Thứ Năm, 02/05/2024 15:32 CH
Chi bộ Đảng ở công ty 100% vốn nước ngoài (kỳ 2)
Thứ Năm, 29/09/2022 08:35 SA

Bí thư Chi bộ KCP VIL Trương Đình Cư (phải) thăm ruộng mía của ông Trần Văn Muôn (xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa) áp dụng tưới nước nhỏ giọt cho năng suất cao. Ảnh: TRẦN QUỚI

Kỳ 2:

CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI: Bước ngoặt của công ty và người trồng mía

 

Sự ra đời của Chi bộ Đảng KCP VIL đã trở thành bước ngoặt của công ty, người lao động và nông dân trồng mía. Cùng với ban giám đốc, ban chấp hành chi bộ, ban chấp hành công đoàn tham gia xây dựng và ban hành các chính sách quan trọng, phát động các phong trào thi đua, động viên, khuyến khích người lao động hăng say làm việc, đóng góp cho sự phát triển của công ty; đồng thời hài hòa lợi ích người trồng mía.

 

Những chính sách hợp lòng dân ra đời

 

Từ khi có chi bộ Đảng, các chính sách của công ty liên quan đến người lao động, người nông dân đều được ban giám đốc công ty tham khảo ý kiến, thảo luận, trước khi ban hành. Ví dụ như Quỹ phúc lợi DKF (dành riêng cho công nhân), Quỹ phúc lợi xã hội, đều do Tổng Giám đốc Subbaiah làm Chủ tịch quỹ, tuy nhiên dự thảo cách thức hoạt động đều được lấy ý kiến của chi bộ, ban chấp hành công đoàn, đoàn thanh niên và hội cựu chiến binh công ty. Nhờ vậy khi ra đời, các quỹ phúc lợi rất công bằng, minh bạch, được tất cả người lao động công ty ủng hộ.

 

Ông Huỳnh Thanh Dương, Chủ tịch Công đoàn cơ sở KCP VIL cho biết: “Hàng năm, ban chấp hành công đoàn, cấp ủy chi bộ và các đoàn thể rà soát những trường hợp cán bộ, công nhân viên người lao động trong điều kiện được hỗ trợ, đưa vào chương trình đề nghị xem xét. Đặc biệt, ở hạng mục xóa nhà tạm trong chương trình Mái ấm KCP, khi người lao động trong công ty đã có đủ nhà thì tiếp tục mở rộng xét hỗ trợ cho người thân…”.

 

KCP VIL hỗ trợ hơn một nửa chi phí đầu tư mùa vụ, cho mượn vốn mua sắm máy móc và bao tiêu sản phẩm với giá tốt nên nông dân ai cũng muốn làm ăn với nhà máy. Ông Võ Văn Út (xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa)

Đối với người trồng mía, đây là đối tác quan trọng, thậm chí quyết định sự phát triển của công ty. Bởi vậy, ban giám đốc luôn muốn xây dựng những chính sách đảm bảo quyền lợi để nông dân gắn bó lâu dài. “Quan điểm của chúng tôi là người dân phải có cuộc sống sung túc, làm giàu từ ruộng mía của mình. Chính sách thu mua mía nguyên liệu luôn ở điều kiện tốt nhất cùng với các mục thưởng để động viên thêm cho bà con. Bên cạnh đó, công ty còn có chính sách hỗ trợ đầu tư phân bón, thiết bị máy móc để giúp bà con nâng cao năng suất, sản lượng, mở rộng diện tích”, Tổng Giám đốc Subbaiah chia sẻ.

 

Ông Võ Văn Út, nông dân trồng mía ở xã Suối Bạc cho biết: Chính sách thu mua mía và đầu tư hỗ trợ nông dân của công ty rất tốt. Giá mua mía luôn cao hơn thị trường, còn có thêm nhiều khoản thưởng như ít tạp chất, hoàn thành hợp đồng, năng suất cao. Tiền hỗ trợ công cán, sản lượng và năng suất theo hợp đồng đầu vụ được chuyển thẳng vào tài khoản nông dân, phân bón được chở về tận nhà. Chúng tôi rất hài lòng.

 

Không chỉ vậy, trong những trường hợp thiên tai, hạn hán mất mùa hay gặp những sự cố bất khả kháng, công ty đều có chính sách chia sẻ, hỗ trợ nông dân. Theo cách nhẩm tính của ông Út và những nông dân trồng mía, sau khi trừ chi phí một hécta mía đạt năng suất 70 tấn, người nông dân thu lãi ròng từ 30-40 triệu đồng.

 

Cầu nối giữa nhà máy và nông dân

 

Xây dựng chính sách tốt hỗ trợ tối đa cho nông dân, nhưng đôi khi sự cố vẫn xuất hiện, nông dân không tuân thủ theo hợp đồng. Một số trường hợp sau khi nhận đầu tư từ công ty, đến mùa thu hoạch vì nhiều lý do, họ đã lén bán mía cho nơi khác.

 

Theo ông Trương Đình Cư, Bí thư Chi bộ KCP VIL đồng thời là Giám đốc đối ngoại phụ trách công tác hòa giải với nông dân, công việc hòa giải tranh chấp với nông dân luôn là vấn đề khó khăn, phải đảm bảo tình và lý. Trước những vi phạm hợp đồng, nhân viên công ty phải thu thập đầy đủ bằng chứng, số liệu, hình ảnh để chỉ ra cái đúng cái sai. Có người chỉ cần phân tích lý lẽ là họ nhận ra cái sai và xin lỗi, nhưng cũng có trường hợp lý sự, lỡ sai còn làm liều, bất chấp hòa giải.

 

“Vụ mía cách đây vài năm, nông dân T.X.H ở xã Sơn Xuân đã nhận tiền hỗ trợ đầu tư của công ty và hợp đồng bán mía, nhưng khi thu hoạch lại bán mía ra bên ngoài, viện lý do sản lượng ít, chờ lệnh chặt mía chậm, cần tiền trang trải… Dù biết sai hợp đồng nhưng ông H vẫn cố kéo gai qua trổ. Trường hợp này, khi công ty khởi kiện, nông dân lại quay sang năn nỉ. Sau đó, công ty vẫn ứng xử hài hòa, quan trọng là để người dân nhận thức được cái sai và sự công bằng”, ông Cư kể.

 

Tổng Giám đốc Subbaiah khẳng định: Chi bộ Đảng và các tổ chức chính trị, xã hội trong công ty có vai trò quan trọng trong việc hình thành các chính sách, chế độ và sự phát triển bền vững của công ty; xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Còn những đảng viên, đoàn viên, cựu chiến binh là người có uy tín, gương mẫu trong công việc cũng như cuộc sống, họ đã tuyên truyền, giải thích những thắc mắc về chế độ, chính sách, giúp người lao động, nông dân yên tâm, tin tưởng.

 

Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững

 

Những năm đầu, Nhà máy đường KCP Sơn Hòa mới đi vào hoạt động chỉ với công suất 2.500 tấn mía cây/ngày, nhưng có thời điểm không đủ mía để ép, do vùng nguyên liệu nhỏ hẹp, manh mún, năng suất hạn chế. Rút kinh nghiệm từ bài học ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, không để công ty lâm vào nguy cơ phá sản do thiếu nguyên liệu, ban giám đốc đã huy động cả hệ thống nhân lực công ty thực hiện mục tiêu xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu và nâng cao năng suất mía.

 

Anh Văn Phú Lộc, cán bộ nông vụ, nhớ lại: “Trước đây, các nhà máy đường cạnh tranh vùng nguyên liệu. Có những năm đường rớt giá, mía đứng khô trên ruộng vì tiền bán mía không đủ chi phí thu hoạch. Người nông dân thì chưa tin tưởng, chính sách hỗ trợ ban đầu của nhà máy chưa hấp dẫn nên việc vận động người dân trồng mía có những khó khăn nhất định”.

 

Mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu là một trong những nhiệm vụ được chi bộ giao đến đảng viên, cán bộ, công nhân viên, người lao động. Một thời gian sau, với sự nỗ lực của những cán bộ đảng viên và những biện pháp tiếp cận mềm dẻo, nông dân đã hiểu và tự tin mở rộng diện tích trồng mía, cam kết bán mía cây cho nhà máy.

 

Nếu như trước đây, diện tích vùng nguyên liệu công ty chỉ hơn 6.000ha thì hiện nay lên đến 19.000ha, tập trung ở các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh, Tuy An, Phú Hòa. Năng suất bình quân cũng tăng lên 65-70 tấn/ha, giúp hàng ngàn người trồng mía thoát nghèo, giải quyết hàng trăm lao động địa phương, góp phần rất lớn vào việc xây dựng nông thôn mới tại các xã miền núi trên địa bàn tỉnh.

 

Thành tích nổi bật của chi bộ Đảng và các tổ chức đoàn thể của KCP VIL

 

- KCP VIL: Huân chương Lao động hạng ba (2009-2013); Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ (2014) và UBND tỉnh nhiều năm liền; “Giải vàng chất lượng quốc gia” năm 2018.

 

- Chi bộ: Giấy khen của Huyện ủy Sơn Hòa về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019. Hàng năm đều đạt danh hiệu Chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

- Công đoàn: Bằng khen LĐLĐ tỉnh đơn vị điển hình xuất sắc, Công đoàn cơ sở vững mạnh nhiều năm liền.

 

- Chi đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh hoàn thành tốt nhiệm vụ

  

Kỳ cuối: Vai trò của chi bộ Đảng đối với sự phát triển bền vững

 

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek