Chủ Nhật, 19/05/2024 12:41 CH
Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo (kỳ cuối)
Thứ Tư, 31/08/2022 09:12 SA

Cuộc họp công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế UPR chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: xaydungdang.org.vn

Kỳ cuối: Những thủ đoạn xuyên tạc tự do tôn giáo ở Việt Nam

 

Vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra Báo cáo nhân quyền Việt Nam và Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế Việt Nam năm 2021, trong đó có những thông tin sai lệch về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam với các góc nhìn phiến diện, dẫn chứng thiếu khách quan. Báo cáo nói đến tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, đồng thời chỉ trích chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử người dân theo đạo và không theo đạo.

 

Nhiều vi phạm pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng

 

Thời gian qua, đi ngược với thành tựu của Đảng và Nhà nước về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, nhiều tổ chức, hội nhóm, cá nhân mang danh nghĩa tôn giáo, lợi dụng tôn giáo cố tình gây mất ổn định trật tự xã hội bằng những hành vi vi phạm pháp luật.

 

Các tổ chức, hội, nhóm lợi dụng danh nghĩa tôn giáo hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không được Nhà nước cho phép, như Hội đồng liên tôn Việt Nam, Liên đoàn dân chủ Công giáo Việt Nam, Hội đồng nhân quyền Việt Nam, Hội đồng liên kết quốc nội hải ngoại Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Tin Lành đấng Christ, Giáo hội Tin Lành đấng Christ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, Ban đại diện Khối nhơn sanh Cao Đài, Tin Lành Đêga...

 

Trong đó, Tin Lành Đêga, Tin Lành đấng Christ, Giáo hội Tin Lành đấng Christ Việt Nam và Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên có liên quan nhau, phương thức, thủ đoạn hoạt động tương tự, tập hợp tín đồ là người dân tộc thiểu số ở trong nước; liên kết các tổ chức phản động người Việt lưu vong như Hội người Thượng Đêga-MDA, đảng Việt Tân, Ủy ban cứu trợ người vượt biển-BPSOS, Hội đồng sắc tộc và tôn giáo Việt Nam... lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để chống phá Việt Nam, đòi thành lập “Nhà nước riêng, tôn giáo riêng” cho người đồng bào dân tộc thiểu số, tìm mọi cách để phục hồi tổ chức phản động FULRO. Phú Yên là một trong những địa bàn mà các tổ chức, hội nhóm này lén lút hoạt động. Ngoài ra còn có những nhóm tà đạo khác đã được cơ quan chức năng phát hiện, khởi tố và xét xử, như các tà đạo Vàng Chứ, Thìn Hùng, Giê Sùa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số người Mông, người Dao; tà đạo Hà Mòn ở Tây Nguyên... Các tà đạo này kích động người đồng bào dân tộc thiểu số “giành đất”, “lập Nhà nước Mông”, thậm chí không thừa nhận các tôn giáo khác.

 

Hoặc gần đây, việc Long An đưa ra xét xử vụ án “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai (huyện Đức Hòa), đã xuất hiện những thông tin không đúng sự thật, cho rằng chính quyền đang “đàn áp tự do tôn giáo”. Từ đó, những kẻ chống đối kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế can thiệp, gây sức ép với Việt Nam để trả tự do cho những người bị kết án.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi chia sẻ phản ứng trước báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế năm 2021. Ảnh: Internet

 

Mọi hoạt động tôn giáo đều tuân thủ pháp luật

 

Các thế lực thù địch thường xuyên tạc tình hình tôn giáo ở nước ta, cho rằng Việt Nam không có “tự do tôn giáo”, chính quyền “hạn chế, đàn áp tôn giáo”, Nhà nước ưu ái tôn giáo này mà khắt khe với các tôn giáo khác. Những thủ đoạn nhằm cố tình bôi nhọ hình ảnh, làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và tìm cớ để bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

 

Những vi phạm trong vụ Tịnh thất Bồng Lai dễ dàng nhận thấy: là cơ sở thờ tự không hợp pháp, sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình trên đất trồng lúa; có hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo và có hành vi chống đối, vu khống cơ quan chức năng khi thực thi nhiệm vụ; có hành vi xúc phạm đạo Phật, xuyên tạc giáo lý của Phật giáo, xúi giục mọi người không tôn trọng tôn giáo và pháp luật. Việc xét xử sơ thẩm vụ án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Còn hoạt động của các tổ chức, hội nhóm như Tin Lành Đêga, Tin Lành đấng Christ, Giáo hội Tin Lành đấng Christ Việt Nam và Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên cho thấy đây là những tổ chức phản động xâm phạm an ninh quốc gia, cần được pháp luật nghiêm trị. Tuy nhiên, khi Nhà nước Việt Nam thực hiện đúng theo quy định của luật pháp trong nước và quốc tế thì các thế lực cơ hội chính trị, phản động lưu vong lại gào thét quy chụp là đàn áp, hạn chế tôn giáo.

 

Việt Nam cũng như các quốc gia và quốc tế, mọi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đều phải tuân thủ pháp luật, không đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và xã hội. Ví như câu chuyện xảy ra ở Hàn Quốc khoảng 10 năm trước, Hội đồng quốc gia các Giáo hội chính thức lên tiếng phê phán tà đạo Hội thánh Đức Chúa trời và cấm mọi hoạt động. Vatican cũng lên án Hội thánh Đức Chúa trời và coi đây là một “lạc giáo”. Tà đạo này cũng đã xâm nhập vào Việt Nam từ năm 2001 nhưng đến năm 2018 mới được nhiều người biết do báo chí đưa tin những vụ việc gia đình tan nát, bỏ bê công việc, học hành… do bị dụ dỗ tham gia.

 

Trong khi đó, Báo cáo nhân quyền Việt Nam và Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế Việt Nam năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích chính quyền Việt Nam “hạn chế tự do tôn giáo”, “đàn áp nghiêm trọng thành viên các nhóm tôn giáo chưa đăng ký”. Phản ứng trước nhận xét của Hoa Kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác và chưa được kiểm chứng về thực tế tại Việt Nam”.

 

Không chỉ Việt Nam, Ấn Độ cũng phản ứng trước Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi nhấn mạnh “Ấn Độ luôn coi trọng tự do tôn giáo và nhân quyền” và cho rằng đánh giá về tự do tôn giáo của Ấn Độ trong báo cáo của Mỹ là dựa trên “các yếu tố đầu vào mang tính động cơ và những quan điểm thiên vị”.

 

Những nỗ lực của Việt Nam thời gian qua về quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng đã được Liên Hợp Quốc ghi nhận tại sự kiện Bộ Ngoại giao công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III. Bà Rana Flowers, Quyền điều phối viên Liên Hợp Quốc đã đánh giá cao cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, trong đó có việc thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế UPR chu kỳ III và xây dựng báo cáo giữa kỳ tự nguyện, cùng các cam kết ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

 

Những thành tựu mà Việt Nam đạt được cho thấy Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Nếu Nhà nước “hạn chế tôn giáo, đàn áp tôn giáo, phân biệt đối xử” như Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ và các tổ chức phản động, cơ hội chính trị rêu rao thì các tôn giáo ở Việt Nam không thể phát triển ổn định như hiện nay.

 

Xung quanh câu chuyện Mỹ tự cho mình quyền phát xét vấn đề về quyền con người ở các nước, cũng cần nhắc lại, cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1994 đã nói: “Sức mạnh kinh tế ngày nay của Trung Quốc làm cho các bài giảng của Hoa Kỳ về nhân quyền trở nên mất giá trị. Trong một thập kỷ nữa nó sẽ làm cho các bài giảng đó không còn thích hợp. Và trong hai thập kỷ nữa, các bài giảng đó sẽ trở nên buồn cười”.

 

Năm 2013, Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Trong ba năm là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã có đóng góp thúc đẩy đối thoại và hợp tác; tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của tổ chức này. Đây là dịp Việt Nam khẳng định những chính sách, thành tựu, nỗ lực trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người.

 

PHẠM HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek