Sau khi Bộ Ngoại giao công bố thông tin Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (United Nations Human Rights Council, gọi tắt là UNHRC) nhiệm kỳ 2023-2025, các thế lực thù địch, phản động càng tập trung chống phá, cố làm mất uy tín Việt Nam. Đặc biệt, chúng tập trung các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, dân tộc; lợi dụng tình hình trong nước để tiếp tục xuyên tạc vu khống Việt Nam không có “tự do tôn giáo”, “đàn áp tôn giáo”. Những thông tin không trung thực, thiếu khách quan, cố tình xuyên tạc sự thật này do các tổ chức phản động, cơ hội chính trị tung trên các báo hải ngoại và mạng xã hội, khiến không ít người dân, thậm chí cán bộ, đảng viên hiểu không đúng; dư luận thế giới về Việt Nam có thể bị tác động không tốt.
Kỳ 1: Tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam
“Nếu ta coi tôn giáo là niềm tin vào một Đấng Tuyệt đối, đầy lớn lao và hoàn hảo; là sự hợp nhất bằng tất cả tấm lòng của bản thân với Đấng Tối cao hiện diện ở khắp mọi nơi… thể hiện ra bằng sự tôn thờ một cách xứng đáng với Đấng Tối cao đó; thì ta phải nói, người Việt Nam không có tôn giáo... Còn nếu ta quan niệm tôn giáo là niềm tin và thực hành ảnh hưởng đến cách ứng xử theo lẽ phải của cuộc đời và đến một thế giới siêu nhiên, thì ta phải thấy người Việt Nam có cái đức tính đó ở mức độ cao”. Đây là nhận xét của linh mục Léopold Michel Cadière, một nhà truyền giáo thuộc Hội Thừa sai Paris tại Việt Nam, người đã có 250 công trình nghiên cứu quan trọng về văn hóa, tín ngưỡng và dân tộc học, ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo Việt Nam.
Là niềm tin và ứng xử theo lẽ phải, gắn bó dân tộc, phụng sự Tổ quốc
16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp giấy phép đăng ký hoạt động gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Islam giáo, Tôn giáo Baha’i, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật đường Nam tông Minh sư đạo, Minh lý đạo - Tam tông miếu, Bà La Môn, Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô, Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Giáo hội Cơ đốc phục lâm Việt Nam. |
Điều kiện vị trí địa lý là nơi giao lưu của nhiều luồng văn minh, với nhiều tộc người, nhiều tôn giáo trong diễn trình lịch sử, đã hình thành nên một Việt Nam là quốc gia đa tộc người, đa tôn giáo. Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, đến cuối năm 2020, nước ta có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và tôn giáo; 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp giấy phép đăng ký hoạt động. Ngoài tôn giáo, người Việt Nam còn có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ Mẫu, thờ thần, thờ vua Tổ… là tín ngưỡng dân gian, gắn bó mật thiết với nền văn minh lúa nước, từng tộc người, qua các thời kỳ phát triển của xã hội.
“Nơi người Việt Nam, trong mọi tầng lớp xã hội, tình cảm tôn giáo được bộc lộ một cách mạnh mẽ và bao trùm toàn bộ đời sống, các cử chỉ thường ngày, quan trọng hay thường tình. Tình cảm ấy có lúc bùng nổ dưới ánh sáng mặt trời trong những nghi lễ long trọng, trong những ngôi đền thờ cúng được Nhà nước nhìn nhận, có lúc thầm lặng khi đứng dưới một gốc cây, trước một hòn đá sần sùi. Người ta có thể diễn tả lời cầu xin bằng ngôn ngữ thanh tao, bằng thơ có nhạc và múa phụ họa, nhưng cũng có thể thì thầm bày tỏ nguyện ước tự đáy lòng khi đi qua một miếu thờ. Người ta phủ phục, chậm rãi, trân trọng, trang nghiêm, đầu đội mũ vuông, mang áo thụng...”, linh mục L. Cadière, viết trong cuốn Tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt Nam. Nhận xét của ông gói ghém đầy đủ đặc trưng tôn giáo Việt Nam, trong đó có xu thế dân tộc hóa tôn giáo và tôn giáo hòa hợp với tín ngưỡng dân tộc.
Tính khoan dung, rộng mở và xu thế dân tộc hóa mà các tôn giáo du nhập vào Việt Nam không tạo nên xung đột, đặc biệt xuyên suốt lịch sử ở Việt Nam không có chiến tranh tôn giáo. Ngày nay, các tôn giáo được công nhận và cấp phép hoạt động ở Việt Nam đề ra những nguyên tắc, mà dễ dàng nhận ra điểm chung, đó là đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc: Tốt đời, đẹp đạo; Sống phúc âm trong lòng dân tộc (Công giáo); Đạo pháp - Dân tộc - XHCN (Phật giáo); Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc (Tin Lành); Nước vinh, đạo sáng (Cao Đài); Chấn hưng nền đạo, gắn bó với dân tộc, phù hợp với chính sách và pháp luật của Nhà nước, góp phần tham gia xây dựng Tổ quốc (Phật giáo Hòa Hảo) được các tín đồ và Nhân dân hưởng ứng.
Người dân được tự do thực hiện hành vi tín ngưỡng. Trong ảnh: Người đi dâng lễ tại đền Kiếp Bạc, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ảnh: KHÁNH UYÊN |
Hoạt động tôn giáo trong thực tế đời sống
Trong thực tế đời sống, Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các hành vi tín ngưỡng và hoạt động tôn giáo. Nhiều lễ hội tôn giáo hòa quyện cùng văn hóa dân tộc, trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được đông đảo người dân và tín đồ tham gia, thể hiện rõ nhất là lễ Phật đản, lễ Giáng sinh, lễ Vu lan, lễ hội hành hương về Thánh địa La Vang, lễ hội Đền Hùng... Ngoài ra, nhiều sự kiện lớn của các tôn giáo được tổ chức thành công, có sự tham dự của đại biểu các nước.
Năm 2018, Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam. Năm 2019, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công Ðại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc với sự tham gia của hơn 1.650 đại biểu chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu... đến từ hơn 112 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Ða minh thế giới tại Ðồng Nai với đại biểu của nhiều nước tham gia vào năm 2019. Giáo hội Tin Lành đã tổ chức thành công lễ kỷ niệm 500 năm cải chánh đạo Tin Lành vào năm 2017…
Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Đại lễ Vu lan - Báo hiếu Phật lịch 2566 - Dương lịch 2022. Trong Thông bạch của Trung ương Giáo hội nêu rõ việc thực hiện nghi lễ tại các nơi công cộng phải được sự chấp thuận của chính quyền các cấp; nội dung chương trình có nghi thức Bông hồng cài áo tri ân công đức sinh thành của cha mẹ; thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sĩ. Trước đó, vào tháng 5, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566 tại TP Hồ Chí Minh với sự tham dự của hàng nghìn tăng, ni, phật tử và đại biểu trong, ngoài nước. Hoạt động dâng hương tưởng niệm các vị Thánh tử đạo của Phật giáo cũng được tổ chức ở nhiều nơi, trong có tượng đài Quách Thị Trang. Bà là người tham gia phong trào đấu tranh của Phật giáo chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm và hy sinh. Bà được dựng tượng, được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ, tên bà được đặt cho công trường nơi bà ngã xuống và các con đường ở nhiều địa phương trên cả nước.
Tại Phú Yên, kể từ khi Giáo hoàng Gioan Phaolo II tôn phong Thánh tử đạo tiên khởi năm 2000, những bức tượng của chân phước Anrê Phú Yên được dựng tại nhà thờ Mằng Lăng (xã An Thạch, huyện Tuy An) để giáo dân hành lễ. Hàng năm, có hàng trăm nghìn lượt du khách đến thăm nhà thờ cổ kính này, chiêm bái Á thánh Anrê và chiêm ngưỡng cuốn sách quốc ngữ đầu tiên Phép giảng tám ngày. Chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhà thờ đón khách.
Trên khắp lãnh thổ Việt Nam, khi các tổ chức tôn giáo tiến hành các hoạt động hoặc tổ chức sự kiện có đông đảo tín đồ và người dân tham gia, chính quyền luôn hỗ trợ để bảo đảm an toàn, trật tự ở mức cao nhất. Tín đồ, chức sắc, cơ sở thờ tự, trường đào tạo của các tôn giáo ngày càng tăng; các tổ chức tôn giáo mở rộng quan hệ quốc tế… Những điều đó chứng minh rằng Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
Kỳ 2: Những điểm tương đồng trong tự do tôn giáo ở Việt Nam và thế giới
PHẠM HOÀNG