Thứ Tư, 22/05/2024 03:33 SA
Sớm gỡ vướng thực hiện chương trình miền núi
Thứ Tư, 18/10/2023 07:21 SA

Người đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở xã Ea Ly, huyện Sông Hinh giới thiệu các sản phẩm của địa phương cho khách du lịch. Ảnh: NGÔ XUÂN

Sau gần 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình), một số dự án, tiểu dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khiến cho tiến độ thực hiện bị chậm, không thể giải ngân vốn theo kế hoạch.

 

Tỉ lệ giải ngân thấp

 

Năm 2022 và 2023, huyện Sông Hinh được phân bổ hơn 92,1 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình. Đến nay, địa phương mới giải ngân được 24,3 tỉ đồng, trong đó có một số dự án, tiểu dự án chưa được giải ngân. Tương tự, huyện Đồng Xuân được phân bổ 67,4 tỉ đồng thực hiện Chương trình cho năm 2022, 2023. Đến nay, huyện này cũng mới giải ngân khoảng 11,5 tỉ đồng.

 

Tại huyện Sơn Hòa, các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình đang triển khai xây dựng các công trình đường dân sinh, nước sinh hoạt, nhà ở dân cư… tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững cũng như góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tuy vậy, đến nay địa phương mới giải ngân 22,4 tỉ đồng, đạt 47% tổng kế hoạch vốn giao.

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, năm 2023, tổng nguồn vốn ngân sách trung ương giao thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh là 205,8 tỉ đồng, đã được phân bổ về các cơ quan, địa phương có liên quan. Ngoài ra, nguồn kinh phí của năm 2022 được chuyển nguồn thực hiện đến hết 31/12/2023 là 90,03 tỉ đồng. Đến hết tháng 9/2023, các đơn vị, địa phương mới giải ngân được 57,1 tỉ đồng, trong đó, ngân sách trung ương là 56,06 tỉ đồng, đạt 18% kế hoạch; ngân sách địa phương giải ngân được 1,05 tỉ đồng, đạt 17% kế hoạch vốn giao giai đoạn 2022-2023.

 

Nhiều vướng mắc

 

Qua hơn 9 tháng thực hiện Chương trình, đến nay, chỉ có một số dự án, tiểu dự án hoàn thành, có thể giải ngân hết 100% nguồn vốn vào cuối năm 2023. Một số dự án, tiểu dự án khác mới chỉ giải ngân được 10-20% nguồn vốn; thậm chí có những dự án chưa được giải ngân vì còn chờ văn bản hướng dẫn của các cấp, ngành trung ương.

 

Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đang được các địa phương đẩy mạnh triển khai. Ảnh: NGÔ XUÂN

 

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Mặc dù nguồn vốn đã được phân bổ từ đầu năm, nhưng nhiều văn bản hướng dẫn từ trung ương còn chậm, gây khó khăn trong việc thực hiện. Tiêu biểu như Tiểu dự án 2 - Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS-MN, hiện vẫn chưa thể thực hiện. Bởi hầu hết các xã vùng đồng bào DTTS-MN không có điều kiện thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Địa phương định hướng sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế nhưng các cấp thẩm quyền chưa ban hành định mức hỗ trợ nên chưa thể triển khai.

 

Quá trình triển khai Tiểu dự án 1 - Dự án 3 về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân cũng gặp nhiều vướng mắc. Huyện phân bổ 20,2 tỉ đồng cho 5 xã trên địa bàn, tuy nhiên, sau khi kiểm tra, rà soát, phần lớn diện tích rừng ở các địa phương này đều cách quá xa khu dân cư, lại không tập trung nên không đáp ứng được yêu cầu. Đồng thời, một số đối tượng thụ hưởng và nhiều diện tích rừng trên địa bàn xã Phú Mỡ đang hưởng hỗ trợ tiền từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thuộc Sở NN&PTNT nên không được tiếp nhận nguồn vốn từ các chương trình khác. Tương tự, với Tiểu dự án 3 - Dự án 5 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS-MN, phần lớn đối tượng thụ hưởng đều đã được nhận hỗ trợ từ nguồn vốn năm 2022 nên hiện không đủ số lượng người thụ hưởng theo quy định...

 

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn

 

Để có thể triển khai các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, huyện Sông Hinh kiến nghị tỉnh sớm ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; các văn bản quy định định mức hỗ trợ đối với một dự án/mô hình/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, cũng như định mức đối với một dự án/mô hình/kế hoạch đa dạng hóa sinh kế. Địa phương cũng kiến nghị tỉnh điều chỉnh kinh phí đã phân bổ cho các huyện thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3 cho Sở NN&PTNT thực hiện.

 

 

 

Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, những tháng cuối năm, địa phương sẽ tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn; những công đoạn nào còn dang dở sẽ tập trung giải quyết, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Huyện Đồng Xuân cũng đề xuất UBND tỉnh thu hồi 29,21 tỉ đồng đã phân bổ cho huyện giao lại cho các sở ngành, đơn vị có chức năng liên quan để triển khai thực hiện, bảo đảm quyền lợi cho người dân được thụ hưởng Chương trình.

 

Ông Trương Văn Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Ban Dân tộc tỉnh đề xuất Ủy ban Dân tộc, các cấp, ngành trung ương, tỉnh sớm ban hành các tài liệu, hướng dẫn để triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình còn đang tồn tại, vướng mắc. Đơn vị cũng yêu cầu các địa phương liên quan gấp rút rà soát lại những điểm nghẽn về công tác phân bổ, giải ngân vốn thực hiện Chương trình để kịp thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền chỉ đạo, điều chỉnh, bảo đảm cho việc triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn.

 

Tại cuộc họp sơ kết 9 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ nhấn mạnh: Chương trình có tác động rất lớn đến đời sống người dân các DTTS. Các sở ngành, địa phương cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện. Đồng chí Đào Mỹ cũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương ưu tiên giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai các dự án, tiểu dự án. Những phần việc nào có thể triển khai được thì ưu tiên làm trước; những công việc nào còn vướng thì cùng nhau tìm cách tháo gỡ. Sở KH-ĐT thường xuyên theo dõi, giám sát tiến độ triển khai thực hiện Chương trình; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các ngành, địa phương để đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch đề ra.

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek