Thứ Ba, 26/11/2024 10:45 SA
Không thế lực nào có thể xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc
Thứ Năm, 13/07/2023 07:02 SA

Sau vụ khủng bố do nhóm đối tượng trang bị vũ khí, tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đầu tháng 6, trên nhiều kênh thông tin báo chí nước ngoài, các trang mạng hải ngoại, trang mạng cá nhân của các đối tượng chống đối đã tung ra thông tin sai sự thật. Chúng cố tình đánh tráo bản chất, hướng vụ án sang nguyên nhân khác nhằm kích động tâm lý kỳ thị dân tộc, xuyên tạc chính sách đại đoàn kết các dân tộc của Đảng và Nhà nước.

 

Đảng và Nhà nước đã và đang tập trung nguồn lực chăm lo phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện. Trong ảnh: Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sơn Hòa tham gia biểu diễn văn nghệ tại một ngày hội. Ảnh: NGÔ XUÂN

 

Cố tình xuyên tạc bản chất sự việc

 

Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, ngay từ đầu, Bộ Công an cũng như các cơ quan chức năng đã có các thông tin chính thức với báo chí và tại một số hội nghị, diễn đàn có liên quan. Việc thông tin đảm bảo tính chính xác, kịp thời, giúp người dân trong nước và dư luận quốc tế nắm được thông tin, bản chất vụ án, ủng hộ cơ quan chức năng tích cực điều tra, làm rõ để xử lý trước pháp luật; đồng thời lên án các cá nhân, tổ chức đứng sau vụ án, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu gây bất ổn tại khu vực Tây Nguyên.

 

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; che giấu tội phạm; không tố giác tội phạm và tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”; ra các quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 75 bị can.

 

Bám lấy sự kiện này, các thế lực phản động ra sức xuyên tạc, bóp méo vấn đề. Đài Á châu tự do (RFA) đưa bài mang tính kích động, xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta khi nói rằng, giải pháp cho các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo ở Tây Nguyên đã tạo nên mâu thuẫn giữa các dân tộc.

 

 

Một số bài khác dùng những ngôn từ xảo trá để bóp méo bản chất vụ án khủng bố ở Đắk Lắk thành vấn đề xung đột, mâu thuẫn trong các dân tộc ở Tây Nguyên, vu cáo người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên “không chịu được sự áp đảo hiện nay bởi sự thống trị của người Việt đến từ đồng bằng”…

 

Tất cả nhằm mục đích gây hiểu lầm đối với dư luận ở nước ngoài, cố tình tạo ra những mâu thuẫn, bất ổn từ bên trong để kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức quốc tế vào công việc nội bộ của Việt Nam.

 

Rõ ràng, trong các hoạt động truy tìm, bắt giữ các phần tử khủng bố, hầu hết lực lượng chức năng nhận được sự giúp sức của người dân địa phương. Những ngày này, các video clip về cảnh người dân không ngại nguy hiểm, không sợ trả thù, hăng hái tham gia truy bắt các đối tượng khủng bố; tự nguyện nấu cơm, mua thực phẩm, nước uống, nhiệt tình chăm sóc các chiến sĩ công an... đã “viral” (lan truyền) khắp các mạng xã hội.

 

Điều này cho thấy rằng, người dân luôn mong một cuộc sống hòa bình, ổn định, không chấp nhận hành vi tàn ác, đã phối hợp với các cơ quan chức năng, giúp cán bộ chiến sĩ trong những ngày lập lại trật tự trên địa bàn.

 

Một số bài viết mang luận điệu xuyên tạc, bóp méo, suy diễn về vụ việc nhóm đối tượng dùng súng tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu, Ea Ktur, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk). Ảnh: Internet

 

Thành quả được thế giới công nhận

 

Tập trung chăm lo phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước. Quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề này đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều thời kỳ, ngày càng sâu rộng, toàn diện hơn.

 

Thời gian qua, chúng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động sự hưởng ứng tích cực của cả xã hội và đạt được những thành quả bước đầu quan trọng. Những kết quả đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 135 là những minh chứng sống động cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

 

Báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam 2022” của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định, đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số với tỉ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua.

 

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là một giải pháp đột phá, có tính lịch sử, nhằm đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của cả nước.

 

 

Chương trình là một bước triển khai thực hiện phương hướng, mục tiêu chung về công tác dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

 

Chương trình giai đoạn I, từ năm 2021-2025 với nhiều điểm mới về cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư dành cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó phải kể đến những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, ưu tiên đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn luôn được các địa phương quan tâm.

 

Đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Nhà nước đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích trồng các cây có giá trị kinh tế cao gắn với hình thành vùng chuyên canh, tập trung, có sản phẩm lợi thế.

 

Cùng với đó là đẩy mạnh hỗ trợ người dân giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, rà soát việc giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho người dân. Đồng thời, Nhà nước đang có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền núi và phát triển hợp tác xã liên kết trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

 

Không thể dùng bàn tay che mặt trời

 

Cơ quan công an đã có đầy đủ bằng chứng, chứng minh bản chất của vụ tấn công trụ sở chính quyền ở xã Ea Ktur và Ea Tiêu là vụ khủng bố có tổ chức, có yếu tố chỉ đạo từ bên ngoài. Khủng bố là hành vi cả thế giới lên án và cộng đồng quốc tế đang nỗ lực, chung tay phối hợp hành động nhằm phòng, chống hành vi đặc biệt nguy hiểm này. Sự thực đó cho dù các thế lực xấu tìm cách xuyên tạc, bóp méo đến đâu thì cũng không thể che mờ bản chất của sự việc.

 

Cho dù các thế lực phản động có giàu trí tưởng tượng vẽ ra mâu thuẫn giữa bà con đồng bào dân tộc với người Kinh vì bị mất đất sản xuất thì những chính sách và thành quả chăm lo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi những năm qua luôn là sự thật hiển nhiên, không thể dùng bàn tay che được mặt trời.

 

Đảng và Nhà nước ta đã, đang và luôn luôn chăm lo xây dựng mối đại đoàn kết các dân tộc bằng các chính sách cụ thể, mong muốn đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, thịnh vượng.

 

HUYỀN TRÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek