Ủy ban Bảo vệ nhà báo (Committee to Protect Journalists, viết tắt là CPJ) vừa công bố trao tặng Giải thưởng Tự do báo chí quốc tế năm 2022 cho Phạm Đoan Trang, người mà CPJ gọi là “nhà báo, nhà hoạt động” của Việt Nam. Tổ chức có trụ sở tại New York, Mỹ này còn biện bạch và lớn tiếng cáo buộc rằng, bằng cách vinh danh Phạm Đoan Trang, CPJ đang làm sáng tỏ môi trường tự do báo chí đang xuống cấp ở Việt Nam.
Kỳ 1: Phạm Đoan Trang là ai?
Phạm Đoan Trang (tên thật là Phạm Thị Đoan Trang) là một trong những “nhà dân chủ” được tổ chức Việt Tân và các tổ chức phản động tung hô; là một người có tư tưởng và hành vi chống đối Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết liệt. Đối tượng này đang thi hành án tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.
Phạm Đoan Trang. Ảnh: TTXVN |
Kẻ có tư tưởng chống đối quyết liệt
Phạm Đoan Trang là thành viên cốt cán của Tổ chức VOICE - một tổ chức lấy lương tâm để che đậy hành vi chống phá Việt Nam. Trang được một số đối tượng cầm đầu tổ chức này giao phụ trách nhân sự, trực tiếp tuyển lựa, duyệt người trước khi đưa ra nước ngoài để huấn luyện, đào tạo cách thức hoạt động chống chính quyền. |
Sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là cán bộ hưu trí, bản thân Trang tốt nghiệp Trường đại học Ngoại thương Hà Nội. Sau khi ra trường, Trang có thời gian làm việc và công tác với một số cơ quan báo chí, truyền thông: từng là phóng viên của VnExpress, nhân viên Công ty Truyền hình kỹ thuật số VTC, cộng tác viên Báo Vietnamnet và có thời gian làm phóng viên Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.
Năm 2013, Trang bị cơ quan kỷ luật buộc thôi việc do xuất cảnh đi nước ngoài không xin phép. Trong chuyến đi này, Trang đã bị lôi kéo tham gia các hoạt động biểu tình chống cộng. Trở về nước, Trang đã trực tiếp thành lập và tham gia điều hành nhiều hội, nhóm bất hợp pháp, đồng thời đứng sau thúc đẩy lập nhóm Du ca Sài Gòn, Tuổi trẻ làm đẹp quê hương, lợi dụng danh nghĩa biểu diễn ca nhạc, bảo vệ môi trường để tụ tập, trình diễn ca khúc thời Việt Nam cộng hòa, khuếch trương lực lượng chống đối trong nước, tập hợp lực lượng chống đối trong giới văn nghệ sĩ, trí thức trẻ.
Phạm Đoan Trang còn là thành viên cốt cán của Tổ chức VOICE (Sáng kiến vì lương tâm người Việt hải ngoại - một tổ chức lấy lương tâm để che đậy hành vi chống phá Nhà nước và Nhân dân Việt Nam), được một số đối tượng cầm đầu tổ chức này giao phụ trách nhân sự, trực tiếp tuyển lựa, duyệt người trước khi đưa ra nước ngoài để huấn luyện, đào tạo cách thức hoạt động chống phá chính quyền. Trang cũng là một trong những người sáng lập và duy trì hoạt động của Nhà xuất bản Tự do - một tổ chức dân sự trá hình, hoạt động trái phép chuyên xuất bản, in ấn và phát hành các ấn phẩm có nội dung tiêu cực, xuyên tạc, kích động bạo lực, chống phá Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, Trang cũng lập và điều hành các trang mạng như Luật khoa tạp chí, Phamdoantrang.com, The Vietnamese magazine… Ngoài ra, Trang còn viết, tán phát bất hợp pháp nhiều bài viết, cuốn sách có nội dung chính trị xấu như Cẩm nang truyền thông, Từ Facebook xuống đường, Bầu cử phi dân chủ ở Việt Nam, Chính trị bình dân, Toàn cảnh thảm họa môi trường Formosa ở Việt Nam, Phản kháng phi bạo lực, Cẩm nang nuôi tù... Đây là những cuốn sách có nội dung bôi nhọ, xuyên tạc thể chế chính trị Việt Nam, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam; hướng dẫn cách thức hoạt động chống chính quyền, cách thức đối phó với cơ quan thực thi pháp luật; kêu gọi biểu tình, lật đổ chế độ ở Việt Nam. Trang còn có hành vi trả lời phỏng vấn BBC News tiếng Việt và Đài Á Châu tự do (RFA), trong trả lời phỏng vấn có phát ngôn xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước.
Do đó, tháng 12/2021, Phạm Đoan Trang đã phải đối mặt với bản án 9 năm tù về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Những giải thưởng thiếu khách quan và lời kêu gọi trả tự do vô căn cứ
Mới đây, CPJ đã công bố trao tặng Giải thưởng Tự do báo chí quốc tế năm 2022 cho “nhà báo, nhà hoạt động” Phạm Đoan Trang. Tháng 2/2022, Bộ Ngoại giao Canada và Anh đã trao Giải thưởng Tự do truyền thông (Media Freedom 2022) cho Phạm Đoan Trang “để ghi nhận những đóng góp của bà Trang cho việc “thúc đẩy tự do báo chí tại Việt Nam””. Trước đó, nhân vật này cũng được trao giải thưởng nhân quyền Martin Ennals hồi tháng 1/2022, tại Thụy Sĩ; Mỹ trao giải Phụ nữ can đảm quốc tế; tháng 5/2021 được công nhận là thành viên danh dự của PEN tại Đức; được trao giải Tự do báo chí năm 2019 của Tổ chức Phóng viên không biên giới...
Đây là những giải thưởng thiếu khách quan và phi lý, vì Phạm Đoan Trang không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, càng không phải là một nhà báo hoạt động hợp pháp tại Việt Nam - một quốc gia luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin.
Càng không thể lý giải khi một đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam lại được tôn vinh, trao giải thưởng tự do báo chí như một biểu tượng của dân chủ, nhân quyền. Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng từng khẳng định: “Phạm Đoan Trang bị bắt giữ và xét xử do có những hành động vi phạm pháp luật nhiều lần, nghiêm trọng, liên hệ với các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài, xuất bản các ấn phẩm trái phép có nội dung tuyên truyền, hướng dẫn, kích động các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân. Hành vi của Phạm Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội”.
Trước việc Mỹ trao giải Phụ nữ can đảm quốc tế cho Phạm Đoan Trang, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng đã lên tiếng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân, trong đó có quyền của phụ nữ, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. “Việc Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho Phạm Đoan Trang, một cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam đã bị đưa ra xét xử và đang thi hành án phạt tù là hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Trong khi đó, Anh và Đức là hai nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Quan hệ đối tác chiến lược giữa các quốc gia có những thỏa thuận riêng, nhưng trong đó bao gồm nội dung “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, phải có lòng tin lẫn nhau”. Còn Mỹ và Canada là những nước có quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Tuyên bố chung Việt Nam - Canada nêu rõ: “quyết định tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước theo hướng toàn diện… trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và luật pháp của mỗi nước”. Như vậy, việc các nước Anh, Đức, Mỹ, Canada trao giải thưởng vinh danh một kẻ vi phạm luật pháp Việt Nam, đang thực hiện án phạt tù rõ ràng là hành động thiếu khách quan và không phù hợp.
Các tổ chức núp bóng nhân quyền như Phóng viên không biên giới (RSF), Theo dõi nhân quyền thế giới (HRW), Ân xá quốc tế (AI)... đã lớn tiếng phản đối và kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho Phạm Đoan Trang. RSF đã cố tình xuyên tạc “vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang là ví dụ mới nhất về việc đàn áp những tiếng nói chỉ trích ở Việt Nam”. HRW cho rằng “Phạm Đoan Trang đã dấn thân để tìm cách giải thích cho các công dân Việt Nam về những quyền hạn của chính họ, đúng theo Hiến pháp Việt Nam”. Còn AI xuyên tạc: “Việc Phạm Đoan Trang bị bắt là một hành động đáng chê trách. Bà là một nhân vật hàng đầu cho cuộc đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam”. Những tuyên bố sai sự thật trên của AI, RSF, HRW thực chất là một sự can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam; cố tình xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, nhằm làm cho cộng đồng thế giới hiểu sai về quan điểm, chính sách của Việt Nam, hạ uy tín của Việt Nam đối với bạn bè thế giới. Việc kêu gọi trả tự do cho một kẻ vi phạm pháp luật như Phạm Đoan Trang là vô căn cứ.
KỲ CUỐI: CPJ cố ý bôi nhọ môi trường tự do báo chí ở Việt Nam
PHẠM HOÀNG