Chỉ mới xuất hiện trên thị trường hơn một năm nay, nhưng các sản phẩm mắc ca mang thương hiệu Mắc ca Đất Phú do chị Bế Thị Nga, người dân tộc Tày sinh năm 1991 ở thôn Tân Lập, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) sản xuất đã khẳng định uy tín với khách hàng. Mong muốn của chị Nga là mở ra hướng phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương.
Mạnh dạn khởi nghiệp
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ, chị Nga đã phụ giúp cha mẹ việc ruộng rẫy. Lớn lên, Bế Thị Nga nhận ra sự vất vả, thiệt thòi của người nông dân, khi họ chỉ biết trồng trọt, thu hoạch sản phẩm bán cho thương lái, chịu cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa... Từ đó, chị ấp ủ kế hoạch khai thác nguồn nông sản sẵn có tại địa phương để chế biến thành sản phẩm bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Năm 2018, chị Nga bắt đầu tìm hiểu về quy trình chế biến hạt mắc ca. Chị vay 80 triệu đồng đầu tư mua 2 máy sấy, 2 máy tách vỏ, 1 máy hút chân không để chế biến hạt mắc ca sấy nứt. Nguyên liệu từ sản lượng mắc ca trồng trong vườn của gia đình và thu gom từ các hộ trồng mắc ca trên địa bàn xã.
Theo chị Nga, quy trình chế biến hạt mắc ca không khó, nhưng đòi hỏi sự công phu trong từng công đoạn. Mắc ca sau khi mua về sẽ được phân loại để chọn hạt có độ đồng đều cao; sấy sơ qua để bảo quản rồi mới sấy chín. Hạt sấy xong sẽ được cắt nứt và soi kỹ qua bóng đèn để loại bỏ những hạt bị đốm đen do bảo quản không đúng cách. Để hạt mắc ca được ngon và giòn, chị Nga chọn phương pháp sấy rồi mới cắt nứt. Với phương pháp này, sản lượng mắc ca hao hụt nhiều, nhưng cho hạt thành phẩm trắng đều, thơm ngon và giữ được hàm lượng dinh dưỡng.
Thời gian đầu, việc khởi nghiệp của cô gái 9X không mấy suôn sẻ. Những mẻ mắc ca đầu tiên, khi thì cháy, khi bị vỡ gần hết. Rồi những hạt nhìn ngoài rất đẹp nhưng bên trong bị đốm màu. Dù lỗ vốn nhưng chị vẫn kiên trì với ý tưởng khởi nghiệp này. Cứ như vậy, dần dần chị rút ra được kinh nghiệm và bí quyết cho riêng mình. Đến nay, sản phẩm của cơ sở Mắc ca Đất Phú được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng.
Nâng cao giá trị nông sản địa phương
Với máy móc sẵn có, chị mở rộng thu mua, sản xuất nhiều sản phẩm khác nữa như chuối sấy, granola (ngũ cốc hỗn hợp), tinh bột nghệ… được người tiêu dùng ưa chuộng. Bình quân, mỗi năm cơ sở Mắc ca Đất Phú sản xuất và tiêu thụ khoảng 2 tấn mắc ca, 300kg tinh bột nghệ, 700kg granola, 300kg chuối sấy…
đạt doanh thu hơn 250 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi năm cơ sở của chị Nga thu lợi nhuận hơn 120 triệu đồng. Bên cạnh kênh tiêu thụ chính là bán hàng online và bán lẻ, chị Nga còn ấp ủ đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi nhằm tăng cường quảng bá và nâng cao giá trị nông sản của địa phương.
Chị Bế Thị Nga chia sẻ: Ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp, gia đình, bè bạn tôi đều ngăn cản vì đây là con đường rất khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, khi xác định theo đuổi giấc mơ nông nghiệp sạch, tôi đã sẵn sàng đương đầu với những thử thách. Ngoài làm kinh tế, tôi mong muốn tạo dựng được một sản phẩm đặc trưng của quê hương, để khi nhắc đến mắc ca, người ta nghĩ ngay đến vùng đất Ea Ly.
Chị Nguyễn Thị Nga, một khách hàng thường xuyên mua hàng của chị Bế Thị Nga, cho biết: Chứng kiến quá trình khởi nghiệp của chị Nga, tôi rất khâm phục sự nỗ lực, chịu khó của cô gái trẻ này. Để ủng hộ sản phẩm của địa phương, tôi không chỉ mua cho gia đình mình sử dụng, mà còn giới thiệu nhiều bạn bè, người thân dùng thử. Ai cũng thích sản phẩm mắc ca sấy của cơ sở Mắc ca Đất Phú.
Theo chị Đàm Thị Na, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Ly, hiện nay xu thế sử dụng nông sản sạch ngày càng phổ biến. Các sản phẩm nông sản chế biến của chị Bế Thị Nga đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài phát triển kinh tế, sản phẩm của cơ sở này còn góp phần quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Khởi nghiệp với các sản phẩm nông sản tiêu biểu của quê hương, chị Bế Thị Nga đã góp phần nâng tầm giá trị cây mắc ca của vùng đất Sông Hinh, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững.
Chị Đàm Thị Na, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Ly |
NGỌC LY - NGÔ XUÂN