Thứ Sáu, 20/09/2024 04:00 SA
Nỗ lực ổn định đời sống, cải thiện kinh tế cho người dân miền núi
Thứ Bảy, 15/04/2023 11:00 SA

Người dân xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa nỗ lực lưu giữ, truyền dạy văn hóa dệt thổ cẩm truyền thống cho các thế hệ trẻ. Ảnh: NGÔ XUÂN

Ban Dân tộc tỉnh cùng với chính quyền các huyện miền núi đang đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (gọi tắt là chương trình), với mong muốn sớm mang lại lợi ích cho người dân các huyện miền núi khó khăn.

 

Tập trung triển khai

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, từ đầu năm đến nay, các cấp bộ, ngành từ trung ương đến địa phương đều khẩn trương tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình. Nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình cũng được các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, bổ sung phù hợp tình hình thực tiễn; nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc.

 

Cụ thể, ngày 23/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của chương trình. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, tham mưu các văn bản cụ thể hóa các hướng dẫn, quy định của trung ương thực hiện một số dự án, tiểu dự án, các nội dung chương trình phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

 

Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Năm 2023, huyện Đồng Xuân được phân bổ 15,75 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện 6 dự án, tiểu dự án thuộc chương trình; nguồn vốn sự nghiệp được giao là 29,2 tỉ đồng. Ngay từ những tháng đầu năm, UBND huyện đã yêu cầu các xã được thụ hưởng là Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Lãnh, Đa Lộc, Phú Mỡ lựa chọn danh mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên phù hợp với các công trình, dự án và kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 của từng dự án; đôn đốc giải ngân hết nguồn vốn trong 6 tháng cuối năm 2023.

 

Tương tự, huyện Sơn Hòa đang tập trung xây dựng 121 nhà ở cho hộ nghèo, cải tạo đất sản xuất cho 5 hộ, với tổng kinh phí 5,67 tỉ đồng (Dự án 1); triển khai 4 công trình về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết tại xã Phước Tân và Suối Trai, với tổng kinh phí 2,2 tỉ đồng (Dự án 2). Địa phương cũng bố trí vốn cho 7 xã đặc biệt khó khăn và thôn Dốc Cát (xã Sơn Hà) triển khai 33 công trình đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS-MN với tổng kinh phí 21,19 tỉ đồng (Dự án 4). Đến nay có 2 công trình đầu tư hạ tầng giao thông tại xã Suối Trai đã nghiệm thu đưa vào sử dụng, phục vụ cho nhu cầu đi lại của Nhân dân trên địa bàn.

 

Khó giải ngân

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, từ đầu năm 2023, việc triển khai chương trình trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp rất quan tâm. Tuy nhiên, việc triển khai các mục tiêu và tiến độ giải ngân vốn thực hiện chương trình còn rất chậm. Công tác chỉ đạo, điều hành cũng như triển khai thực hiện ở các địa phương còn nhiều lúng túng. Trình độ, năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của các cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế.

 

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Chương trình được kỳ vọng hỗ trợ, cải thiện tích cực đời sống người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, công tác hướng dẫn thực hiện chương trình còn quá chậm. Một số dự án, tiểu dự án đến ngày 23/2/2023 mới có văn bản hướng dẫn, nên trong năm 2022 chưa giải ngân được. Địa phương đang phải giải ngân nguồn vốn của cả 2 năm 2022 và 2023, nên vô cùng áp lực.

 

Còn theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, chương trình được thực hiện trong 5 năm; đến nay đã bước sang năm thứ 3 nhưng một số bộ, ngành vẫn chưa hoàn thiện việc xây dựng và ban hành cơ chế chính sách thực hiện. Điều này khiến việc chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án tại các địa phương gặp nhiều lúng túng.

 

Ông Thọ cho biết thêm, năm 2022, để triển khai dự án hỗ trợ đất ở, nhà ở, huyện Sông Hinh chủ trương đẩy nhanh tiến độ triển khai để hỗ trợ bà con có nhà mới đón tết. Các xã cũng đã hỗ trợ xây dựng khoảng 30 nhà ở cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa giải ngân được nguồn vốn này, khiến bà con gặp rất nhiều khó khăn vì nợ tiền vật liệu, tiền công xây dựng nhà ở. Đối với một số dự án từ nguồn vốn đầu tư, địa phương đã giải ngân được khoảng 37%, nhưng vốn sự nghiệp thì chưa giải ngân được. Trong đó, tiến độ giải ngân cao nhất là Dự án 4, đạt khoảng 89,7%; còn các dự án khác mới giải ngân được khoảng 15-20%. Một số dự án chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, nên địa phương và các chủ đầu tư vừa chuẩn bị công tác triển khai, vừa chờ hướng dẫn của các sở, ngành liên quan.

 

Đẩy nhanh tiến độ

 

Theo ông Phạm Trung Chánh, để chương trình được triển khai kịp thời, các cấp có thẩm quyền cần cung cấp tài liệu tập huấn, bồi dưỡng Tiểu dự án 4 (thuộc Dự án 5); đối tượng thụ hưởng của Tiểu dự án 1 (thuộc Dự án 9); Tiểu dự án 2 (thuộc Dự án 10)... Huyện Đồng Xuân cũng kiến nghị Ban Dân tộc tỉnh đề xuất UBND tỉnh cho phép điều chỉnh nguồn vốn của một số dự án, tiểu dự án khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

 

Ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Địa phương sẽ chỉ đạo các đơn vị phụ trách, các xã thụ hưởng đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án. Huyện Sông Hinh cũng yêu cầu các xã thụ hưởng chủ động hơn trong triển khai; vận dụng vai trò của người uy tín, các cán bộ cốt cán để tăng cường việc tuyên truyền, vận động thực hiện các dự án. Đối với cấp xã không đủ năng lực thì cấp huyện sẽ giao nhiệm vụ cho phòng chuyên môn làm chủ đầu tư nhằm đảm bảo tiến độ cho các công trình cơ sở hạ tầng. Các ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2022 và những năm tiếp theo; tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình thực hiện, đảm bảo các nguồn vốn sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích.

 

Ông Trương Văn Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Chương trình được đầu tư toàn diện trên nhiều lĩnh vực, với nguồn lực rất lớn. Do vậy, chương trình được xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần được triển khai đồng bộ ngay từ các cấp cơ sở. Tuy nhiên, một số dự án, tiểu dự án thuộc chương trình vẫn chưa có đầy đủ các văn bản hướng dẫn; đội ngũ cán bộ các cấp triển khai thực hiện chương trình chưa được đào tạo, tập huấn, dẫn đến việc triển khai còn khá lúng túng.

 

Ông Phương cho biết thêm, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho Phú Yên trên 205,8 tỉ đồng thực hiện chương trình. Các địa phương cần thực hiện tốt việc giải ngân và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn. Từng cấp, ngành, địa phương cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ trong việc tổ chức thực hiện; thường xuyên trao đổi, kịp thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai các dự án, tiểu dự án đúng tiến độ nhằm đảm bảo lợi ích, quyền lợi của người dân được thụ hưởng chương trình. 

 

Quá trình triển khai cần chọn đúng đối tượng thụ hưởng theo từng dự án, tiểu dự án; nghiên cứu áp dụng đúng yêu cầu các nội dung quy định để hỗ trợ một cách có hiệu quả cho các đối tượng được thụ hưởng; tránh sai sót, tránh tư lợi trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.

 

Ông Trương Văn Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek