Thứ Sáu, 22/11/2024 23:46 CH
Tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ Ba, 15/11/2022 11:00 SA

Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS-MN nhằm phát triển toàn diện đời sống người dân miền núi. Trong ảnh: Sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người đồng bào DTTS xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa). Ảnh: NGÔ XUÂN

Cùng với cả nước, Phú Yên đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) giai đoạn 2021-2030. Báo Phú Yên trao đổi với ông Trương Văn Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh về việc triển khai chương trình này tại Phú Yên. Ông Phương cho biết:

 

Thời gian qua, Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS-MN. Nhờ đó, tình hình KT-XH ở vùng này có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực này vẫn còn cao; các mô hình sản xuất kinh tế chưa mang tính ổn định, chất lượng đời sống kinh tế, văn hóa còn cách xa so với các khu vực khác… Đây là những tồn tại mà Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021-2030 đang nỗ lực khắc phục.

 

Ông Trương Văn Phương

* Ông có thể khái quát về Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021-2030?

 

- Đây là một chương trình được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, với một nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS-MN một cách toàn diện. Chương trình mang tính chất tổng thể, dài hạn 10 năm và là một chương trình mới, đặc thù dành riêng cho vùng đồng bào DTTS-MN, ưu tiên tập trung đầu tư cho đồng bào DTTS-MN đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Chương trình được chia làm 2 giai đoạn: 2021-2025, 2025-2030 với 10 dự án và 14 tiểu dự án. Trong đó, trên địa bàn tỉnh thực hiện 12 tiểu dự án.

 

Mục tiêu của chương trình là ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS-MN; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào DTTS. Chương trình cũng nhằm rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS-MN so với vùng phát triển; giảm dần số xã, thôn ĐBKK; đẩy mạnh phát triển đồng bộ các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; xóa bỏ dần các phong tục tập quán lạc hậu, đồng thời bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp đặc trưng của các dân tộc.

 

* Trong giai đoạn 2021-2025, Phú Yên đặt ra mục tiêu cụ thể nào để nâng cao đời sống bà con vùng đồng bào DTTS-MN trên địa bàn tỉnh?

 

- Trong giai đoạn này, Phú Yên đặt ra một số mục tiêu như: phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỉ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm trên 3%. Phấn đấu 100% xã, thôn, buôn có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông. Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Phấn đấu nâng cao tỉ lệ trẻ em được đến trường và tốt nghiệp THPT; tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; nâng cao tỉ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề lên 50%; bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

 

Chương trình cũng hướng đến đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là các DTTS tại chỗ; bảo đảm tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỉ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương.

 

Người dân xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân được hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế. Ảnh: NGÔ XUÂN

 

* Đến nay, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021-2025 được triển khai như thế nào? Trong quá trình triển khai có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?

 

- Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS-MN là 323,18 tỉ đồng. Riêng năm 2022 là 105,63 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 62,9 tỉ đồng, kinh phí sự nghiệp 42,7 tỉ đồng.

 

Chương trình được thực hiện trong 5 năm, nhưng đã mất gần 2 năm xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế chính sách. Một số bộ, ngành vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn nên công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thuộc chương trình còn lúng túng. Trình độ cán bộ cơ sở còn hạn chế về năng lực quản lý và tổ chức thực hiện chương trình, chính sách, dự án được giao.

 

Tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện chương trình của tỉnh còn chậm và chưa kịp thời, đã ảnh hưởng đến công tác triển khai, tổ chức thực hiện; nhất là tiến độ phân bổ vốn và giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình, dự án trong năm 2022.

 

* Ban Dân tộc có những đề xuất, kiến nghị gì để giải quyết những tồn tại trên?

 

- Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, các địa phương, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với vùng đồng bào DTTS-MN; tăng cường hướng dẫn chuyên môn cho cấp huyện, xã. Đối với xã không đủ năng lực làm chủ đầu tư thì cấp huyện khẩn trương giao nhiệm vụ cho phòng chuyên môn làm chủ đầu tư nhằm đảm bảo tiến độ cho các công trình cơ sở hạ tầng. Đối với những tiểu dự án còn vướng mắc thì chờ chỉ đạo của UBND tỉnh; các tiểu dự án đủ điều kiện cần triển khai thực hiện ngay. Các ngành, địa phương tăng cường phối hợp, chú trọng tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư chương trình năm 2022.

 

Để thực hiện hiệu quả chương trình, Ban Dân tộc kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quy định định mức hỗ trợ chính sách đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, để các địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho phép chuyển nguồn kinh phí thuộc ngân sách trung ương thực hiện Chương trình năm 2022 sang năm 2023, vì thời gian còn lại của năm 2022 rất ít, khó giải ngân kịp nguồn vốn.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Vùng đồng bào DTTS-MN Phú Yên có 32 DTTS, với 60.128 người, chiếm 6,9% dân số toàn tỉnh. Năm 2021, tổng số hộ nghèo DTTS theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 là 5.240 hộ, chiếm 40,5% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm 34,72% so với hộ DTTS trên địa bàn.

 

NGÔ XUÂN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek