biết:
- Trên thế giới, CĐS bắt đầu được nhắc đến vào khoảng năm 2015 và phổ biến từ năm 2017. Ở Việt Nam, CĐS bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia.
Thời gian qua, Phú Yên rất chú trọng đến việc thực hiện CĐS, nhiều chương trình, kế hoạch đã được lãnh đạo tỉnh ban hành, tiêu biểu là Chương trình CĐS của tỉnh Phú Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai CĐS trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2022-2025. Hiện nay, Ban Cán sự Đảng của tỉnh đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét ban hành Nghị quyết CĐS đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là văn kiện quan trọng để triển khai CĐS trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Thanh Hưng |
* Đến nay, Phú Yên đã đạt được những kết quả gì trong CĐS, thưa ông?
- Ngày 9/8/2022, tại phiên họp thứ ba của Ủy ban CĐS Quốc gia, Bộ TT-TT đã công bố kết quả đánh giá theo Chỉ số CĐS-DTI năm 2021. Theo đó, Phú Yên xếp thứ 50/63 tỉnh thành (tăng 12 bậc so với năm 2020). Khác với năm 2020, điểm DTI 2021 là tổng điểm của 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. Các chỉ số chính được phân thành 2 nhóm: nhóm chỉ số nền tảng chung với các chỉ số về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, đô thị thông minh (không tính điểm vào DTI cấp tỉnh); nhóm chỉ số về hoạt động với các chỉ số về hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số.
Xếp hạng cụ thể 8 chỉ tiêu của tỉnh như sau: Nhận thức số 27/63 tỉnh thành, thể chế số 61/63, hạ tầng số 25/63, nhân lực số 26/63, an toàn thông tin mạng 44/63, hoạt động chính quyền số 61/63, hoạt động kinh tế số 42/63, hoạt động xã hội số 35/63… Đây là kết quả quan trọng tạo tiền đề cho tỉnh tiếp tục phát triển, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CĐS trong thời gian tới.
Ngoài ra, tính đến tháng 9/2022, Phú Yên đã hoàn thành một số nhiệm vụ của Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về CĐS. Theo đó, tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử của tỉnh đạt 100%; 100% sở, ban ngành đã tiếp nhận và số hóa hồ sơ thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; Phú Yên đã triển khai Nền tảng quản lý tiêm chủng đến 100% cơ sở y tế phường, xã, phòng khám khu vực, các đơn vị có thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19…
* Theo ông, các địa phương cần phải làm những gì để thúc đẩy việc thực hiện CĐS tại cơ sở?
- Các địa phương cần tiếp tục bám sát, triển khai các chỉ đạo của trung ương và của tỉnh để triển khai CĐS. Mỗi địa phương cần có ban chỉ đạo CĐS, ban hành nghị quyết CĐS của cấp ủy, kế hoạch CĐS của chính quyền; đồng thời triển khai hiệu quả tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương.
Cán bộ Sở TT-TT tập huấn về CĐS cho lực lượng phụ trách công tác CĐS tại các địa phương. Ảnh: THỦY TIÊN |
* Vậy, các tổ công nghệ số cộng đồng có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy CĐS ở các địa phương?
- CĐS bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là việc dễ dàng, thiết thực. CĐS nếu tạo giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng, sử dụng thì CĐS sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Hiện nay, các địa phương đang thành lập tổ công nghệ số cộng đồng ở các phường, xã, thị trấn và các thôn, khu phố. Các tổ này có vai trò trực tiếp hướng dẫn, tuyên truyền, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân. Qua đó thúc đẩy CĐS, đưa người dân lên môi trường số. Một khi người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số sẽ trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền CĐS mạnh mẽ hơn. Vì vậy, tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của ban chỉ đạo CĐS từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội…
Huyện Tuy An tổ chức tập huấn CĐS cho thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn. Ảnh: THỦY TIÊN |
* Việc thực hiện CĐS có ý nghĩa như thế nào trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại Phú Yên, thưa ông?
- CĐS không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. CĐS là cơ hội vô giá của tỉnh. Những đột phá về công nghệ số đều thai nghén trong nhiều chục năm mới phổ biến được vài năm và nhiều chục năm mới có một lần. Chúng ta không tiến khi người khác tiến là chúng ta đã tụt lại. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta sẽ bị tụt lại sau các tỉnh bạn xa hơn nữa.
* Xin cảm ơn ông!
Thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về CĐS, Phú Yên đang tiếp tục nỗ lực hoàn thành 5 chỉ tiêu còn lại, gồm: tỉ lệ phát sinh hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến đạt 80%; tỉ lệ xử lý trực tuyến hồ sơ thủ tục hành chính đạt 80%; tỉ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85%; tỉ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt 75%; tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%. |
THỦY TIÊN (thực hiện)