Để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, người dân có thu nhập cao thì việc huy động sức mạnh, sức sáng tạo của mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực văn hóa, con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Biểu diễn bài chòi tại lễ đón Bằng UNESCO công nhận Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại tại Phú Yên. Ảnh: PV |
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tổng kết thực tiễn 35 năm đổi mới, tiếp tục phát triển nhận thức mang tính đột phá về nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người, trong đó có nội dung hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Về hệ giá trị văn hóa
Trong các văn kiện Đại hội XIII, vấn đề chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng phát triển con người được nhấn mạnh, là một nội dung mới, thể hiện nhận thức của Đảng ngày càng sâu sắc hơn về vai trò, vị trí và ý nghĩa quan trọng của việc giáo dục, bồi dưỡng nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, cân bằng giữa cuộc sống vật chất và tinh thần, hài hòa giữa các nhu cầu kinh tế và đời sống đạo đức, văn hóa. |
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định phương hướng phát triển văn hóa Việt Nam là: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”(1).
Kế thừa và phát triển các quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Đảng qua các kỳ đại hội và các hội nghị Trung ương về các lĩnh vực văn hóa trước đây, các văn kiện Đại hội XIII của Đảng không chỉ đặt ra vấn đề “đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam”, mà còn nhấn mạnh, làm rõ yêu cầu về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới(2).
Trong điều kiện đất nước ngày càng phát triển, hội nhập sâu rộng vào các tiến trình của thế giới, việc gắn bó chặt chẽ mối quan hệ giữa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người với hệ giá trị trong gia đình Việt Nam là một nhận thức mới, trong đó đặt hệ giá trị gia đình vào vị thế vốn rất quan trọng của nó, với tư cách là các tế bào xã hội, là hạt nhân lưu giữ và phát huy các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
Hơn thế nữa, gia đình cũng là môi trường giáo dục đầu tiên vô cùng quan trọng, đặc biệt là nơi hình thành và nuôi dưỡng những mầm mống đầu tiên có ý nghĩa định hướng về tính cách của mỗi con người. Vì thế, đây cũng chính là cách đặt vấn đề về sự cần thiết phải quan tâm, có những giải pháp, điều kiện tích cực hơn trong việc xây dựng và phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong điều kiện mới.
Về hệ chuẩn mực con người
Trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta luôn xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng con người. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định rõ: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể của phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và nhân dân… chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức, trách nhiệm; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, tình nghĩa; có tinh thần quốc tế chân chính”(3).
Đến Đại hội lần thứ XII, vấn đề phát triển con người toàn diện được Đảng ta xác định là một trong những nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước giai đoạn 2016-2020, đó là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa(4). Đây là bước tiến quan trọng của Đảng ta khi không chỉ coi trọng vấn đề phát triển con người về mặt nhận thức, mà còn biến đó thành nhiệm vụ, thành hoạt động thực tiễn cần phải được thực hiện đồng thời với các nhiệm vụ quan trọng khác trong công cuộc phát triển đất nước.
Trong vấn đề phát triển con người, Báo cáo Chính trị và các văn kiện Đại hội XIII đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề giáo dục và bảo vệ trẻ em, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, coi đây là đối tượng quyết định tương lai của đất nước, cần được giáo dục, bồi dưỡng toàn diện, song cũng là lớp người dễ bị tổn thương cần được quan tâm bảo vệ và chăm sóc tốt hơn nữa. Những nội dung được nhấn mạnh trong giáo dục, bồi dưỡng con người nói chung, thế hệ trẻ nói riêng là “lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội; “nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam”(5).
Trong việc giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam, báo cáo chính trị nêu rõ một nội dung mới, đó là từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và các giá trị hiện đại(6). Đây là lần đầu tiên trong văn kiện chính thức của Đảng đặt vấn đề khắc phục những hạn chế trong mối quan hệ hữu cơ, không tách rời với việc giáo dục, phát huy những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam đã được hình thành trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó chính là một bước nhận thức mới rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn về văn hóa và con người Việt Nam, vừa khẳng định giá trị tốt đẹp, những giá trị tích cực có ý nghĩa căn bản và quyết định làm nên bản sắc văn hóa và con người Việt Nam, vừa nhìn thẳng vào sự thật với tinh thần tự phê bình, phê bình nghiêm khắc. Khắc phục những hạn chế và phát huy những mặt tốt đẹp trong truyền thống, góp phần xây dựng và không ngừng hoàn thiện con người Việt Nam.
Những nội dung mới nổi bật trên chính là những yếu tố cốt tử để xây dựng và phát huy những phẩm chất tốt đẹp, hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam. Đồng thời đây cũng là những điều kiện không thể thiếu để thực hiện một định hướng phát triển rất quan trọng, tạo thành động lực to lớn cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời gian tới. Đó là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc(7). Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững(8).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Phải làm cho văn hóa thấm sâu vào tâm lý quốc dân”. Điều này có nghĩa văn hóa là nền tảng, là mục tiêu, động lực tinh thần xã hội. Khi văn hóa được gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội thì trở thành sức mạnh nội sinh rất quan trọng của phát triển. Để văn hóa phát triển thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước(9).
-------------------
(1, 3) - Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, HN.2011, tr.75-76, 70.
(4) - Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB CTQG HN, 2016, tr.78,
(2, 5, 6, 7, 8) - Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB CTQGST, tập I, tr143.
(9) - Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB CTQGST, tập II, tr330.
NGUYỄN VĂN THANH