Thứ Năm, 02/05/2024 01:03 SA
Kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam được trao giải thưởng tự do báo chí (kỳ cuối)
Thứ Tư, 27/07/2022 09:18 SA

Kỳ cuối: CPJ cố ý bôi nhọ môi trường tự do báo chí ở Việt Nam

 

Ủy ban Bảo vệ nhà báo (Committee to Protect Journalists, viết tắt là CPJ) cho rằng “môi trường tự do báo chí đang xuống cấp ở Việt Nam, một trong năm quốc gia có nhà báo bị quản lý tồi tệ nhất trên thế giới”. Luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống của CPJ nhằm hạ thấp uy tín, phá hoại sự ổn định và phát triển của Việt Nam.

 

Những cuốn sách của Phạm Đoan Trang có nội dung bôi nhọ, xuyên tạc thể chế chính trị Việt Nam, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: P.H

 

Quyền tự do báo chí được hiến định và luật định

 

Cần phải khẳng định rằng Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật, được thực hiện trong thực tế đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam và được thể hiện rõ ràng qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong thời gian qua.

 

Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin… Việc thực hiện các quy định này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 có những điều quy định cụ thể về quyền tự do báo chí của công dân, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng nêu rõ: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời cho cơ quan thông tin đại chúng những thông tin theo quy định của pháp luật phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; việc đăng phát thông tin trên báo chí thực hiện theo quy định của pháp luật về báo chí”.

 

19.000 nhà báo, 779 cơ quan báo chí, 70% dân số sử dụng internet

 

Về thực trạng báo chí ở Việt Nam hiện nay, cả nước hiện có 779 cơ quan báo chí (142 báo, 612 tạp chí, 25 báo điện tử), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh - truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Tổng cộng có hơn 40.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí. Bộ TT-TT đã cấp 18.977 thẻ nhà báo, trong đó 11.600 thẻ cấp tại cơ quan báo in, báo điện tử; 7.377 thẻ cấp tại cơ quan báo nói, báo hình. Hội Nhà báo Việt Nam có hơn 22.000 hội viên, thuộc 288 tổ chức hội. Giải báo chí quốc gia đã tổ chức qua 16 năm, vinh danh các tác giả, tác phẩm xuất sắc trong mọi lĩnh vực; giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức được 3 mùa giải; hàng loạt vụ án tham nhũng được báo chí phát hiện, đưa ra ánh sáng càng cho thấy vai trò của báo chí ngày càng được ghi nhận trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

 

Việt Nam cũng là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng internet cao nhất thế giới với khoảng 70% dân số sử dụng. Hàng trăm mạng xã hội đăng ký hoạt động, phổ biến nhất là Facebook, Zalo, Instagram, Tik Tok…, trong đó Facebook là trang mạng xã hội phổ biến nhất với hơn 65 triệu người sử dụng. Không chỉ xem, nghe đọc báo, đài trong nước, người dân có thể dễ dàng tiếp cận các kênh truyền thông quốc tế. Thông qua sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, báo chí đã tích cực phát triển theo nhu cầu bạn đọc; hướng đến mục tiêu tiếp cận nhanh bạn đọc, báo chí đã tích hợp những tính năng mạng xã hội vào các ấn phẩm. Từ đó càng phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân và là diễn đàn của Nhân dân, nơi người dân có thể trình bày tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước.

 

Tự do báo chí đều trong khuôn khổ pháp luật

 

Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều quy định mọi quyền tự do nằm trong khuôn khổ luật pháp, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

 

Ở Đức, Ðạo luật cơ bản (tức Hiến pháp) quy định mọi người có quyền thể hiện quan điểm của mình qua hình ảnh, lời phát biểu, bài viết trên sách báo, hay phát tán qua phát thanh, truyền hình; vì tự do báo chí là một phần của tự do ngôn luận. Tuy nhiên, Hiến pháp nước này cũng nhấn mạnh “Sự hưởng thụ tự do cho mỗi người đều phụ thuộc vào việc tất cả mọi người thực hiện nghĩa vụ trung thành với Nhân dân, Hiến pháp, Nhà nước và luật pháp”. Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp cũng xác định: “Tự do trao đổi suy nghĩ và ý kiến là một trong những quyền quý giá nhất của con người. Vì thế, bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”.

 

Bộ luật Hình sự của Mỹ quy định: “Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng, tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hay bạo lực”. Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định mọi người có quyền tự do ngôn luận, tuy nhiên kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt được pháp luật quy định: “Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”.

 

Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới, mọi sự tự do đều nằm trong khuôn khổ pháp luật. Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm các hành vi: “Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân…”. Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 cũng nêu rõ: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân”.

 

Việc bắt giữ, xét xử và phạt tù Phạm Đoan Trang về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là đúng luật pháp Việt Nam. Việt Nam không bắt giữ, xét xử những người “bất đồng chính kiến”, “người hoạt động nhân quyền”, “không đàn áp những tiếng nói chỉ trích”… Việt Nam chỉ xử lý những người lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật; tung tin gây hoang mang dư luận, mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

 

Điều đó khẳng định việc CPJ cho rằng “môi trường tự do báo chí đang xuống cấp ở Việt Nam, một trong năm quốc gia có nhà báo bị quản lý tồi tệ nhất trên thế giới” là hoàn toàn bịa đặt, không có cơ sở; cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Trao giải thưởng vinh danh một kẻ vi phạm pháp luật như Phạm Đoan Trang là hành động nực cười của CPJ.

 

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 nêu rõ “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…Việc thực hiện các quy định này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 cũng nêu rõ: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân”.

 

PHẠM HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek