Đối với các cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN), đẩy gậy vừa là một môn thể thao truyền thống, vừa là một trò chơi dân gian đặc sắc. Trò chơi này xuất hiện trong hầu hết các dịp lễ hội cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ hàng năm của người dân miền núi.
Trong các dịp lễ hội, ngày tết của người đồng bào DTTS, bên cạnh các hoạt động sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, thì không thể thiếu các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, ném còn, đi cà kheo… Những trò chơi vừa thể hiện được sức khỏe, vừa thể hiện sự khéo léo, tinh tế của các chàng trai, cô gái người đồng bào DTTS.
Già làng La Chí Thái ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, cho biết: Ngày xưa, các thanh niên, trai tráng trong buôn thường thách thức nhau xem ai khỏe hơn, nên dùng trò đẩy gậy để thể hiện sức mạnh. Khi chơi trò này, người ta chọn một cây gậy thi đấu làm bằng loại gỗ tốt, thẳng hoặc cây tre già có chiều dài 2m; thân gậy có đường kính khoảng 5cm và đã được làm nhẵn. Sân thi đấu là một bãi đất trống, bằng phẳng, được vẽ một vòng tròn có đường kính khoảng 5m. Khi thi đấu, mỗi người cầm chắc một đầu gậy trong tư thế sẵn sàng. Sau khi nghe hiệu lệnh, hai bên bắt đầu làm động tác đẩy gậy. Theo luật chơi, bên nào chạm chân vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc. Thông thường, mỗi trận đấu thường được chia làm 3 hiệp; ai thắng 2 hiệp thì giành chiến thắng. Tham gia làm trọng tài để phân định thắng thua thường là các già làng, người có uy tín trong thôn.
Anh Mang Toàn, 30 tuổi, ở thôn Da Dù, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, cho biết: Mình bắt đầu chơi trò đẩy gậy từ tuổi đôi mươi. Cứ thấy người lớn chơi là lại vào thử, rồi đam mê lúc nào không biết. Đến nay, gần như cuộc chơi lớn, nhỏ nào mình cũng tham gia. Trò chơi này ngoài đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, còn cần sự khéo léo, bền bỉ và tâm lý vững vàng để biết lúc nào cần chớp thời cơ thật nhanh để giành chiến thắng.
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng phòng VH-TT huyện Đồng Xuân, tại Đồng Xuân, cùng với lễ hội trống đôi, cồng ba, chiêng năm được công nhận văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn, thì trò chơi đẩy gậy cùng với nhiều trò chơi dân gian khác của cộng đồng người đồng bào DTTS-MN cũng được bảo tồn, phát huy. Trước đây, trò chơi này thường được tổ chức trong những dịp tết, các ngày lễ hội của buôn làng, còn hiện nay, đẩy gậy dần trở thành môn thể thao quần chúng, thu hút nhiều tầng lớp, lứa tuổi tham gia. Đặc biệt, đẩy gậy cũng được đưa vào thi đấu mang tính chuyên nghiệp, trở thành một môn thể thao phát triển rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc. Hàng năm, địa phương đều tổ chức các chương trình hội thao phong trào để gìn giữ phong tục tập quán, văn hóa truyền thống các dân tộc, trong đó có môn đẩy gậy.
NAM KHÁNH